Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An: Bài học kết nối cộng đồng
Tròn một thập kỷ từ khi Cù Lao Chàm - Hội An được công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới, cộng đồng địa phương đã nhận thức và phát huy nhiều giá trị độc đáo mang tính bản địa ở khu vực này.
Nhờ vào các chương trình bảo tồn và ý thức cộng đồng địa phương loài cua đá Cù Lao Chàm được phục hồi và phát triển. Ảnh: Q.T |
Chuyển biến
Với các giá trị nổi trội như tính đa dạng sinh học; cảnh quan hoang sơ, độc đáo; hiện diện đầy đủ các kiểu hệ sinh thái của vùng đất ngập nước…, Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An trước đây là một ngư trường tiềm năng với nhiều nguồn lợi giá trị cao khiến ngư dân tập trung khai thác. TS.Chu Mạnh Trinh - chuyên gia của Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm chia sẻ: “Những năm 90 của thế kỷ trước, ngư dân xã Tân Hiệp, xã Cẩm Thanh chỉ có bắt được con cá mới có tiền. Khi tôi giải thích về công tác bảo tồn mọi người bảo tôi là dân thành phố biết cái gì về cuộc sống mưu sinh của họ mà can thiệp”. Nhiều người dân sinh sống trong vùng lõi và vùng đệm khu sinh quyển cũng thừa nhận “hồi trước chạy ăn từng bữa có biết và quan tâm bảo tồn là cái gì đâu, hải sản thấy bao la thì khai thác chứ ai nghĩ nó sẽ cạn kiệt dần”.
Hơn chục năm trước, nông dân ở thôn Thanh Đông (xã Cẩm Thanh) “đầu tắt mặt tối” với đồng ruộng nhưng cũng không đủ trang trải cuộc sống hàng ngày. Ông Lê Nhương nhớ lại: “Hồi đó người dân địa phương chúng tôi chủ yếu chỉ canh tác bắp, đậu phụng hoặc mè nhưng vụ được vụ mất rất bấp bênh và mỗi năm thường chỉ sản xuất 1 đến 2 vụ”. Giờ đây, với việc tham gia hoạt động sản xuất rau hữu cơ, người dân tại thôn Thanh Đông đã có được mức thu nhập ổn định hơn và quan trọng là việc đa dạng hóa nguồn thu chứ không chỉ trông chờ vào bán nông sản. “Từ tháng 7.2018 đến nay đã có 4 đoàn học viên với hơn 1 nghìn lượt khách đến trải nghiệm, học tập tại vườn rau hữu cơ Thanh Đông và các địa điểm khác tại Cẩm Thanh. Đây là cơ sở để phát triển loại hình du lịch học tập” - TS.Chu Mạnh Trinh thông tin.
Bài học về sự kết nối
Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An có tổng diện tích 33.737ha với 3 phân vùng chức năng: vùng lõi, vùng đệm và vùng chuyển tiếp. Toàn phạm vi khu dự trữ sinh quyển có hơn 357ha rạn san hô, 60ha thảm cỏ biển, 117ha rừng dừa nước và 1.765ha rừng nguyên sinh trên các đảo Cù Lao Chàm. |
Trước đây, từ chỗ nhiều hộ dân Cẩm Thanh thiếu đói phải cứu trợ trong mùa giáp hạt, thì hiện nay đã có thể kiếm được nguồn thu nhờ vào các hoạt động du lịch - dịch vụ. Trong khi đó, Cù Lao Chàm (xã đảo Tân Hiệp) đến nay không còn hộ nghèo. “Vấn đề ở đây là phải định hướng để người dân biết được mình đủ năng lực để thực thi và biết phải làm ra sao để môi trường không bị tổn hại. Từ chỗ vất vả tuyên truyền đến nay người dân địa phương đã chủ động tư vấn về vấn đề bảo tồn đối với các đoàn học tập đến từ Tam Hải (Núi Thành) hay huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi)” - TS.Chu Mạnh Trinh nói.
Những giá trị hiện hữu mà Hội An đang có được từ khu phố cổ trầm mặc, rừng dừa nước, hệ sinh thái đất ngập nước, các làng nghề truyền thống đến điệu hát dân ca, bã trạo… đều là kết tinh từ quá trình vận động của tạo hóa và con người, thế nên Hội An đang tận dụng xâu chuỗi các giá trị này để nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, và cộng đồng hưởng lợi đáng kể. ThS.Lê Ngọc Thảo - Trưởng ban Thư ký Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm nêu ví dụ: “Giờ đây chi phí du khách bỏ ra để thưởng thức cua đá Cù Lao Chàm không chỉ gói gọn ở ẩm thực nữa mà còn được nghe câu chuyện với thông tin thú vị của cua đá trong quá trình sinh tồn tại khu vực này”.
Các nghiên cứu của Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm chỉ ra rằng người dân tại Cù Lao Chàm chỉ mới thu được khoảng 10% doanh thu từ hoạt động du lịch. Đây là một con số còn khiêm tốn và cộng đồng địa phương xứng đáng được hưởng lợi nhiều hơn mức đó. Với chủ trương chia sẻ lợi ích, phát huy mô hình hợp tác 4 nhà, hiện nay nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông đang cố gắng xúc tiến phát triển nhiều sản phẩm đặc trưng địa phương để gia tăng nguồn lợi như: trà rừng, yến sào, rau hữu cơ… Ông Hồ Văn Thương (xã Tân Hiệp) bộc bạch: “Tôi sinh ra ở đảo, cuộc sống mấy năm gần đây của gia đình đã khá hơn nhiều nhờ vào kinh doanh homestay, snorkeling (lặn ống thở) và tôi nhận ra nếu muốn có nguồn thu nhập bền vững về sau thì điều cốt yếu là phải khai thác có trách nhiệm”. Theo bà Trần Thị Hồng Thúy - Giám đốc Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, hiện nay nỗi lo về việc tận diệt nguồn lợi thủy sản trong khu bảo tồn không đến từ người dân địa phương nữa mà lại từ ngư dân nơi khác bởi họ chưa nhận thức được hoặc khai thác bất chấp vì lợi ích của mình.
QUỐC TUẤN