Gặp bà cháu Thiện Nhân

NGUYỄN NGỌC HẠNH 30/12/2018 03:35

Một lần ngồi cà phê với tôi tại Đà Nẵng, nhà thơ Bùi Kim Anh tâm sự:“Cuộc đời con người, ai cũng có thể lúc gặp biến cố lớn. Tôi cũng vậy, nhưng cho dù cuộc sống có bị vùi dập, tai ương đến mấy, đến tuổi xế chiều thế này, tôi vẫn còn nhiều sung sướng hơn Thiện Nhân”. Câu chuyện bà cháu gần cả chục năm qua mà bà kể, cứ cuốn hút tôi. Và, lần này ra Hà Nội, tôi quyết tâm đến thăm nhà thơ ở ngõ 18 Nguyễn Đình Chiểu để tận mắt chứng kiến không gian sống của cậu bé Thiện Nhân.

Bà Bùi Kim Anh và cháu Thiện Nhân.
Bà Bùi Kim Anh và cháu Thiện Nhân.

Tôi không có ý định nhắc lại người mẹ nuôi của Thiện Nhân, chị Mai Anh, vì báo chí đã nói nhiều rồi. Bà ngoại chỉ kể vắn tắt: “Cuối năm 2007, khi hay tin cháu bị bỏ rơi, Mai Anh cùng một số bạn đến nhà của Thiện Nhân ở huyện Núi Thành, mọi người không cầm được nước mắt. Tương lai của cháu sẽ mịt mù nếu cháu sinh sống trong ngôi nhà ông bà ngoại và người mẹ đẻ quá nghèo. Từ suy nghĩ ấy, Mai Anh bỗng nhiên khát khao được làm mẹ để chăm sóc cho Thiện Nhân. Biết là sẽ khó khăn trăm bề, nhưng con gái tôi vẫn quyết định xin cháu về làm con của mình. Khi được tin Mai Anh nhận nuôi Thiện Nhân, có một bác sĩ nói rằng: “Bạn đã làm một việc cao cả và không có kết thúc. Bởi vì chưa biết đến bao giờ cuộc đời này mới trả lại cho cậu bé bất hạnh sự hoàn thiện”.

“Chú lính chì”  Thiện Nhân.
“Chú lính chì” Thiện Nhân.

Còn bà Kim Anh thì động viên con gái mình: “Con đã làm một việc đầy ý nghĩa. Con hãy tin ở số phận”. Và, điều này bà đã viết trong một bài thơ tặng người con gái: “đời đã chọn con trao sứ mệnh lạ kỳ/ ta không có quyền chối bỏ”. Rồi bà lại kể: Hôm nhận cháu về, Mai Anh đã đến mảnh vườn nơi cháu bị vứt bỏ. Bà cũng đã viết cho cháu Thiện Nhân nhiều bài thơ xúc động: “khờ dại và sợ hãi đã cắn xé trần truồng/ đứa trẻ và người đàn ông khoảng cách ngăn vô tận/ yêu thương ư chùi sao khô nước mắt/ cháu đứng trên đôi chân giả thật để làm người”.

Đêm đầu tiên về nhà bố mẹ nuôi ở Hà Nội, Thiện Nhân không ngủ, bà ngoại dỗ dành bằng mọi cách, Nhân vẫn không chịu nằm. Đâu riêng gì cháu còng lưng mất ngủ, mà “nỗi lo toan trắng trên mái tóc bà/ không biết cơn đau nào khiến lưng bà còng xuống” – bà Kim Anh viết. Sau một thời gian ngắn, vợ chồng Mai Anh đã đưa Thiện Nhân đến Bệnh viện Việt - Pháp, Hà Nội khám cho cháu để có lộ trình chữa chạy lâu dài. Các bác sĩ tư vấn sẽ làm chân giả, nhưng vì cơ thể cháu đang phát triển nên hàng năm phải điều chỉnh chân giả cho cháu phù hợp về sau. Còn bộ phận sinh dục, trước mắt phải phẫu thuật để cháu đi tiểu được dễ dàng, sau đó nếu chuyển đổi giới tính thì phẫu thuật và phải tiêm thuốc cả đời, nếu để nguyên giới tính nam thì phải phẫu thuật làm dương vật giả...

Và, điều may mắn là Thiện Nhân đã được đưa sang Mỹ hơn một tháng để tiếp tục điều trị, ngoài mẹ Mai Anh còn có bà ngoại theo cùng để chăm lo cho cháu trong thời gian phẫu thuật. Những giọt nước mắt đớn đau của cháu là nỗi đau trong trái tim bà, trái tim của một nhà thơ càng dâng đầy cảm xúc: “cháu khóc đi hét tiếng kêu đau/ nghe đứa bé đang gào gọi mẹ/ đừng mím chặt đôi môi nhợt sắc máu/ đừng nhìn vào mũi tiêm bằng đôi mắt non soi xét/ ca mổ này dành cho riêng một kiếp người”. Bà ngoại suốt ngày đêm theo dõi cháu ở một đất nước xa xôi với một trái tim yêu thương vô bờ. Và, qua hành trình chữa bệnh đầy gian khổ, sau bao nhiêu đêm cùng cháu vật vờ trên giường bệnh, chứng kiến cảnh Thiện Nhân nghiến chặt răng cam chịu, lòng bà đau xót. Ngoại chẳng có gì khác hơn, chỉ biết “ôm cháu bằng đôi tay lùng bùng da dẻ tuổi già/ ôm cháu bằng trái tim của người đàn bà rám màu gió cát”.

Tình thương yêu đó đã được đền đáp, Thiện Nhân càng lớn càng thông minh, nhanh nhẹn. Cậu bé bây giờ đã có một cuộc sống đời thường như bao trẻ khác, trong em dường như không còn những vết tích nào của cái ngày bị bỏ rơi trong mảnh vườn quê ngoại. Suốt gần 10 năm, trải qua hàng loạt ca phẫu thuật nhiều đến nỗi bà không nhớ nổi ở khắp trong và ngoài nước để tái tạo bộ phận sinh dục, Thiện Nhân mới có cuộc sống như bây giờ. Không chỉ nhờ những tấm lòng thiện nguyện đã giúp cậu bé hồi sinh mà chính tình yêu thương của mẹ, ông bà ngoại và cộng đồng đã làm nên điều kỳ diệu này.

Giờ đây, Thiện Nhân đã là một học sinh lớp 7 chững chạc, tự tin, năng nổ, hoạt bát tham gia mọi hoạt động của trường lớp, từ kéo co, bơi lội cho đến thi chạy. Nhiều lúc Thiện Nhân dùng hai tay chống nạng, phi như bay giữa sân trường khiến thầy cô và phụ huynh không ít lần ngỡ ngàng đến kinh ngạc. Bà Kim Anh bảo, mẹ Thiện Nhân mong muốn cháu lớn lên đối diện với sự thật, để vượt lên, trở thành người đàn ông mạnh mẽ, tự tin và có ích cho xã hội.

Dường như mỗi số phận bất hạnh trong cuộc đời này đều có ý nghĩa, nó luôn luôn là sự khởi đầu cho một câu chuyện khác. Có lẽ là số mệnh. Bà Kim Anh tâm sự: “Với Thiện Nhân cũng vậy, tôi nghĩ sự tồn tại của cháu cũng là một sứ mệnh để mang đến hạnh phúc cho nhiều gia đình. Câu chuyện cổ tích giữa đời thường không chỉ là tình yêu, sự cố gắng đơn lẻ của một cá nhân mà là sự kết nối của nhiều trái tim cùng nhịp đập yêu thương con trẻ”. Có lẽ đây là lý do vì sao “Hành trình Thiện Nhân” đang dần có nhiều hơn những cô bé, cậu bé được chăm sóc, trợ giúp về mọi mặt. Hiện nay hành trình này vẫn đau đáu một nỗi niềm là làm thế nào để có thể phẫu thuật miễn phí cho 60 cháu và khám 170 cháu tại 3 thành phố Hà Nội, Đà Nẵng, TP.Hồ Chí Minh và hơn một nghìn cháu khác đang chờ được phẫu thuật.
Tôi chia tay nhà thơ Bùi Kim Anh mà lòng như níu lại, bởi trong ngôi nhà ở ngõ phố Hà Nội này vẫn thấp thoáng một cậu bé bất hạnh thời thơ ấu - người đồng hương Quảng Nam quê tôi với khuôn mặt tinh anh, đôi mắt sáng rực niềm mơ ước về sự đổi đời của số phận. Đó là một câu chuyện cổ tích giữa đời thường, là duyên - nghiệp của một kiếp người.

NGUYỄN NGỌC HẠNH

NGUYỄN NGỌC HẠNH