Dân Giảng Hòa phản đối khai thác cát, chính quyền nói không biết (?)
Tin liên quan
|
(QNO) - Sáng nay 10.1, ngày thứ tư liên tiếp, gần 100 người dân thôn Giảng Hòa (xã Đại Thắng, Đại Lộc) kéo ra bờ sông Thu Bồn đoạn chảy qua thôn để phản đối Công ty TNHH MTV Tư vấn 276 khai thác cát.
Người dân tụ tập phản đối khai thác cát sáng nay. Ảnh: VĨNH LỘC |
Theo ông Lê Văn Thôi (thôn Giảng Hòa), hàng bao đời nay bà con sinh sống, canh tác bình yên trên mảnh đất này. Nhưng nhiều năm qua phải đối diện với tình trạng sạt lở, sụt lún do việc khai thác cát gây ra. Sáng nay (10.1), phát hiện ghe múc cát trên sông nên dân làng tiếp tục ra phản đối, yêu cầu ngưng hút cát. “Họ hút cát cả ngày đêm, dân chúng tôi rất bức xúc, đề nghị cấp trên can thiệp chấm dứt tình trạng này vì nó làm thay đổi dòng chảy quá lớn. Nếu họ có giấy phép khai thác thì phải cho chúng tôi biết, đặc biệt phải tổ chức họp dân vì cuộc sống người dân phụ thuộc mảnh đất này” - ông Thôi nói.
Hầu hết người dân cho rằng, việc cấp phép cho doanh nghiệp khai thác cát mà không thông qua ý kiến người dân là tùy tiện. Hậu quả sạt lở xảy ra ai sẽ là người trách nhiệm? Nên bây giờ phải cho dân biết ai là người ký giấy đồng ý bán đất cát cho doanh nghiệp khai thác?
Theo ông Nguyễn Cao Vinh (người dân trong thôn), việc khai thác cát đã diễn ra vài năm nay, mỗi khi thấy ghe khai thác cát thì dân bơi ghe nhỏ ra ngăn cản, thậm chí đã từng xảy ra xô xát. Đặc biệt, sau khi làng bị sạt lở, một phần dân phải di dời sang khu Gò Lỳ và Đồng Cát gần bên thì chính quyền tự tiện đồng ý với các sở ngành liên quan cho phép doanh nghiệp về khai thác cát với tần suất cao, liên tục. Dân bức xúc viết đơn kêu cứu cơ quan chức năng nhưng không thấy ai can thiệp. “Ngày xưa nhà tôi cách mép bờ hàng trăm mét, nhưng bây giờ vị trí đó (bờ sông) đã sụt lún nằm dưới sông. Với đà khai thác cát như hiên nay, chẳng mấy chốc cả làng Giảng Hòa sẽ đổ xuống sông” - ông Vinh lo lắng.
Gần cả cuộc đời gắn bó với làng Giảng Hòa, ông Trần Quang Khanh (75 tuổi) cho biết, để chống sạt lở, hàng năm người dân phải trồng bói, trồng tre. Nhưng nhà nước lại cấp phép cho doanh nghiệp khai thác cát khiến đất đai sản xuất bị xói lở. Mỗi ngày trên sông luôn có khoảng 10 chiếc ghe trọng tải lớn khai thác cát thường xuyên. “Địa phương không nghe dân, tự tiện ký giấy đồng ý cho doanh nghiệp khai thác cát từ năm 2016 đến nay, gây xói lở khiến dân bức xúc nhưng không thể làm gì được. Hỏi Ban dân chính thôn thì nói hỏi xã, hỏi xã thì họ nói không biết” - ông Khanh cho biết.
Hai ghe của Công ty TNHH MTV Tư vấn 276 khai thác cát trên sông Thu Bồn đoạn khu vực thôn Giảng Hòa sáng 10.1. Ảnh: VĨNH LỘC |
Trong Quyết định số 2281/QĐ-UBND do Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn ký ngày 28.6.2016 về việc cho phép khai thác cát sỏi làm vật liệu xây dựng thông thường và thu hồi đất, cho thuê đất tại thôn Giảng Hòa, có nội dung cho phép Công ty TNHH MTV Tư vấn 276 được khai thác cát sỏi làm vật liệu xây dựng thông thường bằng phương pháp lộ thiên tại thôn Giảng Hòa. Và thu hồi diện tích đất 2,51ha - loại đất bằng chưa sử dụng do UBND xã Đại Thắng quản lý cho Công ty TNHH MTV Tư vấn 276 thuê sử dụng vào mục đích khai thác cát sỏi làm vật liệu xây dựng thông thường.
Cũng theo quyết định trên, trữ lượng địa chất khai thác là 121.483m3, trong đó cát: 107.856m3, sỏi: 13.987m3; trữ lượng khai thác 114.337m3, trong đó cát: 101.211m3, sỏi: 13.126m3. Công suất khai thác 24.000m3 nguyên khối/năm, gồm cát: 21.244m3/năm, sỏi: 2.756m3/năm; mức sâu khai thác trung bình đến cos - 3,22m. Thời gian khai thác và thuê đất, xây dựng cơ bản mỏ, đóng cửa mỏ, phục hồi môi trường là 5 năm kể từ ngày ký quyết định; thời gian khai thác theo công suất thiết kế là 4 năm 10 tháng.
Đặc biệt, quyết định cũng nêu rõ, trong quá trình khai thác cát sỏi không để ảnh hưởng tiêu cực đến giao thông đường bộ, đường thủy nội địa, đất đai, cây cối, hoa màu, công trình của các tổ chức, cá nhân khác nằm lân cận khu vực khai thác của công ty (nếu có). Trường hợp có dấu hiệu không đảm bảo an toàn, phải dừng ngay hoạt động khai thác, đồng thời có biện pháp khắc phục kịp thời…
Ngoài ra, hoạt động khai thác, vận chuyển cát sỏi chỉ diễn ra ban ngày. Cụ thể từ tháng 1 - 9: khai thác, vận chuyển từ 6 - 18 giờ hàng ngày; từ tháng 10 - 12: khai thác, vận chuyển từ 6 - 17 giờ.
Ông Nguyễn Văn Hải - Chủ tịch UBND xã Đại Thắng khẳng định, quan điểm của xã là nên dừng việc khai thác cát sỏi trên sông Thu Bồn đoạn qua thôn Giảng Hòa vì về lâu dài chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tình trạng xói lở vào bờ. “Xã sẽ làm văn bản đề nghị các cấp ngành cấp trên rút giấy phép khai thác cát của các doanh nghiệp đang thực hiện khai thác cát nơi đây” - ông Hải cho biết.
Tuy nhiên, khi được hỏi trách nhiệm của chính quyền xã ở đâu khi mấy ngày nay người dân tụ tập phản đối, có thể xảy ra xô xát với doanh nghiệp nhưng không thấy bất kỳ cán bộ nào của xã đến dàn xếp giải quyết; thậm chí, điện thoại thì lãnh đạo xã không nghe máy, ông Hải nói: “Chúng tôi mới được biết sự việc người dân tụ tập, sẽ lập tức cho cán bộ xuống ngay”. Được biết, UBND xã Đại Thắng cách bãi cát chưa đến 1km.
VĨNH LỘC