Ở Làng thanh niên lập nghiệp Hà Lam

THU SƯƠNG 21/01/2019 04:21

Nằm ở vùng giáp ranh của các xã Bình Tú, Bình Phục và thị trấn Hà Lam (huyện Thăng Bình), nông trường mía Tư Chánh từng được xem là vùng đất “chết” năm nào đã từng bước hồi sinh sau 17 năm trở thành Làng thanh niên lập nghiệp Hà Lam.

Một góc của Làng thanh niên lập nghiệp, nhiều nhà đang sửa chữa để kịp đón tết.Ảnh: T.S
Một góc của Làng thanh niên lập nghiệp, nhiều nhà đang sửa chữa để kịp đón tết.Ảnh: T.S

Trong ký ức của mình, ông Võ Văn Hùng, quê ở thôn 3, xã Bình Đào, vẫn nhớ như in những khó khăn của ngày đầu trở thành cư dân làng thanh niên lập nghiệp. Ấy là vào năm 2002, cả làng rất nghèo. Tất cả dựa vào khoản hỗ trợ của Nhà nước, còn lại ai cũng trắng tay giống nhau. Trên diện tích 200m2 đất ở được cấp, mỗi hộ dựng căn nhà nhỏ, vừa đủ để một gia đình trẻ sinh sống. “Cả làng khi đó chỉ có được một chiếc xe honda 67 và một chiếc cúp 81. Những hôm trẻ con trong làng đau ốm nóng lạnh, hai chiếc xe thay nhau dùng để chở trẻ ra bệnh viện huyện. “Vùng đất này ngày đó rất cằn cỗi, những cánh đồng lúa chỉ cao chừng 25 phân, còn sắn thì không lớn nổi, không có lá. Nhưng tin tưởng vào chính sách, chiến lược của chính quyền địa phương, tôi cùng những gia đình trẻ khác quyết tâm bắt tay vào phát triển kinh tế” - ông Hùng cho hay.

Những vụ dưa hấu Hắc mỹ nhân đầu tiên đã mang đến niềm tin và hy vọng cho những cư dân trẻ nơi đây. Dần dần trên diện tích 15ha, dưa hấu Hắc mỹ nhân trở thành thương hiệu của Làng thanh niên lập nghiệp Hà Lam ở Thăng Bình. Nhưng vụ dưa chỉ bắt đầu từ tháng Giêng đến tháng 3 âm lịch nên các tháng còn lại nhiều hộ dân trong làng phải đến các xã cánh đông của huyện, thậm chí có người vào tận Tây Nguyên để thuê đất trồng dưa. Chính sự chăm chỉ cần cù ấy mà kinh tế của các hộ ở làng thanh niên dần được cải thiện.

Năm 2002, cũng theo tiếng gọi của “kinh tế mới”, ông Nguyễn Hồng Vĩnh, quê ở thôn 2, xã Bình Triều cùng vợ và 3 con nhỏ đến với làng thanh niên lập nghiệp này. Bây giờ kinh tế gia đình đã ổn định. Cậu con trai út 2 tuổi ngày nào nay đã là chàng thanh niên 19 tuổi, đang học nghề tại TP.Đà Nẵng. Còn con trai lớn, giờ đã có gia đình và cũng quyết ở lại với làng, dựng nhà lập nghiệp. Anh Vĩnh đinh ninh rằng, sẽ vẫn giữ nguyên lựa chọn lập nghiệp ở nơi này. “Ngày trước nhà ở ven sông Trường Giang, cứ mùa mưa bão là bị ngập. Quá khó khăn nên khi được sự quan tâm của Nhà nước, cấp đất sản xuất, cấp đất ở, gia đình xác định lên đây là làm ăn và bám trụ” - ông Vĩnh chia sẻ. Và đó cũng là tư tưởng của hàng chục hộ dân nơi đây. Với sức trẻ, các gia đình đều ra sức đầu tư phát triển kinh tế. Dựa vào nông nghiệp là chính nhưng tranh thủ những ngày nông nhàn, họ vẫn làm nhiều công việc thời vụ khác như thợ nề hay may giày. Nhờ đó, từ 100% hộ nghèo trước kia, bây giờ trong làng chỉ còn 1 hộ nghèo, nhà cửa được sửa sang, mở rộng quy mô và kiên cố hơn. Việc sản xuất nông nghiệp cũng trở nên dễ dàng hơn, bà con đã tự sắm máy cày, máy gặt để phục vụ cho việc trồng lúa.

Ông Nguyễn Hữu Hiệp - nguyên Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình giai đoạn 1997 - 2004, một trong số những cán bộ lãnh đạo lúc bấy giờ chủ trương thành lập Làng thanh niên lập nghiệp của Thăng Bình nhớ lại, năm 1999 Thăng Bình bị ảnh hưởng nặng nề bởi cơn đại hồng thủy nên lãnh đạo huyện càng quyết tâm trong việc di dời nhân dân ở vùng trũng thấp ven sông Trường Giang đến nơi an toàn để an cư lạc nghiệp. Gần 100 hộ dân được chọn di dời khi ấy đa số là bộ đội xuất ngũ. Và một trong số những yêu cầu đó là phải có gia đình, sống với nhau thuận hòa, không mắc vào các tệ nạn xã hội. Vùng đất Tư Chánh lúc trước vốn là gò dưa, sau đó là nông trường mía. Những người trẻ bằng ý chí, sự kiên trì đã hồi sinh vùng đất kinh tế mới này. “Tôi rất mừng, bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước, nhờ ý chí vươn lên, bà con vừa làm ruộng ở đây vừa mở mang thuê đất nơi khác và làm thêm nhiều nghề khác để phát triển kinh tế. Hơn 17 năm qua, làng thanh niên lập nghiệp bây giờ vẫn phát triển tốt. Năm 2019, Hội Khuyến học huyện sẽ kết nghĩa với làng thanh niên lập nghiệp, để động viên về mặt tinh thần, tiếp sức các con, các cháu ăn học, nối gót cha ông, làm giàu cho mình và để tên Làng thanh niên lập nghiệp Hà Lam không bao giờ bị mất đi trong lịch sử của Hà Lam cũng như của huyện Thăng Bình” - ông Nguyễn Hữu Hiệp nói.

Làng thanh niên lập nghiệp Hà Lam hiện là tổ 15, thị trấn Hà Lam. Những cư dân đầu tiên của làng ngày ấy, bây giờ có người đã là ông là bà. Những đứa trẻ năm nào, nay đã lập gia đình, những ngôi nhà mới được dựng nên như sự tiếp nối tinh thần của những thanh niên lập nghiệp 17 năm trước. Một mùa xuân mới lại về, đời sống vật chất, tinh thần của bà con trong làng lại thêm sắc mới, họ đang rục rịch mua sắm, soạn sửa cho Tết. Tết này cũng sẽ là một cái tết lớn hơn, tạo khí thế cho mục tiêu phấn đấu không còn hộ nghèo.

THU SƯƠNG

THU SƯƠNG