Mơ ngày phố nối phố

QUỐC TUẤN 01/01/2019 07:04

Từ ngày Điện Bàn mang danh xưng thị xã, đã kết nối một vệt dài đô thị dọc ven biển từ TP.Đà Nẵng vào TP.Hội An. Dẫu vậy phố mới Điện Bàn vẫn cần hình hài rõ rệt hơn để giấc mơ phố thị của thị dân tại đây trở nên thực tế chứ không chỉ là niềm khao khát.

Dòng sông Cổ Cò chảy qua 3 đô thị đang chờ ngày khơi thông. Ảnh: Q.T
Dòng sông Cổ Cò chảy qua 3 đô thị đang chờ ngày khơi thông. Ảnh: Q.T

Dù đã chia tách tỉnh từ lâu nhưng trong nhiều cuộc hội thảo về quy hoạch, phát triển TP.Đà Nẵng thời gian gần đây luôn có đề cập bóng dáng của thị xã Điện Bàn - vùng đệm quan trọng của thành phố bên sông Hàn. Một số chuyên gia nhận định rằng trục đô thị Đà Nẵng - Điện Bàn - Hội An rất quan trọng và sẽ là vùng đô thị năng động nhất miền Trung trong tương lai gần. Cả hai thành phố du lịch khá nổi tiếng - một Đà Nẵng sôi động và một Hội An cổ kính đang chờ khớp nối với “mảnh ghép” đô thị Điện Bàn để liền một dải phố đậm sắc màu xứ Quảng. Điều độc đáo là từ Đà Nẵng dọc theo Điện Bàn vào Hội An có dòng sông Cổ Cò uốn lượn qua cả 3 đô thị và nó có thể là hạt nhân cho sự liên kết giữa phố với phố. Tuy con sông vẫn đang trong quá trình khơi thông trở lại nhưng đã rất nhiều dự án du lịch lớn “đổ bộ” vào vùng kết nối đặc biệt giàu tiềm năng này.

Nhưng để Điện Bàn trở thành một “mảnh ghép” tương xứng - nghĩa là có trọng lượng và bản sắc riêng, không bị lạc lõng giữa hai đô thị tiếng tăm này thì không phải là chuyện ngày một, ngày hai. Các phường vùng đông của thị xã Điện Bàn chính là vùng đệm trực tiếp giữa Đà Nẵng với Hội An nên đang được đầu tư mạnh mẽ trong thời gian qua nhưng dường như vẫn đang chật vật định hình đặc trưng đô thị. Chính quyền thị xã đã chú trọng đầu tư hạ tầng, bước đầu tổ chức các sự kiện văn hóa, du lịch... gắn với các bãi biển Hà My (Điện Dương), Viêm Đông (Điện Ngọc).  Tuy nhiên, đối tượng phục vụ của các sự kiện và bãi biển này vẫn chủ yếu mang tính địa phương. Chia sẻ về điều này, ông Nguyễn Xuân Hà - Phó Chủ tịch UBND thị xã cho rằng, Điện Bàn có tiềm năng về du lịch biển nhưng việc “kẹp” giữa hai đô thị du lịch lớn đôi khi cũng khó để du lịch địa phương định hình và phát triển. Bây giờ phải tìm kiếm các loại hình dịch vụ thực sự độc đáo, đặc trưng nếu không du khách đương nhiên sẽ chọn Hội An hoặc Đà Nẵng.  

Từ quê lên phố, để kịp bắt nhịp với các đô thị hiện đại thì cần những thay đổi lớn không khỏi gây ra xáo trộn đến cuộc sống những con người mới “chớm” thành thị dân. Theo thời gian, những công trình bắt đầu thành hình hài để Điện Bàn vươn mình thành phố và kéo theo đó cũng có những bất cập nảy sinh. Từ một dải đất toàn sỏi và cát, những thị dân tại đây chưa kịp mừng đã lo những nỗi lo mà ngày trước chưa hề mường tượng. Đó là nỗi lo về doanh nghiệp, khách sạn xả thải không đúng quy định ra môi trường, nỗi lo về ngập úng cục bộ tại khu dân cư và cả về đất nghĩa trang chôn cất cho người quá cố đang bị thu hẹp chóng vánh… Đã có một vài sự khác biệt từ phố thị mang lại cho người dân địa phương nhưng về cơ bản người dân ở đây khi có việc đi Hội An hay Đà Nẵng đều vẫn mang tiềm thức từ quê ra phố.

Đi qua những vùng đất này vẫn thường hay thấy cảnh các cụ già ngồi bó gối bên hiên nhìn xa xăm ra các công trình bề thế đang xây dựng dang dở. Trong họ có lẽ chứa đựng chút tò mò lẫn khát khao về sự đổi thay ở ngay trên chính mảnh đất mà hai, ba thập niên trước lúc họ vẫn hay lội ngang qua đôi ba vồng khoai lang hay chi chít gai xương rồng. Từ một dải đất toàn sỏi và cát, ai mà không ham quê xứ “lột xác” thành phố xá thênh thang như trong giấc mơ của họ, nhất là đối với thế hệ nông dân đã kinh qua đủ nhiêu khê, khốn khó trong cuộc mưu sinh ngày nào. Nhưng trong tâm thức của những “thị dân” lớn tuổi này cũng mang nhiều trăn trở trong giai đoạn chuyển giao giữa quê và phố. Họ mơ về một ngày phố thôi chênh chao.

QUỐC TUẤN

QUỐC TUẤN