Làng và đình miếu ở Tam Kỳ xưa

PHÚ BÌNH 12/01/2019 02:09

Tam Kỳ là xã được chọn làm lỵ sở của phủ Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam hồi đầu thế kỷ 20. Hiện nay, còn nhiều tư liệu chữ Nho nói về quá trình thành lập, về các tộc tiền hiền, về sở hữu ruộng đất và đặc biệt là dấu tích các thiết chế thờ tự từng có ở xã này.

Đình làng Tam Kỳ (nay còn gọi là Đình làng Hương Trà).
Đình làng Tam Kỳ (nay còn gọi là Đình làng Hương Trà).

Xã/làng Tam Kỳ trong các sách xưa

Phủ biên tạp lục soạn năm 1776 là cuốn sách xưa nhất có đề cập địa danh Tam Kỳ. Trong tư liệu này, địa giới Tam Kỳ được ghi nhận là “vi tử” - tức là một đơn vị đất đai vừa mới khai phá theo cách gọi vào thời các chúa Nguyễn bắt đầu mở đất về phía Nam (vi: diện tích đất hoang vừa được khai phá, tử: chỉ một đơn vị số lượng). Vi tử Tam Kỳ được cuốn sách ấy ghi nhận thuộc về một đơn vị hành chính lớn hơn là “thuộc” (tương đương đơn vị tổng) bao gồm các xã thôn có nhiều hộ khai thác vàng gọi là “kim hộ”. Sách trên cũng ghi nhận tại vi tử này có “quán Suối Đá” và “đò sông Tam Kỳ” nằm trên đường thiên lý xưa.

Đại Nam nhất thống chí là cuốn địa chí được soạn vào giữa thế kỷ 19 tiếp tục ghi nhận tên “đò Tam Kỳ”, “chợ Tam Kỳ”, “thành huyện Hà Đông đặt tại xã Tam Kỳ”, “đầm Tam Kỳ”, “nhà dịch trạm Nam Kỳ ở xã Tam Kỳ”. Những địa điểm đó, đến nay vẫn có thể xác định đúng vị trí.

Ngoài các chi tiết đã dẫn trong hai sách trên, trong cuốn Đồng Khánh địa dư chí soạn vào đầu thế kỷ 20, tên xã Tam Kỳ nằm trong danh sách 31 xã thôn trực thuộc tổng Chiên Đàn (trung), huyện Hà Đông, phủ Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Trong tập bản đồ của sách này, tứ cận xã Tam Kỳ xưa được vẽ rất rõ: phía nam giáp xã Phú Hưng, tây giáp xã Trường Xuân và xã Dưỡng An, bắc và tây bắc giáp hai xã Mỹ Thạch, Phương Hòa, đông giáp ngã ba sông Tam Kỳ.

Tứ cận nói trên gần trùng với mô tả trong Địa bạ triều Nguyễn lập cuối thời Gia Long, đầu thời Minh Mạng như sau: “xã Tam Kỳ thuộc Liêm hộ. Đông giáp xã Phú Hưng, tây giáp xã Đá Bạc và xã Bình An Bạch Câu, xã Phú Lân Trung, nam giáp xã Phú Hưng, bắc giáp sông và xã Phú Hưng”; chỉ khác là tên một số xã lân cận và vị trí về sau đã đổi - do phân chia nhỏ xã thôn hoặc do dòng chảy sông Tam Kỳ thay đổi nên một số chỉ dẫn tứ cận đã khác xưa.

Danh vị tiền hiền và các dấu tích thờ tự

Từ buổi đầu lập làng đến đầu thế kỷ 20, hai họ tộc thay phiên lĩnh chức lý trưởng xã Tam Kỳ là họ Trần và họ Nguyễn. Hai họ này được triều Nguyễn phong là “đồng tiền hiền” của xã. Tiền hiền họ Trần là ông Trần Văn Nghiêm có ông nội và cha từ xã Kim Chuyết, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa vào vùng ngã ba sông Tam Kỳ lập nghiệp từ cuối thế kỷ 16. Tiền hiền họ Nguyễn là ông Nguyễn Đăng Vinh, quê quán xã Ngọc Lâm, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa có cha ông vào vùng Tam Kỳ đồng thời với các ông họ Trần. Hai ông tiền hiền nói trên, vào năm Cảnh Trị thứ 9 đời vua Lê Huyền Tông (1669), do là hậu duệ đời thứ 3 của các vị có công khai phá đầu tiên, nên đã được đứng tên khai ruộng đất sở hữu mà cha ông họ đã khai thác ở Tam Kỳ. Đó là căn cứ để về sau, vào đầu thời Duy Tân, triều Nguyễn công nhận hai ông Trần Văn Nghiêm và Nguyễn Đăng Vinh cùng hưởng danh vị “Tiền hiền làng”.

Các xứ đất được hai họ Trần, Nguyễn kiến canh ở xã Tam Kỳ buổi đầu như Ê Đáp, A Bốc, Bàu Lăng, Bàu Đình, Cửa Truông, Hóc La, Truông Dài - Nhà Núi đến nay vẫn còn ghi dấu trong các bài văn cúng đất vào đầu năm âm lịch ở các phường An Mỹ, Phước Hòa, Hòa Hương, An Sơn thuộc nội thị Tam Kỳ.
Thời điểm dựng đình làng Tam Kỳ đến nay chưa rõ ràng; chỉ biết từ cuối thời Gia Long đến đầu thời Thiệu Trị (1843) đã có nhiều sắc phong thần được cung nghinh, thờ phụng ở ngôi đình này. Nhiều vị cao niên ở Tam Kỳ cho biết, đến đầu thế kỷ 20, khuôn viên đình nằm ven đường thiên lý, ở phía nam Quỳnh Phủ hội quán của Hoa kiều ở Tam Kỳ. Nay, vị trí đó  nằm ở góc đường Phan Châu Trinh và con hẻm dẫn xuống Giếng Bốn Trụ thuộc phường Hòa Hương, TP.Tam Kỳ. Một tư liệu lưu ở địa phương này cho biết đại ý: Vào thời phong trào Nghĩa hội Cần vương ở vùng huyện Hà Đông phát triển mạnh, các sắc thần được thờ ở đình làng Tam Kỳ được giao cho ông thủ sắc tên là Trần Văn Thủ đem về nhà cất giữ vào tháng 6.1886. Tư liệu nói trên còn cho biết: về sau, có 6 trong 12 đạo sắc (phong) thần của làng Tam Kỳ bị mất.

Không lâu sau, 6 đạo sắc thần còn lại được hào lý xã Tam Kỳ đem thờ tại Quan Thánh miếu (còn gọi là chùa Ông) ở ấp Hương Trà ven sông Tam Kỳ. Do ẩm thấp cùng mối mọt, 6 đạo sắc ấy bị hỏng nhiều chỗ (nguyên văn: do tẩm thấp tệ liệt đa xứ/ dịch: do ẩm thấp bị rách hỏng nhiều chỗ). Vì thế, hào lý trong làng đã sao lại nguyên văn nội dung các sắc phong ấy và làm đơn xin quan tuần phủ Nam Ngãi xác nhận để chuyển lên triều đình xin cấp lại. Nhờ vào lá đơn cùng bản sao các sắc phong thần khai vào ngày 14 tháng 12 năm Đồng Khánh thứ 2 (1887) có thể biết được đình làng Tam Kỳ trước đó đã thờ các vị thần như sau:

- “Thành hoàng làng Tam Kỳ” được sắc phong “Bảo an chi thần” vào ngày 27 tháng 9 năm Minh Mạng thứ 7 (1826). Gia tặng “Bảo an thành hoàng chi thần” vào năm Minh Mạng thứ 21 (1840). Gia tặng thần hiệu “Bảo an chánh chân hựu thiện chi thần” vào ngày 14 tháng 5 năm Thiệu Trị thứ 3 (1843).

- “Đại càn quốc gia Nam hải tứ vị tôn thần” được phong tặng thần hiệu “Hàn hoằng quang đại chí đức chuyên biện hiển hóa thượng đẳng thần” vào ngày 2 tháng 11 năm Tự Đức thứ 5 (1852).

- “Bạch mã tôn thần” được tặng thần hiệu “Dương uy ngự vũ bảo chứng kiện thuận hòa nhu hàm quang tôn thần” vào ngày 2 tháng 11 năm Tự Đức thứ 5 (1852).

- Sắc phong danh hiệu “Quan thánh đế quân miếu hộ quốc tý dân” cho miếu Quan Thánh tọa lạc ở ấp Hương Trà; Sắc này ký ngày 12 tháng 4 năm Thiệu Trị thứ 3 (1843).

Như vậy, cùng với đình làng, xã Tam Kỳ xưa có các miếu thờ Thành hoàng, Tứ vị Nam Hải, thần Bạch Mã và Quan Công giống như một số làng xã lớn khác trong thời Nguyễn. Đến khoảng sau năm 1920, chưa rõ vì lý do gì, lý hào xã Tam Kỳ đã chuyển đình làng Tam Kỳ và bàn thờ các vị tiền hiền làng về vị trí chùa Ông ở ấp Hương Trà. Nội thất đình làng ở chỗ mới được bố trí lại: Thờ chư vị tiền hiền, hậu hiền ở gian chính. Bàn thờ Quan Thánh được đặt sang gian bên.

Hiện nay, đình làng Tam Kỳ ở khối phố Hương Trà Tây, phường Hòa Hương đã được trùng tu khang trang. Nhiều người quen gọi (không đúng) là đình Hương Trà. Các miếu thờ thần không còn dấu tích. Bản gốc các sắc phong, kể cả sắc phong tiền hiền cũng không còn. Tuy nhiên, nhờ sự lưu giữ của một số họ tộc lớn ở địa phương, vẫn còn nhiều tư liệu có thể làm chứng cớ gián tiếp cho lai lịch cùng thiết chế thờ tự của một ngôi làng có nhiều đóng góp lớn cho sự phát triển của vùng nam Quảng Nam xưa.

PHÚ BÌNH

PHÚ BÌNH