Lặng người ở Ba Chúc

XUÂN THỌ 08/01/2019 07:23

(QNO) - Bốn mươi năm sấp ngửa trôi qua, nhưng thật đau đớn, khi nghe đến địa danh Ba Chúc (huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) thì vẫn còn nhiều gợi nhớ đến vụ thảm sát mà Pôn Pốt đã gây ra.

Nhà Trưng bày chứng tích tội ác của bọn Pôn Pốt. Ảnh: XUÂN THỌ
Nhà trưng bày chứng tích tội ác của bọn Pôn Pốt. Ảnh: XUÂN THỌ

Đó là nơi trong đời lang bạt của mình, tôi không tìm thấy cảm giác háo hức trên đường đi tới. Và khi rời đi, tôi quyết định chỉ để lại trong máy ảnh tấm ảnh duy nhất chụp phía ngoài Nhà trưng bày chứng tích tội ác của bọn Pôn Pốt. Nó sẽ được đăng cùng bài viết này.

Vậy mà, gần 3 tháng trôi qua, ngay cả khi ngồi xem lại tấm ảnh này, thì trong đầu tôi toàn hiện những thứ đầy ám ảnh. Những điều ám ảnh này, vẫn đang còn hiện diện trong khu nhà mồ Ba Chúc, nằm bên cạnh nhà trưng bày: đó là vô số sọ người, xương người mà đặt chân đến đó, có thể rùng mình bất cứ lúc nào.

Tất cả có 1.159 xương cốt người dân vô tội đang được bảo quản ở đây. Chỉ trong 11 ngày, từ ngày 18.4 - 30.4.1978, có 3.157 người dân Ba Chúc bị Pôn Pốt ra tay sát hại. Xã Ba Chúc khi ấy, như chìm trong biển máu, khi 1/4 dân số ở đây lìa đời dưới bàn tay tàn ác của Pôn Pốt.

Toàn bộ những dữ kiện lịch sử này, đều được thể hiện trong nhà trưng bày. Trong căn nhà này, còn có những hình ảnh đầy đau xót, thê lương mà quân Pôn Pốt đã gây nên.

Và cũng trong căn nhà này, những vật dụng như cọc, dùi, dao, búa… mà quân Pôn Pốt dùng để hành hạ, giết chóc người dân Ba Chúc nói riêng, An Giang nói chung được đặt nằm im ắng trong các lồng kính, nhưng chứa đựng sức mạnh tố cáo tội ác ghê gớm chỉ cần qua vài dòng mô tả đính kèm.

Còn nhà mồ Ba Chúc, năm 1979, chính quyền tỉnh An Giang đã xây dựng quần thể chứng tích tội ác, bao gồm 7 hạng mục: nhà mồ, bia căm thù, nhà truyền thống, nhà thủy tạ, hồ sen, nhà khách và vòng rào. Đến năm 2013, thì khu này được sửa chữa, nâng cấp thêm.

Khu nhà mồ có hình lục giác, mỗi góc là một trụ cột đỡ mái nóc nhà bằng hình tượng bàn tay cầm chuôi kiếm đẫm máu. Chính giữa là khung hộp kiếng 8 cạnh bằng nhau, chứa đựng 1.159 xương cốt. Những xương này được xử lý nhằm kéo dài tuổi thọ.

Toàn bộ khu này, mỗi ngày đều có khách thập phương đến thăm viếng, dù không nhiều lắm, nhưng cũng giúp cho người dân quanh đó “có đồng ra đồng vào” nhờ bán nước, nhang… Một trong số đó là bà Hà Thị Nga - một nhân chứng sống sót sau vụ thảm sát của Pôn Pốt gần 40 năm trước. Tiếc là cuộc đến không hẹn trước, tôi không thể gặp vì bà đi vắng.

Tôi trở ngược ra chỗ du lịch núi Cấm cách đó vài chục cây số, vờ hỏi thăm một số người về Ba Chúc, thì phần lớn câu trả lời nhận được đều xoay quanh khu chứng tích đó. Đủ để thấy, thời gian dù phủ bụi, thì quá khứ không thể bị che đi. Nhưng điều lớn lao hơn ở phía trước, là sau phút lặng người ở Ba Chúc, chúng ta nghĩ những điều tốt đẹp hơn, được không?

XUÂN THỌ

XUÂN THỌ