Dấu ấn Nguyễn Chơn
Tin liên quan
|
(QNO) - Ngày 7.1.1979, bộ đội Việt Nam cùng lực lượng vũ trang của nước bạn đã tiến vào giải phóng thủ đô Phnom Pênh, cứu nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng của chế độ Pôn Pốt. Giờ đây, tròn 40 năm, tại Việt Nam đã diễn ra lễ mít tinh trọng thể kỷ niệm Chiến thắng biên giới Tây Nam, và ở đất nước Chùa Tháp diễn ra hàng loạt hoạt động kỷ niệm ngày giải phóng. Nhân dịp này, Báo Quảng Nam xin giới thiệu những trang hồi ký của cố Đại tá Quách Tử Hấp về một vài chiến công có sự góp sức của những người con xứ Quảng ở mặt trận này.
Hàng vạn người dân thủ đô Phnom Penh đứng dọc 2 bên đường, lưu luyến tiễn đưa quân tình nguyện Việt Nam hoàn thành nghĩa vụ quốc tế trở về nước, tháng 6.1984. Ảnh: TTXVN |
BÀI 1: DẤU ẤN NGUYỄN CHƠN
Người anh hùng Nguyễn Chơn đã vang danh với lịch sử kháng chiến ở khu 5 thời chống Mỹ cứu nước. Sau này ông được phong Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. Ở chiến trường Campuchia sau năm 1979, Nguyễn Chơn cũng để lại những dấu ấn khó phai mờ…
Khi đang làm Hiệu trưởng Trường Quân chính khu 5 thì tôi được rút lên làm Tham mưu phó Quân khu 5. Thực tế, trong các năm từ 1981 đến 1983, năm nào tôi cũng đi Campuchia với tư cách như phái viên quân sự chừng 3 đến 4 tháng. Rồi khi anh Nguyễn Chơn từ Quân đoàn 2 về làm Tư lệnh Quân khu 5 thì anh muốn tôi cùng đi qua Campuchia. Sau chuyến thị sát chiến trường, có lẽ anh đã đề xuất Bộ Tổng tham mưu điều tôi qua làm Phó Tư lệnh của Bộ chỉ huy Mặt trận tiền phương của Quân khu 5 tại Campuchia (gọi là Mặt trận 579, lúc đó anh Huỳnh Hữu Anh đang làm Tư lệnh).
Tư lệnh Nguyễn Chơn (giữa) nghe báo cáo phương án tác chiến đánh cao điểm 547, năm 1984. Ảnh tư liệu |
Trước hết cũng phải nói rằng, tình hình Campuchia sau 3 năm tổng tiến công vào Phnom Pênh khác hẳn lúc ban đầu. Khi mới tiến quân sang theo lời hiệu triệu giúp bạn tiêu diệt Pôn Pốt, khí thế quân ta đang sục sôi. Đây đúng là “cuộc chiến bắt buộc”, ta vừa giúp mình phòng vệ biên giới, vừa giúp bạn tránh họa diệt chủng. Bởi quân Pôn Pốt đã dùng pháo 130 ly của nước ngoài viện trợ, liên tục bắn vào Tây Ninh, An Giang… Đồng thời bọn Pôn Pốt còn ngông cuồng bảo nơi nào có cây thốt nốt đấy là đất Campuchia, vì vậy chúng liên tục mở các chiến dịch gây rối, xâm lấn, thảm sát đồng bào ta dọc các tỉnh biên giới.
Bị đánh tan tác trong đợt Tổng tiến công toàn mặt trận vào tháng giêng năm 1979, bọn Pôn Pốt lùi vào rừng núi sâu, tập hợp lực lượng, dựa lưng vào biên giới Campuchia - Thái Lan, thực hiện lối đánh du kích. Do đó, những năm sau 1979 thì tình hình khó giải quyết triệt để. Tôi nhớ lúc ấy, có người nói phải chi lúc đầu ta nghe theo phương án của Đại tướng Võ Nguyễn Giáp vừa đánh vỗ mặt vừa bọc hậu phía biên giới, võng lưới cả vịnh Thái Lan, tiến công từ bốn phía đã có thể giải quyết nhanh chiến trường. Tư tưởng chỉ đạo là đánh trong vòng hai hoặc nhiều lắm là ba năm, rồi giao cho lực lượng bạn thì ta đỡ thương vong, giảm chi phí chiến tranh, lại được lợi về mặt đối ngoại không bị kẻ địch xuyên tạc và tiếp tục cô lập, cấm vận ta trên trường quốc tế. Thực hư chuyện các phương án đánh như thế nào, tư tưởng của tướng Giáp ra sao, hẳn sau này lịch sử sẽ hậu xét, nhưng tôi đồng tình và thiên về ý nghĩ như đã nói, vì bởi ta kéo dài cả chục năm trên đất bạn, dù là quân đội có phẩm chất cách mạng cao cả đến bao nhiêu chăng nữa cũng dễ sa lầy, nẩy sinh những tình huống đầy bất trắc. Cũng có thể lý do ta phải kéo dài cuộc chiến là vì lực lượng bạn chưa đủ lớn mạnh để giữ chính quyền, giữ đất, giữ dân trong bối cảnh các thế lực ngoại bang ủng hộ ngầm Pôn Pốt.
Khi anh Chơn về nhận chức Tư lệnh Quân khu 5, tôi có tâm sự với anh Nguyễn Huy Chương (Trung tướng, cựu Phó Tư lệnh Quân khu 5 - TG), rằng hãy nói anh Chơn cứ từ từ rồi hẳn nhận bàn giao. Với ý kiến trong tư cách là người tiền nhiệm chỉ huy Trung đoàn 1 của Sư đoàn 2 cũng là người bạn, theo tôi, anh Chơn cần nắm tình hình thực tiễn trước hết, nhất là tình hình của Campuchia, khi mà một nửa quân số, vũ khí trang bị của quân khu nằm trên đất bạn. Sở dĩ tôi có ý kiến ấy vì biết một số anh trong lãnh đạo không nắm chắc thực tiễn, cho rằng sau năm 1979, ở Campuchia chỉ còn vài toán thổ phỉ quấy rối, đánh lẹt đẹt. (Nhưng thực tế là ta phải đánh chết ông chết cha, và nhất là lực lượng chuyên gia giúp bạn của ta thiệt hại không nhỏ khi Pôn Pốt cài cắm lẫn lộn trong dân thường và chính quyền các địa phương bạn mới xác lập). Anh Chương nói lại ý kiến của tôi với anh Chơn như thế nào không rõ nhưng thực tế anh Chơn đã không nhận bàn giao ngay mà đi Campuchia thị sát chiến trường.
Xương cốt các nạn nhân chế độ diệt chủng Pôn Pốt. Ảnh: Internet |
Khi anh Chơn về làm Tư lệnh Quân khu 5, tôi qua làm Phó Tư lệnh Mặt trận 579 thì tiếp tục diễn ra nhiều chiến dịch truy quét, tiêu diệt nhiều căn cứ của Pôn Pốt. Trong đó đáng nhớ nhất là trận đánh vào cao điểm 547 trên dãy Đăng-rếch. Ở căn cứ 547, quân Pôn Pốt bố trí 2 sư đoàn thiếu chiếm giữ và bố trí làm 2 tầng phòng thủ, trên là các hỏa lực tấn công, dưới là mìn với 3 tuyến: bên ngoài là tuyến cảnh giới, tiếp đó là tuyến đề kháng chính với bộ binh kết hợp hỏa lực dựa vào khe đá, hang động, công sự gỗ phòng thủ vững chắc, tuyến sâu nhất là chỉ huy sở và kho tàng. Nhiều lần ta đã tổ chức tấn công nhưng đều thất bại. Đầu năm 1984, tôi theo anh Chơn qua quan sát tìm hiểu nguyên nhân, trong đó căng nhất là tình hình bộ đội chết khát trong một đợt tiến công năm 1983 vào khu căn cứ có cao điểm 547 (có trận đến 92 chiến sĩ chết khát). Mặt khác, địch ở điểm cao như bức tường thành mà ta chỉ thực hiện cách đánh như chiến tranh quy ước cổ điển dàn trận đánh trực diện, còn địch dựa lưng vào thế hiểm, đặt súng trong các khe đá bắn ra, do đó các đợt công kích của ta đều bị đẩy lùi, thương vong nặng nề.
“Tôi xin hỏi, đã có đất nước nào giúp đỡ nhân dân Campuchia như Việt Nam đã từng làm? Không có. Chỉ có nhân dân và lực lượng vũ trang Việt Nam đã giúp đỡ Campuchia trong thời điểm khó khăn nhất… Từ đáy lòng tôi muốn gửi lời tri ân đến những cựu chiến binh Việt Nam và thân nhân những người Việt Nam đã hy sinh trong cuộc chiến đó. Chúng tôi mãi mãi ghi ơn to lớn vì họ đã chiến đấu giành giật sự sống cho nhân dân Campuchia. Họ đã hy sinh tính mạng của mình vì sự sống, vì sự hồi sinh của chúng tôi, của nhân dân Campuchia” (Thủ tướng Campuchia - Hun Sen, trả lời phỏng vấn VnExpress, nhân kỷ niệm 35 năm Chiến thắng chế độ diệt chủng Pôn Pốt). |
Là một người từng trải kinh nghiệm với những chiến công xuất sắc, là vị chỉ huy tài năng, anh Chơn nhận ra những điểm yếu chết người ấy và bàn xây dựng phương án mới. Anh dự tính bố trí một trung đoàn trưởng dẫn đầu một đơn vị khoảng tiểu đoàn bí mật luồn qua biên giới bọc hậu từ sau lưng dãy Đăng-rếch. Lần này vẫn tiếp tục dùng Sư đoàn 307 tham chiến chủ yếu, đặc biệt tăng cường thêm Trung đoàn 1 của Sư 2 anh hùng, Trung đoàn 143 Sư 315 cùng trung đoàn pháo, trung đoàn cao xạ, 1 tiểu đoàn xe tăng, 1 tiểu đoàn xe bọc thép M113 và 1 tiểu đoàn pháo cao xạ 37 ly. Bốn mặt giáp công quyết tâm bứt chốt điểm chiến lược này.
Anh Chơn chỉ đạo bộ phận hậu cần phải đảm bảo lương thực, thực phẩm dự kiến dùng đủ cho 25 ngày cho hơn 1 vạn quân; vận chuyển hơn 530 tấn vũ khí, đạn, phương tiện và bảo đảm kỹ thuật cho gần 600 pháo cối và súng bộ binh. Đặc biệt, mỗi chiến sĩ dự trận phải mang một ruột nghé nửa đựng gạo nửa đựng nước, kèm bi đông cá nhân loại 0,75 đến 1 lít. Khoảng một nửa số quân được trang bị bi đông loại 5 lít và can nhựa 4 lít, ngoài ra có cả ngàn can nhựa loại 10 và 20 lít cùng bao ni lông loại lớn cho đội vận chuyển nước. Thiết kế loại túi, can đựng nước này cũng là sáng kiến độc đáo của bộ đội Việt Nam. Bên cạnh đó, Quân khu 5 huy động 50 chiếc ghe nhôm đưa vào gần khu chiến, đổ đầy nước; các xe tăng, thiết giáp đều có thùng phi chứa 100 lít nước. Bộ đội ta nhìn thấy như vậy, yên tâm không lo thiếu nước phải chết khát, là liệu pháp tâm lý hết sức hiệu quả. Tôi nhắc điều này, vì nhớ lại chuyện Đại tướng Nguyễn Chí Thanh từng lo việc chi viện thuốc lào cho bộ đội ta tấn công Điện Biên Phủ. Trong mưa rét, “khoét núi ngủ hầm mưa dầm cơn vắt”, điếu thuốc lào trở nên ấm áp, động viên bộ đội sảng khoái tinh thần đánh địch.
Việc chọn trung đoàn trưởng nào chỉ huy lực lượng luồn sâu bọc hậu hết sức quan trọng, là yếu tố bảo đảm chắc thắng. Sau khi tìm hiểu, anh Chơn chọn được anh Tấn (biệt danh Tấn Re), người Quảng Ngãi, có tiếng đánh trận gan lỳ. Dù vậy, Nguyễn Chơn vẫn dùng chiêu “khích tướng” hết sức độc đáo. Anh nói: “Tấn, mày đánh được không, nếu không được thì bảo tau kiếm người khác!”. Anh Tấn nghe vậy dính liền “cục tự ái”, lại là lệnh của thủ trưởng vang danh nên nhận ngay. Anh Chơn dặn dò rất kỹ hướng hành quân, phải giữ bí mật, gặp địch, thú dữ đi lẻ cũng không được nổ súng dù phải chết. Mục tiêu cuối cùng là tiếp cận dãy Đăng-rếch từ phía sau, ở tọa độ đó, điểm đó, treo mình leo lên núi đá đánh vào sau lưng địch, bịt họng các trung liên, trọng pháo địch.
Ngày 20.4.1984, chiến lược vây cắt diễn ra, anh Chơn bám sát tình hình. Anh thể hiện sự quyết đoán như khi Sư trưởng Sư đoàn 307 trùng trình chưa lên kịp thì anh lệnh phải bám ngay, lên cách mũi tiền phương vài trăm mét. “Lúa thóc đi đâu bồ câu theo đó”, khi chỉ huy các mũi bám sát trận địa thì tinh thần bộ đội được động viên, và vũ khí trang bị được huy động tối đa. Các trung đoàn của Sư 307 tiến hành vây cắt, chiếm được hồ nước Suối Tre, điểm cao 106. Mũi chính diện thì Trung đoàn 1 Sư 2 cùng xe thiết giáp K63, đại đội xe tăng T54, các loại pháo cao xạ, cối nhập cuộc, nhanh chóng đánh chiếm các mục tiêu Z6, Z1, Z12, Z14 và các mũi đánh phối hợp bao vây chiếm lĩnh An Lung. Đến sáng 25.4, thế trận dàn xong, ta đồng loạt tiến công. Pháo, cối làm thành bức tường lửa dữ dội. Lực lượng luồn sâu phía sau dãy Đăng-rếch đã khép chặt vòng vây cắt đường chạy của địch qua biên giới Thái Lan. Qua ngày 26.4 thì các mục tiêu còn lại như Z1a, Z4 của bọn Pôn Pốt chống cự quyết liệt, ta phải dùng pháo 85 ly và pháo cao xạ 37 ly hạ nòng bắn xăm vào từng hỏa điểm, xe tăng cũng xạ kích vào các khe núi. Đến ngày 27.4 ta đã cơ bản làm chủ căn cứ và triển khai lùng sục, truy quét địch. Kết thúc chiến dịch này, ta đã tiêu diệt và loại khoảng vòng chiến đấu 1.800 tên địch, thu 515 súng các loại cùng nhiều quân trang quân dụng, 30 tấn lương thực và phá hủy 5 kho tàng, thu được nhiều tài liệu quan trọng. Từ đó, ta đưa pháo lên chiếm lĩnh điểm cao này, khống chế cả một vùng rộng lớn dọc biên giới Campuchia - Thái Lan. Cũng vừa lúc giải quyết căn cứ này, ta phát hiện ra Pôn Pốt đã mở đường luồn sâu vào biên giới Campuchia đến mười mấy cây số. Nếu không bị ta đánh bật thì chắc có lẽ sau đó một chiến dịch lớn của chúng sẽ diễn ra gây cho ta nhiều thiệt hại.
Bao năm tháng trôi qua nhưng chiến công đó của bộ đội khu 5 không thể nào quên. Nhớ và càng khâm phục Nguyễn Chơn về tài thao lược và sáng tạo lạ lùng trong chỉ huy bao quát chiến lược và chỉ đạo cụ thể trong chiến thuật như cuộc tấn công vào căn cứ Đăng-rếch.
(Đại tá Quách Tử Hấp kể, Nguyễn Điện Nam ghi, tựa đề do Tòa soạn đặt).