Thị dân ở đô thị mới

QUỐC TUẤN 20/01/2019 01:10

Quá trình đô thị hóa đang tác động đến nhiều mặt trong cuộc sống của đại bộ phận người dân Điện Bàn - một đô thị trẻ giáp ranh với các đô thị đặc trưng Đà Nẵng và Hội An.

Các cụm đô thị ở Điện Bàn vẫn còn rời rạc và đang trong quá trình đô thị hóa. Ảnh: Q.T
Các cụm đô thị ở Điện Bàn vẫn còn rời rạc và đang trong quá trình đô thị hóa. Ảnh: Q.T

Những “cụm đô thị”

Từ cách đây đúng 20 năm Chính phủ đã có quy hoạch chung về đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc (năm 1999) tại 3 xã vùng cát Điện Nam - Điện Dương - Điện Ngọc cũ (nay là 5 phường vùng đông). Cũng mới ít năm trước đây thôi “thị dân” ở thị trấn Vĩnh Điện khi có công việc đi xuống các xã vùng cát thì đều mường tượng là xuống dưới... “miệt biển” - nghe cứ xa xôi, cách trở lắm. Nói vậy để thấy quá trình đô thị hóa ở vùng đất trước đây chỉ có dãi dầu cồn cát là cả một câu chuyện dài.

Theo phê duyệt quy hoạch chung đô thị Điện Bàn của UBND tỉnh, đô thị Điện Bàn được phát triển theo mô hình cụm đô thị với khu đô thị ven biển và các khu đô thị dọc quốc lộ. Có thể nhận thấy đặc thù của các đô thị ở nước ta nhất là khu vực miền Trung thường chú trọng đến quy hoạch cảnh quan dọc theo các con sông và Điện Bàn cũng được tự nhiên “ưu ái” cho hai tuyến sông để định hướng phát triển các khu đô thị theo dòng chảy tự nhiên gồm sông Vĩnh Điện và sông Cổ Cò. Theo TS-KTS.Trương Văn Quảng (Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia), với vệt đô thị ven biển cần điều chỉnh cấu trúc giao thông giúp cho khả năng tiếp cận đến không gian biển, sông Cổ Cò và không gian xanh đô thị thuận lợi nhất từ nhiều hướng. Trong khi vệt đô thị ven sông Vĩnh Điện sẽ có cấu trúc phân tán chủ yếu theo cấu trúc đông - tây đảm bảo duy trì khả năng thoát nước mặt theo hướng đông - tây của toàn vùng.
Dự kiến, đến khoảng năm 2020, 5 xã dọc quốc lộ của Điện Bàn cũng sẽ được đô thị hóa với những trung tâm được quy hoạch như: Điện Thắng, Phong Nhị, Vĩnh Điện, Thanh Chiêm… Vì vậy, không chỉ ở những phường vùng đông, các khu phố chợ đang dần mọc lên để “đón đầu” tiến trình đô thị hóa ở các xã này. Tuy vậy, những “hạt nhân” khác như cụm công nghiệp, thiết chế xã hội… thì lại đang chật vật trong việc định hình và phát triển. Ngang qua thị xã, có thể thấy được sự chuyển dịch đô thị hóa hiện vẫn chủ yếu hiển hiện ở các tuyến đường theo trục bắc - nam vốn náo nhiệt từ trước. Khi mà tự các cụm đô thị vẫn chưa thành hình hài hoàn chỉnh thì việc tạo chuỗi liên kết giữa các cụm đô thị của Điện Bàn vẫn còn ở thì tương lai.

Tính đường dài cho thị dân

Theo dự báo, đến năm 2020 dân số đô thị của Điện Bàn vào khoảng hơn 142 nghìn người; tỷ lệ đô thị hóa khoảng 45% và sẽ tiếp tục tăng lên 65% trong giai đoạn 2020 - 2030. Trên thực tế, Điện Bàn chưa phải là thỏi “nam châm” để thu hút được một lượng đáng kể dân số cơ học. Một bộ phận lớn thị dân của thị xã chỉ mới đây thôi hoặc đến bây giờ vẫn còn gắn với nghề nông như một sinh kế chính. Ngày qua ngày, sẽ lại có thêm những lớp nông dân vốn quen với chân lấm tay bùn chuyển mình thành thị dân. Trong một cuộc tiếp xúc giữa người dân địa phương với nhà đầu tư mới đây, ông Nghĩa - 60 tuổi (quê phường Điện Dương) bộc bạch: “Trăn trở lớn nhất là nhận đền bù xong giao ruộng đất thì lớp người trung niên như chúng tôi sẽ làm gì để sinh sống? Đó là chưa nói lo ngại về cơ sở hạ tầng thiếu trước hụt sau ở nơi an cư mới mà tôi đã chứng kiến ở một số vùng bị giải tỏa khác”.

Giờ đây, thị dân ở Điện Bàn đã thấy sự bất ổn từ việc hàng trăm người dân cư trú bất hợp pháp ở phường Điện Ngọc đến tình hình trộm cắp, cờ bạc có chiều hướng gia tăng. Bên cạnh nỗi canh cánh, điều đáng mừng là những thị dân mới này vẫn còn giữ được giềng mối xóm làng ngày cũ - tập tục đáng quý mà thị dân ở nhiều đô thị cũ đã bị “thui chột”. Người dân ở đây vẫn cùng hô hoán, ngăn chặn khi có trộm vặt, vẫn cùng đỡ đần nhau chằng mái nhà, neo cây cột khi mưa gió bão bùng. Họ còn là những thị dân quá “trẻ” để mẫn cảm với xô bồ của phố thị. Nhưng liệu rằng sau dăm ba chục năm nữa họ có còn lưu giữ được nét văn hóa này? Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh: “Với tốc độ phát triển của vùng đô thị từ Đà Nẵng đến Hội An thì việc đô thị hóa tịnh tiến về phía Điện Bàn là điều chắc chắn. Vậy nên việc tính chuyện cấp nước, chuyển đổi nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị cho khu vực này trong thời gian đến là điều phải làm”. Đô thị hóa ở Điện Bàn vẫn còn là một câu chuyện dài ở phía trước…

QUỐC TUẤN

QUỐC TUẤN