Dáng chiều Tây Đô
Đất Tây Đô, nhiều lúc thấy rất quen thuộc, rất gần gũi ngay cả khi chỉ ngồi nhớ đến. Vậy mà lắm lúc, như hun hút, như thăm thẳm, như lan man đâu đó dù đang sải những bước chân trên dải đất đồng bằng sông Cửu Long này.
Một góc chợ nổi Cái Răng. Ảnh: XUÂN THỌ |
Phải mất hơn tiếng rưỡi đồng hồ, chúng tôi mới thoát khỏi Sài Gòn. Sài Gòn bất chợt mưa, bất chợt nắng. Miền Tây cuối mùa nước nổi, bất chợt nắng bất chợt mưa...
Chợ nổi
Chúng tôi quyết định ghé Cần Thơ, chứ không đi thẳng An Giang như dự tính ban đầu. “Đi du thuyền trên bến Ninh Kiều” - tôi và thằng bạn đều ủ mưu như thế, trong khi ngồi ăn tối. Nhưng chúng tôi đã trễ giờ, không kịp trở thành những hành khách cuối cùng của chuyến du thuyền đêm ấy. Ý định ngồi uống bia, nghe đờn ca tài tử, ngắm thành phố Cần Thơ từ du thuyền thất bại.
Trở ngược vào trong, đang bận bịu lấy xe, thì giọng người phụ nữ phía sau bật lên, sau cái khều vai: “Đi chợ nổi Cái Răng không cưng?”. Tôi quay sang như dò ý anh bạn, không ngờ người phụ nữ ấy “đọc” được: “Hai đứa à? Chị lấy rẻ cho trăm rưỡi cưng nhé”. “Là cả đi lẫn về đúng không chị?” - anh bạn tôi hỏi ngược lại. Người phụ nữ gật đầu xác nhận, rồi thông tin thêm hành trình đi chợ nổi. Cuối cùng, chị... chốt hạ: “Nếu hai cưng đi thì đặt cọc chị 50 ngàn. Có mặt ở đây trước 5h30 sáng ngày mai. Chị tên Hòa, để chị lấy số điện thoại bọn cưng có gì alô cho tiện”. Dọc bến Ninh Kiều, chị Hòa không là người duy nhất làm việc này, mà có đến khoảng 15 người. Đó là phương cách mưu sinh của họ và họ biết tôn trọng lẫn nhau, không tranh giành khách. Sau đó, hai thằng tạt vào một quán cà phê có góc nhìn ra bến Ninh Kiều. “Espresso, nóng, ít đường” - tôi đáp lời cô bé phục vụ, dù biết với một ly cà phê đó, tôi phải đánh cược với giấc ngủ của mình.
Té ra, bến Ninh Kiều lúc tờ mờ sáng, rất nhộn nhịp, chủ yếu là du khách đi chơi chợ nổi. “Mình đi giờ này để lên tới chợ là kịp giờ đẹp cưng à” - chị Hòa cắt nghĩa khi đón chúng tôi. Người lái thuyền là cậu em của chị Hòa, bỏ học hồi lưng chừng cấp hai. Lúc lên đến chợ nổi, tôi mới biết là có rất nhiều trường hợp như cậu, sớm rời cổng trường để bước vào cuộc mưu sinh “ăn theo” sự phát triển mạnh mẽ của du lịch. “Một ngày em kiếm được khoảng trăm ngàn” - cậu chỉ kịp ngoái lại đáp lời tôi, trước khi cho thuyền “khắc nhập” vào các thuyền khác tại khu-vực-ăn-sáng. Đây cũng là điểm tấp nập nhất trên chợ nổi. “Vì hết mùa trái cây rồi, nên chẳng còn gì vui lắm đâu mấy cưng” - dì Bảy, cũng là chủ quán bán đồ ăn sáng mở đầu như thay lời chào, trước khi hỏi chúng tôi cần gì.
Dì Bảy bán các loại hủ tiếu và bún. Công bằng mà nói, nó không có gì đặc biệt, hoặc có thể là do tôi chưa hợp khẩu vị miền Tây. Còn lại, điều thích thú nhất khi ăn sáng ở đây, là tự tìm… chỗ ngồi và ngồi ăn trong cảnh lắc lư theo nhịp sóng. Cách chỗ chúng tôi ngồi một đoạn, hai vợ chồng nọ đang loay hoay treo súp lơ lên cột thuyền. Đó là cách họ thông báo cho người đi chợ biết rằng thuyền họ bán súp lơ. Tất cả những gì đọng lại trong tôi sau chuyến đi chợ nổi Cái Răng chỉ có vậy. Còn những vẻ đẹp thuộc về chợ nổi, đã phai tàn theo năm tháng, không còn như xưa nữa, ít nhất là như lúc tôi “gặp” lần đầu tiên vào năm 2013. Hẳn là nó thêm phần tiêu điều, sau đợt cháy lớn đầu tháng 11 vừa rồi.
Cồn Sơn
Chúng tôi quyết định “cứu vớt” chuyến đi Cần Thơ bằng hành trình đến với Cồn Sơn (phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy), một điểm du lịch đang nổi ở đất Tây Đô. Nó nằm cách đất liền khoảng 600m, và thuyền là phương tiện lý tưởng nhất để qua đó. Thuyền chạy không theo giờ giấc, có khách là chạy, mất tầm 10 phút. Lúc ngồi ở bến phà đợi thuyền, chị Lê Thị Bé Bảy nói cho chúng tôi nghe về kế hoạch xây dựng mô hình không túi ni lon ở Cồn Sơn. “Cù Lao Chàm của Hội An, tỉnh Quảng Nam họ đã làm rồi; đảo Cô Tô ở Quảng Ninh họ cũng đang làm; xã đảo An Bình, huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi họ cũng đang làm, thì không lý gì mình không làm như họ. Bởi đó là mô hình hay mà, đúng không?” - chị thông tin chẳng khác gì một câu hỏi!
Du khách trải nghiệm đi cầu khỉ ở Cồn Sơn.Ảnh: XUÂN THỌ |
Cũng là lúc thuyền cập bến Cồn Sơn, bắt đầu với không gian yên tĩnh và trong lành, khác xa với phố thị ồn ào phía bên kia bờ sông. Anh bạn đồng nghiệp đi cùng, là người làm báo lâu năm ở đây, nói nhỏ rằng Cồn Sơn được ví như viên ngọc ngậm miệng rồng của làng cổ Long Tuyền, và nó đang bắt đầu hút khách du lịch. Phần lớn hộ dân ở đây sẽ liên kết nhau lại, để tạo nên hệ sinh thái cung ứng dịch vụ du lịch sinh thái cho du khách. “Em có thể ngủ homestay ở nhà này, ăn cá lóc nướng ở nhà kia, trải nghiệm làm bánh ở một nhà khác, tham quan và thưởng thức trái cây trong vườn của một nhà khác nữa…” - chị hướng dẫn viên đi cùng giải thích. Họ đang xây dựng sản phẩm du lịch bằng cách chú trọng phát triển thế mạnh của mỗi hộ dân. “Nhưng không biết sẽ còn được kéo dài bao nhiêu?” - ông Lê Trung Tín - Chi hội trưởng Chi hội Nông dân khu vực Cồn Sơn thở dài. Là ông, và người dân Cồn Sơn đang lo lắng trước việc một số doanh nghiệp, tập đoàn lớn đòi xây dựng các khu resort quy mô lớn ở đây. “Nếu điều đó xảy ra, thì nguồn sống chủ yếu bằng du lịch của chúng tôi bị ảnh hưởng rất nhiều. Còn đề án phát triển du lịch cộng đồng coi như phá sản”. Nhìn rộng ra, ở xứ mình thiệt lạ, hễ chỗ nào dân yên ổn với phương thức mưu sinh của mình, thì đều bị đe dọa bởi những doanh nghiệp, tập đoàn lớn.
Và những nỗi buồn ở lại
Ông Tín là người đầu tiên huấn luyện cá lóc bay để làm du lịch ở Cồn Sơn, và nó thật sự thu hút khách. “Thật ra, điều ấy chẳng có gì đặc biệt lắm đâu. Chỉ là mình tích cực suy nghĩ là thay đổi cách làm thôi” - ông Tín nói về việc huấn luyện cá lóc bay. Ông bảo rằng đặc tính của cá lóc là săn mồi bằng cách bay lên đớp mồi. Rồi ông dựa vào đặc tính đó, dạy nó từ nhỏ, để tạo thành thói quen cứ mỗi lần muốn ăn là cá bay lên đớp mồi. “Tất nhiên mình phải phát tín hiệu cho nó nữa, bằng cách gõ vào thùng đựng thức ăn. Ban đầu gõ chậm, rồi tăng tốc dần để kích thích cá” - ông Tín tiếp tục giải thích. Người đàn ông này cũng cho biết, chỉ cần huấn luyện 2 - 3 tháng là cá sẽ bay “đẹp” và không cần huấn luyện nữa. Còn thời gian lý tưởng nhất để xem cá lóc bay là lúc sáng hay chiều, khi tiết trời mát mẻ. Ngồi nghe ông say mê kể về cách làm độc đáo này, tự dưng nhớ lời ông nói ban đầu, nếu các dự án resort kia “thổi bay” đàn cá lóc bay của ông, hay các hộ dân khác ở Cồn Sơn, thì cuộc sống của họ sẽ như thế nào về sau?
Tôi mang câu hỏi ấy trở ngược ra phố thị sầm uất và... ngồi với ly cà phê đen bên dòng sông Cái Răng, một dòng sông chở nặng phù sa và chứa đầy trầm tích văn hóa chốn Tây Đô. Tây Đô hôm ấy, trong góc nhìn nghiêng, thấy buồn tựa những vệt nắng cuối chiều. Mới hay chủ quán đang bật bài “Chiều Tây Đô” của nhạc sĩ Lam Phương: “Một đêm anh mơ mình ríu rít đưa nhau về/ thăm quê xưa với vườn cau thề/ bàn tay anh đan dìu em bước trên cỏ khô/ đi trong hoang vắng chiều Tây Đô/ bờ sông yêu xưa tà áo thướt tha mỹ miều/ sao anh không thấy về Ninh Kiều/ dường như anh nghe đời nặng trĩu trong màu đen/ đen như manh áo buồn chưa quen”…
Ghi chép của XUÂN THỌ