Tình đồng hương

XUÂN THỌ 18/01/2019 03:52

Cuối năm, trục đường nối từ Bình Dương lên tỉnh Bình Phước, đoạn chạy ngang qua huyện Chơn Thành tấp nập xe cộ. Ông Trần Công Cảnh đăm chiêu khi nhắc nhớ về quê hương cũng như quãng đời 60 năm ở nơi vùng đất đỏ miền Đông này. “Dân mình vào Bình Phước, có thể phân loại thành ba nhóm” - ông Cảnh bắt đầu lịch sử hành trình về phương Nam của người Quảng bằng câu tóm gọn như thế.

Họp mặt Hội đồng hương Quảng Nam - Đà Nẵng tại Bình Phước vào cuối năm 2018. Ảnh: XUÂN THỌ
Họp mặt Hội đồng hương Quảng Nam - Đà Nẵng tại Bình Phước vào cuối năm 2018. Ảnh: XUÂN THỌ

Nhóm đầu tiên là bộ đội Nam tiến. Năm 1975, khi miền Nam giải phóng, do yêu cầu bảo vệ thành quả cách mạng cũng như xây dựng và phát triển đất nước, những người lính xứ Quảng tiếp tục ở lại để cống hiến tuổi thanh xuân của mình cho Tổ quốc. Trên mảnh đất được cấp, mồ hôi đổ xuống, sau 5 - 10 năm thì kinh tế trở nên ổn định; rồi lập gia đình, rồi sinh con đẻ cái, rồi thấy mình gắn bó với vùng đất đỏ này đến độ không thể rứt ra được.

“Rồi đến thời Ngô Đình Diệm, dựng lên khẩu hiệu “di dân lập ấp” mà thực chất là muốn xé nhỏ hoạt động của cách mạng, rất nhiều người dân Quảng mình bị đưa vô Bình Phước” - ông Cảnh nói về nhóm thứ hai. Nói đến đây, ông chững lại, thở dài: “Hồi đó khổ, khổ lắm. Nhất là lúc đầu vào đây, khí hậu thổ nhưỡng khác biệt nên ốm đau bệnh tật triền miên”. Nhóm thứ ba, phần lớn vào Bình Phước thông qua người thân đã ổn định trong này, khi mà điều kiện ở quê không cho phép họ ổn định cuộc sống hơn.

Ông Trần Ngọc Cảnh - Chủ tịch HĐH Quảng Nam - Đà Nẵng tại Bình Phước, người lưu giữ những câu chuyện của người Quảng nơi vùng đất đỏ miền Đông. Ảnh: XUÂN THỌ
Ông Trần Ngọc Cảnh - Chủ tịch HĐH Quảng Nam - Đà Nẵng tại Bình Phước, người lưu giữ những câu chuyện của người Quảng nơi vùng đất đỏ miền Đông. Ảnh: XUÂN THỌ

“Không phải sau này, khi cuộc sống bớt cơ cực người Quảng mới kết nối với nhau, mà ngay từ những ngày gian khó, đã nương tựa, giúp đỡ nhau rồi” - ông Cảnh mở đầu về quá trình lớn mạnh của Hội đồng hương (HĐH) Quảng Nam - Đà Nẵng tại Bình Phước. Và trong hành trình ấy, chính những người thuộc nhóm một là nòng cốt để xây nên HĐH vững chãi như ngày hôm nay.

Nhìn lại quãng đường đã qua, ông Cảnh nói rằng ngày nay người Quảng ít nhiều tạo được dấu ấn khi sinh sống ở Bình Phước. “Mà cái cốt lõi tạo nên điều đó, chính là bản chất cần cù của người miền Trung mình” - ông Cảnh nhấn mạnh. Còn những thăng trầm của HĐH, ít nhiều có sự tác động bởi sự chia - tách hai tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. Mãi cho đến năm 2006, HĐH Quảng Nam - Đà Nẵng chính thức được thành lập trên cơ sở hợp nhất HĐH tại các địa phương ở Bình Phước. Ông Cảnh cho biết, nhờ đi theo hướng là hỗ trợ sinh kế để gia đình hội viên nghèo khó có phương thức mưu sinh, phát triển kinh tế nên hơn 1.150 hội viên của HĐH Quảng Nam - Đà Nẵng tại Bình Phước không có ai nằm trong diện nghèo của tỉnh này.

Tạm biệt ông Cảnh, tôi tiếp tục hành trình gần 80km để đến huyện Phước Long - mà theo lời ông Cảnh, thì đây là HĐH rất mạnh về công tác xã hội. Ông Hoàng Thanh Tùng - Phó Chủ tịch HĐH Quảng Nam - Đà Nẵng tại tỉnh Bình Phước, đồng thời là Chủ tịch HĐH Quảng Nam - Đà Nẵng khu vực Phước Long cho biết: “Thành lập từ năm 2000 đến nay, hội đã gây quỹ được khoảng 1 tỷ đồng. Số tiền này dùng để cho anh chị em hội viên khó khăn vay lãi suất thấp phát triển kinh tế. Nhờ vậy, đời sống mọi người sớm được ổn định. Năm 2014, hội thành lập Câu lạc bộ Công tác xã hội khu vực Phước Long để đẩy mạnh thêm các hoạt động thiện nguyện tại địa phương”.

Rời Phước Long, tôi nhớ mãi câu chuyện của bà Phan Thị Hiền, hiện sống ở xã Đức Hạnh, huyện Bù Gia Mập (tỉnh Bình Phước). Bà Hiền quê ở Cẩm Lệ (TP.Đà Nẵng), cưới ông Trần Quốc Thiệu (quê Đại Lộc), sau đó vì khó khăn nên hai vợ chồng dắt díu nhau vào Long Khánh (Đồng Nai) để mưu sinh vào năm 1991. Được một năm thì dạt vào tận Sài Gòn. Trong thời gian ở Long Khánh, vợ chồng bà Hiền có gặp ông Tùng, khi hai vợ chồng bà vào Sài Gòn thì ông Tùng dạt lên Phước Long (Bình Phước). “Sau đó có về lại Long Khánh nhưng tìm không ra anh Tùng, mãi đến năm 1997, vì muốn có thêm điểm cộng cho con (do Bình Phước tách tỉnh - NV) nên tôi mới lên Phước Long tìm anh Tùng nữa nhưng không được. Qua nhiều lần trầy trật anh em mới tìm thấy nhau, rồi nhận anh Tùng làm anh em kết nghĩa. Từ đó hai gia đình giúp đỡ nhau, dìu dắt qua từng đoạn trường khó khăn cho đến bây giờ” - bà Hiền xúc động nhớ lại. Khi Đà Nẵng chưa có HĐH hay cả hai tỉnh chưa nhập chung là một HĐH, thì bà Hiền “xin” tham gia HĐH xã Bình An (Thăng Bình) tại Phước Long. “Nhờ vô trong hội, mới được gặp nhiều gia đình anh chị em người Quảng mình trong này, mới đỡ nhớ quê” - bà Hiền chia sẻ. Bà Hiền hiện là Ủy viên Ban chấp hành HĐH Quảng Nam - Đà Nẵng khu vực Phước Long, và mỗi ngày, bà góp chút sức mình, cùng với những người xa quê ở Bình Phước, để nuôi mãi tình đồng hương…

XUÂN THỌ

XUÂN THỌ