Chuyện "đóa hồng"!

C.B.L 10/01/2019 02:04

Tôi vừa nhận được khoản tiền từ một hợp đồng truyền thông, thật phấn khích khi có thêm chút thu nhập ngoài công việc chính! Khoản tiền ấy của tôi lâu nay được gọi là phần trăm, hay tiền hoa hồng của một loại giao dịch, dịch vụ kinh tế. Tất nhiên đó là khoản chi trả này nằm trong quy định, được ghi trong sổ sách. Người ta xem đó là loại chi phí đáng có để trả công cho bên trung gian xúc tiến một loại giao dịch kinh tế nào đó, và còn mang ý nghĩa khuyến khích, động viên để có thêm những giao dịch kế tiếp. Kiểu hoa hồng như trong trường hợp của tôi thì “màu sắc” tương đối đơn giản, nó là khoản chi phí nằm trong sự tính toán, kiểm soát của người chi trả và thường được một tổ chức quy định từ đầu. Nhưng thực tế, “vườn hồng” trong những mối quan hệ kinh tế thì phức tạp hơn nhiều.

Ở thời điểm cận tết này, giao dịch kinh tế, mua bán diễn ra nhiều hơn, nên tình hình chung là “hoa hồng” đang nở rộ ở nhiều lĩnh vực, bên trung gian lại có dịp nhận được nhiều khoản. Nhưng như đã nói, hoa hồng có thêm ý nghĩa là khuyến khích nên số phần trăm chi cho khoản này cũng tùy từng cá nhân, đơn vị, từng loại hình giao dịch và theo nhiều dạng thức khác nhau. Đơn giản như một anh thợ làm điện nước, hay một bác lái xe du lịch, cũng có thể được nhận một khoản vật chất từ người bán hàng điện máy, một tiệm bách hóa nếu anh thật sự có vai trò là chất xúc tác của một mối quan hệ kinh tế. Rồi bác sĩ cũng có thể nhận được một khoản từ các hãng thuốc. Hay số phần trăm được ghi rất rõ ràng là dành để chi trả cho bên đòi nợ thuê; hoa hồng cũng được chi trả cho một bộ phận trung gian trong các thương vụ lớn, bán công khai; hoặc phần trăm của những dự án tiền tỷ được cho là mập mờ, lách qua kẽ hở pháp luật...

Thật dễ dàng lấy những ví dụ về hoa hồng như thế bởi dòng chảy của đời sống quá sinh động, trong khi các mối quan hệ về kinh tế thường phải cần một chất xúc tác, nhưng theo nhiều người, điều quan trọng là phải định lượng cho được chất xúc tác đó, tức là vai trò của bên trung gian để có mức chi trả hoa hồng phù hợp. Trong một mối quan hệ kinh tế nếu phát triển ở một mức độ minh bạch, thì hoa hồng là khoản tương đối rõ ràng, và ngược lại. Thực tế, không hiếm trường hợp người được nhận hoa hồng không đóng tròn vai của một bên trung gian, mà khoản đó có được là từ vị trí công việc của họ. Và người chi trả không phải lúc nào cũng gọi đúng tên “đóa hồng” trong mối giao dịch kinh tế của mình.

Thực ra ai cũng muốn cho “thị trường” hoa hồng ngày càng minh bạch hơn, nhưng điều đó không hoàn toàn phụ thuộc vào họ! Vậy nên, sức hấp dẫn của “đóa hồng” vẫn phụ thuộc vào rất nhiều ở đặc tính của nó. Đó là mùi thơm và màu sắc. Nếu là người yêu hoa hồng, mỗi lần đón nhận nó, bạn nên tìm hiểu xem nó có mùi gì và màu gì!

C.B.L

C.B.L