Đưa Luật An ninh mạng vào cuộc sống
Trước khi Luật An ninh mạng 2018 có hiệu lực (từ ngày 1.1.2019), ngành tư pháp đã triển khai tuyên truyền sâu rộng luật này đến cơ sở và sẽ tiếp tục triển khai trong thời gian đến…
Buổi sinh hoạt ngoại khóa tuyên truyền Luật An ninh mạng ở Trường THCS Lý Tự Trọng, Tam Kỳ. TRONG ẢNH: Học sinh trả lời câu hỏi tình huống và nhận giải thưởng. Ảnh: C.N |
Sâu sát cơ sở
Ông Thái Nguyên Đại - Trưởng phòng Phổ biến giáo dục pháp luật (Sở Tư pháp) cho biết, năm 2018, ngành tư pháp Quảng Nam đã triển khai tuyên truyền Luật An ninh mạng đến các xã, các tầng lớp nhân dân trên địa bàn, từ người dân đến cán bộ, công chức, học sinh, sinh viên… Ông Đại nhìn nhận, internet ngày càng phổ biến, số lượng người dân tiếp cận internet ngày càng nhiều, tuy nhiên, đưa thông tin gì, chia sẻ thông tin nào lên mạng internet một cách đúng luật, những hành vi nào bị cấm trên không gian mạng… thì nhiều người dân, trong đó có cả cán bộ, công chức vẫn còn mơ hồ. Năm qua, ngành đã tuyên truyền hầu hết nội dung cơ bản của Luật An ninh mạng đến với người dân, từ mục đích, ý nghĩa, đến tuyên truyền, vạch trần âm mưu lợi dụng, bóp méo thông tin về nội dung Luật An ninh mạng để các thế lực phản động kích động biểu tình, chống phá Đảng, Nhà nước. Ông Đại cho biết, năm 2019, ngành tư pháp sẽ tiếp tục tuyên truyền Luật An ninh mạng cùng với các văn bản luật khác.
Bà Ngô Thị Sương - cán bộ Phòng Tư pháp Tam Kỳ chia sẻ, đơn vị tổ chức tuyên truyền luật dưới nhiều hình thức, phù hợp từng đối tượng. Ví dụ như đối với cán bộ công chức các cơ quan đoàn thể, cán bộ các xã, phường, Hội đồng Phổ biến giáo dục phối hợp với Phòng Tư pháp thành phố tổ chức hội nghị triển khai tuyên truyền Luật An ninh mạng, lồng ghép với các Luật Quốc phòng, Luật Tố cáo. Đối với học sinh cấp THCS, Phòng Tư pháp không tuyên truyền theo kiểu truyền thống là chỉ nghe báo cáo viên nói, mà là báo cáo viên đưa ra những tình huống, có thể là tình huống giả định, hoặc tình huống đã xảy ra trên thực tế để học sinh nêu hướng xử lý, sau đó báo cáo viên phân tích tình huống. Theo cô Dương Thị Hồng Vân - Phó Hiệu trưởng Trường THCS Lý Tự Trọng (Tam Kỳ), qua những tình huống thiết thực, thường xảy ra trên không gian mạng, học sinh sẽ biết dùng internet đúng cách. Cách tuyên truyền này cũng khiến học sinh dễ nhớ hơn. Em N.C.T. - học sinh Trường THCS Nguyễn Huệ (Tam Kỳ) cho biết, nhờ những tình huống báo cáo viên đặt ra trong buổi tuyên truyền pháp luật mà em hiểu rõ hơn những hành vi bị cấm trên mạng xã hội mà học trò hay mắc phải, từ đó tránh chia sẻ những thông tin, hình ảnh bị cấm lên inernet.
Lưu ý điểm mới
Ông Võ Ngọc Tốt - Trưởng phòng Tư pháp huyện Đại Lộc cho hay, tại các buổi tuyên truyền, cán bộ tư pháp đã thông tin, giải thích rõ những nội dung cơ bản của Luật An ninh mạng; làm rõ sự cần thiết, mục đích, ý nghĩa của luật; nguyên nhân ban hành; các hành vi bị cấm cũng như công tác phòng ngừa, xử lý vi phạm; đồng thời cảnh báo người dân tránh nghe và làm theo những luận điệu sai trái của các thế lực chống đối.
Tham dự các buổi tuyên truyền Luật An ninh mạng do Phòng Tư pháp Đại Lộc tổ chức, nhiều người dân bày tỏ mong muốn ngành tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, để người biết rõ, hạn chế tối đa việc vi phạm. Ông Nguyễn Quốc D. (người dân xã Đại An, Đại Lộc) tâm sự, mới tham gia internet, ông chỉ nghĩ đơn giản là có vẻ gì hay hay, “nóng nóng” là chia sẻ lên facebook cá nhân để nhiều người xem, nhưng sau khi được tuyên truyền, ông mới biết rằng, đưa thông tin chưa kiểm chứng, thông tin sai sự thật là vi phạm pháp luật.
Luật An ninh mạng gồm 7 chương, 43 điều quy định những nội dung cơ bản về bảo vệ an ninh mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia, phòng ngừa, xử lý hành vi xâm phạm an ninh mạng, triển khai hoạt động bảo vệ an ninh mạng và quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Luật nhằm bảo vệ tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân đồng thời quy định đầy đủ các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh, xử lý nhằm loại bỏ nguy cơ đe dọa, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm pháp luật.
Luật An ninh mạng 2018 nghiêm cấm việc cung cấp, đăng tải, truyền đưa các thông tin tuyên truyền chống Nhà nước Việt Nam như xuyên tạc chính quyền nhân dân; gây chia rẽ giữa các dân tộc, tôn giáo; xúc phạm dân tộc, quốc kỳ, quốc huy, quốc ca, vĩ nhân, lãnh tụ… Đồng thời cấm thông tin về kích động gây bạo loạn, phá rối an ninh, gây rối trật tự công cộng; thông tin về làm nhục, vu khống ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, uy tín, nhân phẩm của tổ chức, cá nhân; thông tin bịa đặt, sai sự thật về sản phẩm, hàng hóa, tiền, trái phiếu,… hoặc trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, thương mại điện tử,… Cấm thông tin bịa đặt, sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác. Ngoài ra, còn nghiêm cấm các thông tin khác có nội dung xâm phạm an ninh quốc gia.
CHÂU NỮ