Vườn mai xuân trăm tuổi

HOÀNG LIÊN 16/01/2019 07:02

Nghệ nhân Lê Me (ở thị trấn Ái Nghĩa, Đại Lộc) có vườn mai cả mấy trăm cây, trong đó có hàng chục cây mai hàng trăm tuổi. Xuân về tết đến, vườn nhà ông là nơi mọi người đến tham quan thưởng lãm vẻ đẹp của những cây mai rực rỡ sắc vàng.

Nghệ nhân Lê Me (thị trấn Ái Nghĩa, Đại Lộc) bên lão mai cả trăm tuổi chuẩn bị nghinh xuân. Ảnh: HOÀNG LIÊN
Nghệ nhân Lê Me (thị trấn Ái Nghĩa, Đại Lộc) bên lão mai cả trăm tuổi chuẩn bị nghinh xuân. Ảnh: HOÀNG LIÊN

Đam mê cổ mai hoa

Trung tuần tháng Chạp, vườn mai của lão nghệ nhân Lê Me lại lấm tấm vàng những chồi búp, những cánh hoa mỏng manh hé nở. Và nhiều bạn trẻ đến ngắm hoa, chụp hình lưu niệm bên những cội mai cả trăm tuổi có dáng vẻ kỳ vĩ. Danh hiệu lão “nghệ nhân mai cổ” được giới chơi mai phong tặng cho nghệ nhân Lê Me khi ông từng sở hữu hàng chục cây mai cổ có tuổi đời trăm năm tới vài trăm năm tuổi có giá trị từ vài trăm triệu đồng tới nửa tỷ đồng mỗi cây.  Từng trải qua thời kỳ khó khăn, có lúc tưởng chừng từ bỏ đam mê, song cái duyên cứ vận vào, nên nghệ nhân Lê Me vẫn bám trụ với vườn mai mấy chục năm nay. Nghệ nhân Lê Me kể, cứ sáng mùng một mở cửa ra, mùi hương của hoa mai quyện với làn hương trầm khiến ông ngây ngất. Rồi cái thú chơi mai cũng bắt đầu từ đó. Năm nào chí ít trên bàn khách hoặc bàn giữa gian thờ gia tiên cũng có một nhành mai lớn. Ông từng lặn lội khắp nơi ở xứ Quảng, rồi vào Bình Định, ra Huế, Quảng Trị... để có được những cây mai cổ, độc lạ, thỏa nỗi yêu thích.

Hiện vườn mai của nghệ nhân Lê Me chỉ còn chừng 7 - 8 lão mai có tuổi đời từ 60 - 100 năm, có 3 cội mai gần 200 năm tuổi được ông chăm bẵm kỹ lưỡng, không bán, chỉ để cho những mối quen đưa về các khu resort, khu nghỉ dưỡng cao cấp, doanh nghiệp chưng mấy ngày xuân với giá 20 - 30 triệu đồng/gốc. Ông bảo, có nghèo mấy cũng giữ lại những gốc mai đẹp nhất làm “của để dành”. Năm 2006, thời điểm khó khăn, lại thiếu mặt bằng cao ráo trồng mai, chưng mai do vùng Đại Lộc hay bị ngập lụt, có người từng ghé vườn trả 3,5 tỷ đồng để sở hữu toàn bộ, nhưng hai vợ chồng lão nghệ nhân vẫn quyết giữ vườn mai.

Theo giới chơi mai, cây mai cổ, đẹp phải đáp ứng các tiêu chí: cổ (cổ xưa) - kỳ (kỳ vĩ, lạ, độc đáo) - mỹ (đẹp). Yếu tố “cổ” không chỉ căn cứ vào thời gian, mà còn căn cứ vào hình dáng cây, có khi chỉ 50 năm mà cây có vẻ sần sùi, xù xì ở phần thân, cằn cỗi, thế độc lạ đã ra dáng cổ, nhưng có cây cả 100 năm nhưng thân mịn mướt thì cũng không ra dáng cổ. Mai xuân tết đòi hỏi búp nhiều, hoa nhiều, lộc nhiều, phải có hương thì mới được ưa chuộng. Cây mai đẹp không chỉ bởi tự thân nó mà còn do người thổi hồn vào. Có khi chỉ can thiệp sửa thế bằng vài đường nét đơn sơ, cây mai cổ bình thường có thể được nâng lên giá trị gấp 2, gấp 5 lần là bình thường. Nhưng quan niệm của người chơi mai là cố gắng duy trì vẻ đẹp mộc, hồn cốt của cây, chỉ can thiệp khi thật sự cần thiết. Như nghệ nhân Lê Me, có những cây mai khó tạo thế, ông phải mất nhiều đêm trăn trở, rồi có khi cùng bạn bè tìm cách tạo dáng, thế cho cây tuyệt mỹ nhất.

Tỷ phú trồng mai

Người sở hữu cả vườn mai 500 - 600 gốc cho tới cả nghìn gốc như nghệ nhân Lê Me thuộc dạng hiếm. Khu vườn rộng vài nghìn mét vuông ở thị trấn Ái Nghĩa toàn những cội mai, chậu mai, đó là kết quả của mấy chục năm gầy dựng và bao công sức, tâm lực, tiền bạc, mồ hôi của vợ chồng ông. Song mai cũng không phụ lòng người, từ vườn mai này, ông bà sở hữu trong tay cả chục tỷ đồng. Dịp tết này, những chậu mai xuân, mai thế có dáng bonsai, mai cổ chuẩn bị nghinh tết trong vườn nhà ông phô phang vẻ đẹp mê hồn. Dù có thể được xem là “đại gia” của làng mai cảnh Đại Lộc, song ông Lê Me vẫn giữ được sự chân chất với chất giọng quê kiểng kể chuyện nghề…

Năm nay thời tiết khá thuận lợi, ban ngày trời nắng nhè nhẹ, ban đêm se se lạnh, mai tết sẽ rất đẹp. Vậy nhưng cũng không lường được vì cây mai rất nhạy với thời tiết, bởi chỉ cần có những trận mưa hay nắng quá thì mai sẽ đồng loạt bung hoa sớm. Cứ năm giờ sáng, vợ chồng ông và người làm công phải bắt tay vào tưới, bắt sâu, thăm nom từng cây. Chỉ cây mai vừa mua với giá 100 triệu đồng, bà Ngô Thị Thu - vợ ông vui ra mặt: "Mấy ngày nay nhiều người đến xem, trầm trồ không ngớt. Mỗi lần tìm được cây mai đẹp trong lòng vui sướng hẳn ra". Theo quan niệm của người dân miền Trung, ngày tết trong nhà ai cũng đều có một cây mai để lấy lộc hên đầu năm, vừa như một sự cầu may mắn, hanh thông cho gia chủ. Không chỉ vậy, cây mai ngày tết cũng phần nào thỏa mãn thú chơi tao nhã của người yêu mai.

HOÀNG LIÊN

HOÀNG LIÊN