Thực hiện đề án đổi mới công tác trợ giúp pháp lý: Bảo vệ công lý vì nhân dân

LÊ HẰNG VÂN 21/01/2019 03:29

Qua 3 năm 2016 - 2018 thực hiện Đề án đổi mới công tác trợ giúp pháp lý (TGPL) trên địa bàn Quảng Nam, tuy thời gian chưa dài nhưng cũng đủ để nhìn thấy những hạn chế cũng như mặt tích cực của đề án, từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm cho chặng đường phía trước.

Truyền thông trợ giúp pháp lý tại xã Trà Dơn, huyện Nam Trà My. Ảnh: THÀNH LÊ
Truyền thông trợ giúp pháp lý tại xã Trà Dơn, huyện Nam Trà My. Ảnh: THÀNH LÊ

Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án đổi mới công tác TGPL giai đoạn 2015 - 2025 của UBND tỉnh yêu cầu: các hoạt động TGPL phải bảo đảm tính khả thi, thống nhất, đúng với các quy định pháp luật, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh trong từng giai đoạn; tránh trùng lặp, chồng chéo trách nhiệm, nhiệm vụ, quyền hạn giữa cơ quan thực hiện với cơ quan phối hợp. Trong quá trình triển khai thực hiện cần xác định rõ trách nhiệm phối hợp và phân công cụ thể nhiệm vụ của các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, UBND cấp xã và các cơ quan tổ chức có liên quan nhằm bảo đảm việc triển khai theo đúng tiến độ, chất lượng và hiệu quả. Tiếp tục triển khai quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ pháp lý cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số...

Chuyển biến tích cực

Khi chưa thực hiện đề án đổi mới (trước 2016), hàng năm Trung tâm TGPL Quảng Nam trợ giúp giải quyết khoảng 2.000 vụ việc, có năm lên đến 3.000, nhưng số vụ việc tham gia tố tụng chỉ có trên dưới 50 vụ, năm 2015 khá hơn cũng chỉ có 74 vụ việc tố tụng, số còn lại hầu hết là tư vấn thông qua TGPL lưu động. Qua số liệu này cho thấy trước năm 2016, Trung tâm TGPL chưa có điều kiện chú trọng đến hoạt động cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí, nhất là tham gia tố tụng cho đối tượng. Do vậy, có thể nói vụ việc thì nhiều, nhưng hiệu quả thực chất thì rất khiêm tốn và nặng tính hình thức.

Sau 3 năm thực hiện đề án, trung tâm đã thực hiện tốt việc nâng cao chất lượng hoạt động TGPL, tập trung thực hiện vụ việc tham gia tố tụng, đặc biệt là các lĩnh vực hình sự, hôn nhân và gia đình..., hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật chỉ thực hiện như một phần bổ trợ cho công tác tuyên truyền pháp luật về TGPL. Năm 2016 - năm đầu thực hiện đề án đổi mới - trợ giúp viên pháp lý (TGVPL) của trung tâm và luật sư cộng tác viên đã tham gia tố tụng 225 vụ việc trợ giúp cho đối tượng. Điều đáng ghi nhận ở đây là 12 TGVPL của trung tâm đã mạnh dạn đảm nhận đến 80% số vụ việc của năm 2016 và được đánh giá 100% đạt loại khá trở lên, trong đó gần 60% đạt loại tốt. Bước sang năm 2017, trung tâm đã thực hiện được 254 vụ việc tố tụng; trong đó, đội ngũ TGVPL thực hiện 84,6%, còn lại do luật sư cộng tác viên tham gia. Và năm 2018 vừa qua trung tâm đã thực hiện được 298 vụ việc tố tụng; đánh giá chất lượng đội ngũ TGVPL năm 2018, đạt chỉ tiêu tốt 9 người, 6 người đạt chỉ tiêu khá.

Tiếp tục vượt khó

Tinh gọn bộ máy
Đi đôi với chú trọng nâng cao chất lượng vụ việc, trung tâm đã chủ động đề xuất tinh gọn bộ máy nhưng đảm bảo hiệu quả. Đến nay biên chế trung tâm đã giảm từ 38 xuống 31 (giảm 18,4%); phấn đấu đến năm 2020 giảm còn 30 biên chế; giảm 1 chi nhánh TGPL, hiện còn 6 chi nhánh; các phòng chuyên môn từ 3 giảm còn 2 phòng. Về đội ngũ luật sư cộng tác viên tham gia TGPL, từ 17 giảm còn 10; hiện có 120 câu lạc bộ TGPL ở 18 huyện, thị xã, thành phố...

Bên cạnh những thành tích đạt được, Trung tâm TGPL cũng nhìn nhận, đánh giá khách quan về những tồn tại, hạn chế như: đội ngũ TGVPL còn trẻ, kinh nghiệm còn ít, nên vẫn còn vụ việc chất lượng hạn chế; công tác truyền thông về TGPL chưa được sâu rộng; Hội đồng phối hợp công tác TGPL trong tham gia tố tụng hoạt động chưa đồng đều; kinh phí và cơ sở vật chất dành cho công tác TGPL chưa tương xứng với khối lượng công việc được giao, nhất là trụ sở làm việc của trung tâm còn chật hẹp, trụ sở các chi nhánh chưa có... Những hạn chế này đã có ảnh hưởng nhất định đến chất lượng TGPL cho đối tượng.

Để vượt qua những khó khăn đã nhận diện, lãnh đạo đơn vị cho biết, thời gian tới Trung tâm TGPL tiếp tục kiện toàn bộ máy tổ chức, thường xuyên bồi dưỡng nghiệp vụ theo hướng chuyên sâu nhằm nâng cao năng lực đội ngũ TGVPL, để đội ngũ này làm tốt vai trò nòng cốt trong việc thực hiện đề án đổi mới cho đến năm 2025. Đơn vị cũng sẽ đề xuất thực hiện cơ chế tài chính theo hướng nâng cao thù lao người thực hiện TGPL cho tương xứng với đặc thù công việc và cơ chế thu hút cán bộ trẻ, hướng tới đội ngũ TGVPL của tỉnh đủ khả năng đáp ứng được 100% vụ việc theo yêu cầu của đối tượng. Bên cạnh đó, tăng cường xã hội hóa công tác TGPL thông qua các tổ chức, cá nhân có năng lực, uy tín, đăng ký tham gia TGPL miễn phí, để giảm tải cho ngân sách. Trung tâm cũng sẽ thường xuyên kiểm tra, thẩm định, đánh giá chất lượng vụ việc để kịp thời xử lý những trường hợp thiếu trách nhiệm, chất lượng hạn chế. Đặc biệt, duy trì chế độ sinh hoạt chuyên đề và cung cấp thông tin pháp luật cho TGVPL để có điều kiện tiếp cận và thực hiện tốt vai trò người bào chữa, bảo vệ cho đối tượng theo pháp luật.

Với những giải pháp cụ thể đưa ra, Trung tâm TGPL Quảng Nam hy vọng sẽ bước sang một giai đoạn mới với sự thay đổi lớn cả về chất và lượng, giúp cho người yếu thế trong xã hội được tiếp cận nhiều hơn với pháp luật, bảo vệ tốt hơn quyền con người, quyền công dân theo Hiến pháp 2013..., từ “đòn bẩy” Đề án đổi mới công tác TGPL trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2015 - 2025.

LÊ HẰNG VÂN

LÊ HẰNG VÂN