Nhiều di sản thế giới bị đe dọa do biến đổi khí hậu
(QNO) - Nếu trái đất tiếp tục nóng lên, nhiều di sản thế giới được UNESCO công nhận, trong đó có đô thị cổ Hội An rất dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu.
Phố cổ Hội An nằm bên dòng sông Thu Bồn hiền hòa nhưng lại rất dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu, nước biển dâng cao. Ảnh: Shutterstock |
Những năm gần đây, “thành phố nổi” xinh đẹp Venice của Italia nhiều lần bị ngập chìm trong biển nước vì những trận mưa lớn hay triều cường. Trong khi đó, quần thể rạn san hô Great Barrier - kỳ quan thiên nhiên thế giới của Australia đang đứng trước nguy cơ biến mất do hiện tượng tẩy trắng.
Hay trường hợp của vịnh băng Ilulissat - một vịnh hẹp đầy băng của đảo Greenland được UNESCO đưa vào danh sách di sản thế giới từ năm 2004. Ilulissat cũng chính là một quần thể những khối băng trôi tách ra từ dòng sông băng Sermeq Kujalleq đang tan chảy, một phần vì sự nóng lên toàn cầu. Thậm chí chính quyền Greenland quảng bá rằng vịnh băng Ilulissat là minh chứng của sự thay đổi khí hậu và hãy chiêm ngưỡng vẻ đẹp của nó “trước khi quá muộn”, vì chúng sẽ tan biến mất.
Ruộng bậc thang Cordilleras (Philippines) do người dân bản địa Ifugao tạo dựng cách đây ít nhất 2.000 năm nhạy cảm với nhiệt độ nóng lên và lượng mưa lớn nên dễ bị sạt lở, xói mòn. Các giống lúa phát triển qua hàng trăm năm cũng ít thích ứng với biến đổi khí hậu. Ảnh: Getty Images |
Theo các chuyên gia, biến đổi khí hậu đang tác động mạnh mẽ đến một số di sản quý giá nhất thế giới. Nếu nhiệt độ trái đất tiếp tục tăng, chủ yếu do các hoạt động của con người, thông qua phát thải khí nhà kính, thêm nhiều di sản văn hóa của nhân loại bị xuống cấp trầm trọng hoặc thậm chí không còn tồn tại.
Adam Markham - Phó Giám đốc Chương trình khí hậu và năng lượng tại Liên minh Các nhà khoa học khuyến cáo, nếu không có các biện pháp thích ứng và giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu trên quy mô toàn cầu, nhiều di sản thế giới sẽ bị tổn hại nghiêm trọng do mực nước biển dâng cao và làm mất đi giá trị vốn có của chúng.
Công viên quốc gia Yellowstone (Mỹ) đang trải qua mùa đông ngắn hơn với lượng tuyết rơi ít hơn, dòng sông ấm hơn. Ảnh: Wyoming Office of Tourism |
Mechtild Rossler - Giám đốc Trung tâm Di sản thế giới của UNESCO cho biết họ đã liên tục theo dõi tác động của biến đổi khí hậu đối với di sản, và khẳng định rằng biến đổi khí hậu hiện là mối đe dọa lớn nhất cho các di sản. “Công ước (Di sản thế giới) nói rằng bạn phải xác định các địa điểm độc đáo đó và truyền nó cho các thế hệ tương lai. Nếu chúng ta không còn gì để truyền tải, đây là một tình huống kịch tính” - Mechtild Rossler nói.
Tuy vậy, nhiều chuyên gia như Adam Markham vẫn tin tưởng rằng nhiều quốc gia trên thế giới đang nỗ lực để ngăn chặn các tác động của biến đổi khí hậu đối với cuộc sống, bao gồm những di sản quý giá của chúng ta. Bởi, nếu thế giới không đáp ứng thỏa thuận Paris, chúng ta sẽ mất rất nhiều di sản thế giới.
Thành phố Venice (Italia) chìm trong nước lũ hồi năm ngoái. Ảnh: Getty Images |
QUỐC HƯNG