Chiến dịch ba biên

06/01/2019 06:01

Tin liên quan

  • Dấu ấn Nguyễn Chơn

(QNO) - Ngày 7.1.1979, bộ đội Việt Nam cùng lực lượng vũ trang của nước bạn đã tiến vào giải phóng thủ đô Phnom Pênh, cứu nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng của chế độ Pôn Pốt. Giờ đây, tròn 40 năm, tại Việt Nam đã diễn ra lễ mít tinh trọng thể kỷ niệm Chiến thắng biên giới Tây Nam, và ở đất nước Chùa Tháp diễn ra hàng loạt hoạt động kỷ niệm ngày giải phóng. Nhân dịp này, Báo Quảng Nam xin giới thiệu những trang hồi ký của cố Đại tá Quách Tử Hấp về một vài chiến công có sự góp sức của những người con xứ Quảng ở mặt trận này.

Quân tình nguyện Việt Nam ở mặt trận Campuchia. (Ảnh: TTXVN)
Quân tình nguyện Việt Nam ở mặt trận Campuchia. Ảnh: TTXVN

BÀI 2: CHIẾN DỊCH BA BIÊN

Sau chiến dịch tấn công vào dãy Đăng-rếch có cao điểm 547 đã kể, Quân khu 5 tiếp tục mở chiến dịch mùa khô truy quét Pôn Pốt diễn ra trên diện rộng cả vùng ba biên (giáp biên giới Campuchia - Lào - Thái Lan).

Khu vực ba biên có địa hình phức tạp. Dãy Đăng-rếch từ phía Campuchia, được xem như chiếc đòn gánh, chạy dài khoảng hơn 40km, rộng 30km, thấp dần về phía Lào, nhiều dốc đá cao lởm chởm. Phía Nam Lào thì là rừng khộp khô rang, dễ cháy. Phía Thái Lan, căn cứ Pad Úm án ngữ, là căn cứ hậu cần, huấn luyện, kho tàng lớn nhất của Pôn Pốt. Do lực lượng của địch chủ yếu đóng trên đất Thái nên ta rất khó tiềm nhập, trinh sát hoặc tổ chức tiến công dài ngày trong khi mặt trận đối ngoại cam go với luận điệu xuyên tạc ta xâm lược Thái Lan. Quân khu 5 chủ yếu đóng quân trên vùng đông bắc Campuchia. Đây là vùng khí hậu khắc nghiệt, lại giáp với Nam Lào, nổi tiếng với “đặc sản” gió khô rát bỏng như lửa. Vùng Nam Lào có một căn cứ lõm của bọn thổ phỉ Lào cấu kết tàn quân Fulro đóng tiếp giáp khu vực ba biên. Vì vậy, khi anh Huỳnh Hữu Anh đưa một bộ phận quân ta tiến công vào căn cứ này thì ông Khăm Tày Xi-phăn-đôn (sau này là Chủ tịch Đảng, Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào) nói rằng thực tế giờ đây Lào mới được giải phóng hoàn toàn.

Lực lượng địch trên vùng ba biên có khoảng 5 sư đoàn, nhưng thực tế chỉ khoảng 2.000 tên, song chúng dựa vào địa hình hiểm trở nên khó bị ta tấn công lớn, bao vây tiêu diệt gọn. Hoạt động của quân địch ở vùng ba biên cũng phức tạp do kết hợp nhiều thứ quân của Pôn Pốt, CCK (Serieka), Fulro và bọn phỉ Lào, với nhiều chốt điểm. Pôn Pốt có pháo 87 ly, cối 120 và 82 ly, DKZ 75... Trước lực lượng địch như vậy, để tấn công ta phải dùng 6 trung đoàn bộ binh, 4 trung đoàn hỏa lực, chủ yếu thuộc Sư đoàn 2 và Sư 315 Quân khu 5.

Nhân dân thủ đô Phnom Penh lưu luyến tiễn đưa các chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam hoàn thành nghĩa vụ quốc tế, lên đường trở về Tổ quốc. (Nguồn: TTXVN)
Nhân dân thủ đô Phnom Penh lưu luyến tiễn đưa các chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam hoàn thành nghĩa vụ quốc tế, lên đường trở về Tổ quốc. Ảnh: TTXVN

Phương án đánh của chiến dịch ba biên vào tháng 1.1985 được chuẩn y là nghi binh lừa địch suốt cả dải phòng ngự, đồng thời đánh ép để chúng bộc lộ lực lượng, hỏa lực trên phía chính diện. Đồng thời, rút kinh nghiệm như trận 547, ta tổ chức lực lượng chủ yếu luồn sâu dọc biên giới Thái Lan - Campuchia - Lào để tập hậu. Giữa tháng 12.1984, Trung đoàn 95 của Sư đoàn 307 phối hợp đặc công đánh chiếm cứ điểm Núi Cụt của CCK, mở thông đường kéo pháo và triển khai lực lượng trên hướng chính diện và đến ngày 28.12, ta ồ ạt đánh ép nghi binh có pháo cối lớn tập trung để buộc địch bộc lộ lực lượng đối phó. Trong khi đó, lực lượng chủ yếu của chiến dịch là Sư đoàn 2 và Sư 315 xuất phát luồn sâu vào biên giới khép chặt vòng vây. Đến sáng ngày 4.1.1985, hai sư đoàn này đồng loạt tấn công từ phía sau lưng địch, lần lượt đánh chiếm các điểm cao 753, 412, 416, đồi không tên cùng các mục tiêu X4, X5. Qua ngày 5.1, ta tiếp tục đánh chiếm các điểm cao 694, 651, 555 và suối Ô Chênh. Bất ngờ về chiến lược và chiến thuật, trong vòng mấy ngày, địch tan rã, tháo chạy và bị tiêu diệt phần lớn. Chiến dịch ba biên đã chiếm được hầu hết căn cứ lớn của Sư đoàn 801 và Sư đoàn 920 Pôn Pốt, căn cứ Núi Cụt của CCK, chiếm vùng 105 của trung ương Fulro và chỉ huy đầu não của bọn phỉ Lào, xóa trung tâm chỉ huy tiền phương của Bộ Tổng tham mưu Pôn Pốt ở Pad Úm. Chiến dịch này đã tiêu diệt và loại khỏi vòng chiến đấu gần 1.200 tên địch, bắt sống khoảng 250 tên, thu được gần 5.000 súng các loại, trong đó có cả 10 pháo cao xạ 37 ly, hơn 400 tấn đạn…

Tình hình chiến trường Campuchia sau các chiến dịch của ta vào hai năm 1984-1985 có nhiều thuận lợi hơn để ta củng cố hậu cần, huấn luyện. Cũng nhờ đó qua năm 1986, lực lượng bạn được hỗ trợ tốt hơn để xây dựng nền nếp chính quy, được trang bị khá lớn số vũ khí ta thu được, nâng cao thanh thế, củng cố chính quyền giành dân, giữ đất. Đó là những tiền đề cho ta chuẩn bị các bước rút quân về nước, dần dần và đi đến rút hoàn toàn vào 1989-1990.

*

   *     *   

Phải nói rằng, trong những năm qua công tác ở Campuchia với cương vị Phó Tư lệnh Mặt trận 579, hai đợt tấn công lớn vào căn cứ 547 và chiến dịch ba biên để lại nhiều bài học kinh nghiệm đáng quý đối với tôi và đồng đội. Trong đó, nổi lên một điều rằng, muốn một chiến dịch thành công phải luôn hội tụ nhiều yếu tố. Rõ là trong nghệ thuật đánh giặc phải biết người biết ta, nắm chặt tình hình thực tiễn, có cách đánh sáng tạo, phối hợp chiến thuật tốt, đảm bảo tối ưu hậu cần, trang bị hỏa lực tốt… là những yếu tố không thể bỏ qua. Điều đáng nói rằng, từ người chỉ huy cao nhất của Quân khu lúc ấy là anh Nguyễn Chơn đến cán bộ tham mưu, chỉ huy ở tiền phương như tôi hay các đồng chí chỉ huy sư đoàn, trung đoàn, tiểu đoàn, đại đội… đều cần sự quyết đoán và tuân phục mệnh lệnh theo phương án được xây dựng kỹ lưỡng. Một phương án tốt phải có người tài giỏi mới thực hiện được và đảm bảo thành công. Nhờ vậy, quân đội ta đã lập nên nhiều chiến công, với các chiến dịch vũ bão, những đòn đánh quả cảm và sáng tạo.

Riêng tôi duyên nợ với xứ sở Ăng Co - Campuchia và đất nước Lào còn trong một chiến dịch nữa diễn ra vào năm 1987 là truy quét bọn phỉ Lào, CCK và đặc biệt là truy đuổi tiêu diệt đoàn quân Đông Tiến với các Quyết đoàn của Hoàng Cơ Minh (nguyên Phó đề đốc, Tư lệnh vùng II Duyên hải của Hải quân Việt Nam cộng hòa trước 30.4.1975).

ct
Lễ truy điệu, cải táng hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh ở chiến trường Campuchia. Ảnh: Internet

Nói về tập đoàn phản động Hoàng Cơ Minh, nhiều tài liệu đã giải mật, song với tôi có những dấu ấn thật khó quên. Khi tấn công vào những sào huyệt của địch trong chiến dịch ba biên ta thu lượm được nhiều tài liệu quan trọng, trong đó hé mở một đường dây cho biết lực lượng phản động hải ngoại thành lập tổ chức Việt Tân và tập trung khoảng 200 quân để hình thành 4 Quyết đoàn ở trên đất Thái. Trong năm 1985, Hoàng Cơ Minh đã cử một toán xuyên Lào về Việt Nam nhưng đã bị bộ đội Lào chặn giết toán trưởng Đặng Quốc Hiền. Tháng 5.1986, Hoàng Cơ Minh lại tổ chức chiến dịch Đông Tiến I với 100 quân do Dương Văn Tư chỉ huy. Nhưng toán quân này cũng bị bộ đội Biên phòng Việt Nam và Lào chặn đánh, tiêu diệt gần hết. Đầu tháng 12.1986, Hoàng Cơ Minh lại tổ chức cuộc hành quân Đông Tiến II nhưng cũng bị lực lượng phối họp của ta và Lào chặn đánh ngay từ sông Mê kông nên phải quay về căn cứ Uđông. Ngày 7.7.1987, Hoàng Cơ Minh lại xuất quân với chiến dịch Đông Tiến II lần 2, do chính ông ta chỉ huy. Lần này Hoàng Cơ Minh đặt quyết tâm rất cao là về tới Việt Nam và thành lập chiến khu ở Tây Nguyên. Nhưng nhờ những tài liệu và tin tức tình báo, ta đã tổ chức đón lõng và quân dân Lào phối hợp truy đuổi ráo riết. Trong suốt hơn 1 tháng, toán quân của Hoàng Cơ Minh đã bị chặn đánh 15 trận. Dù kẻ địch có mang theo vàng và rất nhiều ngoại tệ nhưng có đem đổi hàng hóa, thức ăn cũng không được. Hoàng Cơ Minh có lúc ra lệnh xẻ thịt đồng bọn bị đau để ăn đỡ đói và cho đến 27.8.1987 thì cùng quẫn tự sát. Khi truy đuổi ráo riết toán quân của Hoàng Cơ Minh thì bộ đội Lào có thu nhặt được tài liệu quan trọng. Lúc đó tôi nhớ, các chiến sĩ và cán bộ Lào đã yêu cầu phải gặp được tôi để trao tận tay. Tôi điện cho Quân khu xin một chuyến bay đặc biệt để mang tài liệu này về. Nhờ tài liệu đó, lực lượng vũ trang và an ninh của ta nhanh chóng triển khai một mẻ lưới lớn hốt gọn các cơ sở phản động trong nước đang chực chờ đoàn quân Đông Tiến của Hoàng Cơ Minh, và đến tháng 12.1987 thì tổ chức được phiên tòa xét xử.

Nhắc lại chiến công này để thấy sự đoàn kết gắn bó của bộ đội Việt Nam, trong đó có bộ đội Quân khu 5, với bộ đội Lào. Riêng bản thân tôi, luôn ghi nhớ một nghĩa tình với những người anh em phía Lào. Trong các chiến dịch trên vùng ba biên, quân dân Lào đã hết lòng ủng hộ bộ đội Việt Nam không khác chi nhân dân ta trong những ngày kháng chiến. Tôi có lần cũng mạo muội chức danh Phó Tư lệnh Mặt trận 579 để ra lệnh xuất kho cứu cấp trong lúc ngặt nghèo cho quân dân Lào 50 tấn muối. Việc đó có bị rầy rà nhưng tôi đã hoàn toàn chủ động xin anh Bảy Hữu đang làm lãnh đạo tỉnh Phú Khánh chi viện kịp thời từ kho ở Nha Trang. Vì vậy, phía cán bộ chỉ huy các tỉnh giáp biên của Lào luôn giữ tình thương mến với bộ đội khu 5, họ sẵn sàng giúp đỡ khi tôi và đồng đội gặp khó khăn. Chiến dịch truy đuổi và tiêu diệt đội quân của Hoàng Cơ Minh không có quân dân Lào thì ta cũng không thể nào triển khai lực lượng xé lẻ trên bình diện rộng và dài như vậy.

Từ đất nước Chùa Tháp rồi đến xứ sở Triệu Voi, tình Mê Kông đã hình thành những mối dây khăng khít và sau này trong chuyến đi ba nước Đông Dương tôi có dịp trở lại, thắt chặt thêm trong cõi lòng mình một niềm thương yêu sống động về những vùng đất từng lấm bụi chiến chinh.

(Đại tá Quách Tử Hấp kể, Nguyễn Điện Nam ghi, tựa đề do Tòa soạn đặt).