Người mẹ Bàn Lãnh

VÕ VĂN MINH 15/01/2019 02:54

Trong chiến dịch Hè Thu 1952 Quảng Nam - Đà Nẵng, sau khi cứ điểm Xuân Đài, Vân Ly (xã Điện Quang) bị ta tiêu diệt, thấy có dấu hiệu địch sắp giải tỏa khu tây Gò Nổi Điện Bàn, Ban chỉ huy chiến dịch chỉ thị Tiểu đoàn 39 cử một đại đội tiến qua khu Gò Nổi, đông Xuân Đài, về phía làng Bàn Lãnh chuẩn bị đánh địch từ Phú Bông lên. Đại đội 1 do đồng chí Trần Văn Tấn làm Đại đội trưởng đã nhanh chóng xuất kích. Đơn vị vừa qua đường sắt, thì trinh sát phát hiện có khoảng trên một đại đội địch đang từ phía bắc tiến vào theo dọc đường sắt. Như vậy, địch đã nằm sau lưng quân ta rồi. Đại đội trưởng Trần Văn Tấn tức khắc chỉ huy đơn vị chia làm 2 cánh quay lại đánh địch.

Lúc này, địch trên đường sắt ở thế cao, ta thế thấp. Cuộc chiến xảy ra quyết liệt ngay từ đầu. Không thể nằm ở thế bất lợi để đánh địch. Tấn dẫn đầu đơn vị xung phong ào lên chiếm lấy mặt đường. Thấy khí thế dũng mãnh của ta, địch quay đầu tháo chạy, bỏ lại trận địa số chết và bị thương. Quân ta xông lên truy kích. Vừa lúc đó, máy bay địch ập tới bắn xối xả vào đội hình ta. Trong giờ phút quyết liệt đó, Đại đội trưởng Trần Văn Tấn trúng đạn ngã xuống. Máy bay địch quần lượn khống chế chiến trường. Anh em rút hết về Duy Hưng, một mình Tấn nằm lại với bao thi thể giặc. Chiều đến, một số tên địch mò tới chiến trường thu số bị thương, số chết của chúng, thấy Tấn nằm trên vũng máu đã khô, chúng bỏ qua thi thể của chiến sĩ Việt Minh.

Trời chiều dần, rồi đêm đến, bãi chiến trường vắng lặng. Một bà mẹ ở làng Bàn Lãnh gần đấy, ban ngày nghe tiếng súng nổ nhiều, biết là có đánh lớn, thế nào anh em ta cũng có người sót lại. Tối ấy, mẹ lặng lẽ ra bãi tha ma, nơi trận quyết chiến xảy ra. Dưới ánh trăng le lói của đêm mồng 7 tháng 8 âm lịch, mẹ thấy dáng một người nằm. Ta hay địch? Mẹ đến gần, thấy một cái mũ nan nằm cạnh. Ôi, ta rồi! Mẹ cúi xuống, giở áo đưa tay vào ngực, thấy tim còn đập. Mẹ đi nhanh về, gọi con trai ra, rồi hai mẹ con đưa anh về nhà.

Tấn bị gãy đùi phải, máu ra nhiều, nằm bất tỉnh. Được người mẹ Bàn Lãnh băng bó vết thương, săn sóc, anh dần tỉnh lại. Người mẹ Bàn Lãnh dặn anh: “Đây gần bót địch, ngày mai nó rất có thể đi lùng. Nếu nó tới thì mẹ đưa con vào trong buồng, nhà mẹ vừa hái thuốc lá chưa xâu, mẹ sẽ phủ thuốc lá lên người con che lại, con ráng nằm là được”.

Sáng hôm sau, mẹ vừa bón cho anh thìa cháo thì đã nghe tiếng súng nổ giòn: “Nó đến rồi! Con chịu khó mà nằm. Nằm cho im con nhé!”. Anh con trai bế Tấn vào buồng và phủ thuốc lá lên. Mùi thuốc lá hăng, khó thở. Nhưng nhớ lời người mẹ Bàn Lãnh dặn, anh cố im lặng. Lúc này, anh con trai đã tìm nơi trú ẩn, chỉ còn mình mẹ ở nhà.

“Có Việt Minh trong nhà không?” - một tên lính ngụy xộc vào nhà hỏi. “Thưa các quan, nhà tôi làm gì có Việt Minh” - người mẹ bình tĩnh trả lời. “Thật không?”. “Dạ không có!”. Nằm trong đống lá thuốc, Tấn nghe rõ từng lời của bà mẹ Bàn Lãnh. “Mụ già, cái gì đây?” - một tên lính mở toang cửa buồng chỉ vào đống thuốc lá. “Chọc vào xem!” - một tên sĩ quan Pháp ra lệnh. Hai lưỡi lê của hai tên ngụy đâm thẳng vào. May sao, anh nằm quá gọn, lê đâm vào không trúng.

Chúng kéo đi, mẹ hất thuốc lá để Tấn khỏi ngột. Mẹ ngồi xuống bên anh. Anh quờ tay ôm mẹ mà giàn giụa nước mắt.

Giặc vừa kéo đi cũng là lúc anh em ta đến. Trong khoảnh khắc vội vàng, anh em trong đơn vị đã đưa anh đi. Và, cũng trong cơn đau, anh chưa biết được tên mẹ.

Nước nhà giải phóng, ở miền Bắc về, anh chưa vội về quê nhà ở Nha Trang mà về ngay Bàn Lãnh, cố tìm lại mẹ, nhưng không gặp. Và, cũng chẳng ai còn biết mẹ.

Không được gặp lại mẹ, nhưng tấm lòng của mẹ - người mẹ Việt Nam anh hùng đó ở làng Bàn Lãnh xã Điện Trung, Điện Bàn, vẫn còn khắc ghi mãi trong anh, trong anh em Tiểu đoàn 39 của chiến dịch Hè Thu Quảng Nam - Đà Nẵng năm 1952.

VÕ VĂN MINH

VÕ VĂN MINH