Nguy cơ đột quỵ vào mùa đông
(QNO) - Khi trời lạnh, cơ thể của chúng ta thường có hiện tượng co mạch, từ đó máu dễ bị đông hơn nên rất dễ gây tắc nghẽn mạch và đó chính là nguyên nhân gây đột quỵ.
Thời tiết lạnh dễ khiến cơ thể mắc bệnh (Ảnh minh họa: TTXVN). |
Sau thông tin một người đàn ông bị đột quỵ khi đang đi tập thể dục ở ven Hồ Tây vào lúc 4 giờ sáng khi thời tiết Hà Nội đang rét đậm, rét hại, có thể thấy khi nhiệt độ càng xuống thấp càng nguy hiểm cho cơ thể con người.
Thời tiết thay đổi cũng khiến các loại virus phát triển làm giảm khả năng miễn dịch của cơ thể, khiến bạn dễ bị ho, cảm lạnh, hô hấp, tim mạch, đột quỵ…
Bác sĩ Trần Viết Lực, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Lão khoa trung ương, cho biết, thời tiết giao mùa như hiện nay đôi khi trở thành hiểm họa cho người mắc bệnh tim mạch bởi những biến chứng nguy hiểm dễ dàng xảy ra như: tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, đột quỵ...
Đặc biệt, ở những người cao tuổi có bệnh mạn tính, sự thay đổi thời tiết sẽ làm bệnh nặng lên. Thêm vào đó, khi thời tiết chuyển lạnh, huyết áp bao giờ cũng có xu hướng tăng cao, có nguy cơ đột quỵ.
Khi trời lạnh, cơ thể của chúng ta thường có hiện tượng co mạch, từ đó máu dễ bị đông hơn nên rất dễ gây tắc nghẽn mạch và đó chính là nguyên nhân gây đột quỵ.
Những điều không nên làm khi nhiệt độ ngoài trời giảm lạnh đột ngột
- Uống rượu: Nhiều người cho rằng rượu có thể giúp cơ thể sưởi ấm “từ bên trong”. Đó là sai lầm nghiêm trọng, có thể dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.
Vì cồn làm cơ thể cảm thấy ấm nóng trong một thời gian ngắn nào đó, nhưng đồng thời cũng kích thích trao đổi nhiệt, khiến cơ thể bị mất nhiệt nhanh chóng.
Các chuyên gia khuyên chúng ta mang theo cồn, nhưng chỉ để thoa ngoài da. Khi bộ phận nào đó của cơ thể bị lạnh cóng, hãy dùng cồn xát lên da và ủ ấm, bạn sẽ cảm thấy nóng lên rất nhanh.
- Bôi kem dưỡng ẩm: Bôi kem giữ ẩm da trước khi ra ngoài lạnh là điều tối kị vìphần cơ thể được bôi kem có thể bị bỏng lạnh.
- Uống nhiều đồ nóng: khi uống nhiều chè hay cà phê ngoài trời lạnh sẽ gây ra hiện tượng chênh lệch nhiệt độ trong cơ thể.
Điều này có thể làm các mạch máu co lại, cản trở việc lưu thông máu, khiến cơ thể bị lạnh cóng. Do đó, bạn nên uống đồ nóng ít một nhưng thường xuyên, bạn sẽ cảm thấy được sưởi ấm thực sự.
- Hút thuốc: Khi hút thuốc sẽ khiến các mạch máu bị co lại, từ đó cơ thể sẽ bị cảm thấy lạnh.
Các biện pháp tránh mắc bệnh vào mùa đông
- Luôn mặc đủ ẩm, giữ cơ thể khô ráo, hạn chế đi ra ngoài trời khi thời tiết quá lạnh,
- Không nên tắm khuya hoặc tắm quá lâu vì dễ bị sốc nhiệt, nguy hiểm đến tính mạng.
- Ăn, uống đủ chất đảm bảo năng lượng cho cơ thể chống rét, đặc biệt là bổ sung vitamin A, C để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.
- Những người bị cao huyết áp, mắc các bệnh tim mạch, các bệnh hô hấp mạn tính, cơ xương khớp... tuân thủ nguyên tắc dùng thuốc, có chế độ vận động và dinh dưỡng hợp lý theo hướng dẫn của bác sĩ.
- Rèn luyện thân thể, tập thể thao thường xuyên giúp làm ấm cơ thể, nâng cao sức đề kháng và sức chống chịu của bản thân với điều kiện thời tiết lạnh.
Theo giaoduc.net.vn