Kiến trúc và kiến trúc sư
Làm nghề kiến trúc, tôi quản lý xây dựng, có thiết kế và thi thoảng tham gia phản biện xã hội trong các cuộc báo cáo thông qua đồ án quy hoạch. Tại các cuộc họp, hội thảo đó, tôi được gặp rất nhiều người, trong đó có những người anh thân thiết.
Ngôi nhà đẹp cần có sự hài hòa với cảnh quan chung quanh. Ảnh: C.NỮ |
Khi đơn vị tư vấn nêu lên tiêu chuẩn này, giải pháp kia, có người vào vấn đề rất nhẹ nhàng. Anh kể câu chuyện về Vũ Như Tô đem hết tài năng và tâm huyết để xây dựng Cửu trùng đài nhằm để lại tuyệt phẩm vô tiền khoáng hậu cho đời. Tiếc rằng công trình đó lại phục vụ cho những vui thú xa hoa của vua Lê Tương Dực mà làm kiệt quệ sức dân. Cuối cùng dân nổi dậy làm loạn. Cửu trùng đài bị đốt, vua Lê Tương Dực cùng Vũ Như Tô bị bắt giết. Câu chuyện ấy để nói lên một điều rằng cái đẹp cũng phải hợp với hoàn cảnh, hợp lòng dân và nhất là nó phải mang mầm thiện.
Khi nhắc đến vấn đề quy hoạch đô thị, có anh nhấn mạnh đến những mảng xanh, cánh đồng làm chức năng năng giữ nước, sản xuất nông nghiệp và những cánh cò trắng muốt bay trên đồng cũng là nét văn hóa đặc sắc mà không dễ nơi nào tạo dựng được. Bê tông hóa diện tích ấy có thể làm được, tất nhiên là rất tốn kém và khó khăn, song vấn đề tái định cư, chuyển đổi nghề nghiệp, những hệ lụy về văn hóa, sự biến đổi về sinh thái là rất khó lường và ảnh hưởng đến các thế hệ mai sau. Rồi quy hoạch công viên trên diện tích đất lúa, một anh bạn nhà thơ của tôi đề xuất giữ lại cánh đồng đó, làm thêm một vài con đường bê tông men theo địa hình, làm vài khu chòi nghỉ, hội quán theo lối kiến trúc địa phương, trồng thêm các loài cây bản địa… ấy là cách đơn giản nhất để bảo tồn văn hóa mà không can thiệp nhiều vào tự nhiên, tất nhiên là tiết kiệm được rất nhiều kinh phí đầu tư… Tôi ngồi nghe và nhận thấy, đây mới là những ý tưởng kiến trúc còn hơn cả những kiến trúc sư, dù tôi không chắc các anh có từng học kiến trúc ở đâu hay không.
Ở cấp độ nhỏ hơn, ấy là vẽ một công trình, hay là một ngôi nhà. Như hôm nọ có ông anh nhờ tôi tới xem và góp ý cho ngôi nhà người em đã xây gần xong. Đó là một ngôi biệt thự gần như hoản hảo cả trong thiết kế và thi công, trừ một vài lỗi rất nhỏ. Thế nhưng, khi ra về, anh bày tỏ ý kiến về lịch sử khu đất, mối tương quan giữa ngôi nhà và cảnh quan xung quanh, về sự tương ứng với hạ tầng kỹ thuật và xã hội, về khả năng phát triển của khu ở nơi căn nhà tọa lạc, gắn với kế hoạch tương lai và tầm nhìn gia chủ. Sau cùng, anh bảo rằng, anh không có ý kiến gì về ngôi nhà, song anh phân vân về vị trí của ngôi nhà. Tôi hoàn toàn đồng ý với anh. Bởi vấn đề vị trí mới là vấn đề tiên quyết, ảnh hưởng đến toàn bộ dự án. Chứ một khi đã quyết định xây dựng ngôi nhà rồi mọi việc xem như không còn gì để bàn nữa. Vì vậy, nếu một quy hoạch không tốt, theo anh đừng quy hoạch; một ngôi nhà chưa được ổn về mọi mặt, đừng làm nhà. Việc tổ chức không gian chỉ là ở đẳng cấp thấp nhất trong công việc kiến trúc.
Trong kiến trúc, quy hoạch, người nước ngoài họ dùng chữ “plan”, mình dịch ra thành chữ “quy hoạch” hay “mặt bằng” một cách cứng nhắc. Và việc đó đã giảm đi cái trường nghĩa của từ “plan”. “Plan” nghĩa là “kế hoạch”, vậy người làm ké hoạch không nhất thiết phải biết vẽ, chỉ yêu cầu là kế hoạch anh ta đồng bộ, thấu đáo, có tầm nhìn và khả thi hay không mà thôi. Và kiến trúc sư có thể học hỏi từ bất cứ người nào, bất cứ nơi đâu và bất cứ khi nào cũng được. Và tôi đồ rằng trong bất cứ một người nào cũng có một vài phần tố chất của kiến trúc sư trong đó...
LÊ TRƯỜNG AN