Nơi miền Sông Cạn
Tên “Sông Cạn” trên đất nước Việt Nam thì nhiều, chỉ cần search Google trong tích tắc sẽ có hơn 6 triệu kết quả. Nhưng “Sông Cạn” mà tôi muốn nói đến qua bài viết này mang một ý nghĩa đặc biệt: nơi đây, bên dòng sông này, đúng 110 năm trước (1908), một người con ưu tú của đất Quảng Nam đã ngã xuống dưới lưỡi gươm của kẻ thù. Đó là chí sĩ Trần Quý Cáp, một trong những thủ lĩnh của phong trào Duy tân.
Đền thờ Trần Quý Cáp tại Gò Chết Chém - Diên Khánh, Khánh Hòa. Ảnh: TRẦN ĐĂNG |
MỚI đây, huyện Diên Khánh tỉnh Khánh Hòa tổ chức cuộc hội thảo khoa học “bảo tồn và phát huy giá trị thành cổ Diên Khánh”. Nhiều báo cáo khoa học chuyên sâu về thành cổ này có đề cập địa danh “Sông Cạn” gắn với cái chết của nhà chí sĩ yêu nước Trần Quý Cáp nhưng không lý giải vì sao dòng sông lại mang tên ấy ngoài việc nhắc đến dòng sông này đổ ra sông Cái tạo nên ngã ba sông để hình thành một vị trí chiến lược của thành cổ Diên Khánh.
Có một “mạch nước trong”
Tôi hỏi ông Nguyễn Văn Ghi - Bí thư Huyện ủy Diên Khánh, một người khá am tường về lịch sử vùng đất này: “Vì sao lại đặt tên Sông Cạn nhưng lại luôn có nước?”. Ông Ghi trả lời mang tính hài hước hơn là nghiêm cẩn: “Có lẽ do… lội qua được thôi”. Hỏi mấy người lớn tuổi trong vùng, họ cũng nói như ông Ghi, nhưng thêm điều này: “Xưa kia, vào mùa hè thì sông này cạn hẳn vì nước sông Cái không xâm nhập vô được. Thế nhưng kể từ khi thực dân Pháp và chính quyền Nam triều xử chém ông Trần Quý Cáp thì sông này luôn có nước và nước rất trong”.
Cầu Trần Quý Cáp bắc qua Sông Cạn. Ảnh: TRẦN ĐĂNG |
Có lẽ dựa vào giai thoại này mà nhà văn Vĩnh Quyền đã viết cuốn tiểu thuyết lịch sử “Mạch nước trong” nổi tiếng những năm 80 của thế kỷ trước. Kết thúc cuốn tiểu thuyết này, ông viết: “Hàng năm, vào mùa hè, dòng Sông Cạn ở Khánh Hòa vẫn thường phải phơi lòng nứt nẻ. Nhưng kể từ ngày Pháp và bọn tay sai xử chém thanh niên yêu nước Trần Quý Cáp trên bãi cát cạnh chân cầu, thì ở đó, dù mùa hạn hán, vẫn còn một vũng nước trong mát lành. Dân chúng trong vùng đều ra đấy lấy nước ngọt về dùng. Có người bảo mạch nước trong ấy là lòng yêu nước thương dân của chí sĩ họ Trần hiển hiện. Người khác lại cho mạch nước trong ấy là nước mắt khóc bậc anh hùng của núi sông không bao giờ khô cạn…”.
Tôi đi “điền dã” dọc con sông này một quãng thì thấy rằng, đây chính là một kênh đào nhằm dẫn nước từ sông Cái vào cánh đồng phía đông thị trấn Diên Khánh vào mùa khô hạn, đồng thời cũng là nơi thoát lũ cho cả vùng này mỗi mùa mưa về. Còn vì sao lại gọi là sông thì có thể quy mô của nó vừa rộng, lại vừa đảm đương nhiệm vụ “cứu hộ” cho cả một cộng đồng dân cư đông đúc nên gọi bằng “kênh” thì có vẻ không tương xứng chăng?
Nhưng gọi kênh hay sông thì có hề gì, điều mà mỗi khi nhắc đến Sông Cạn, hết thảy người dân Diên Khánh và Khánh Hòa đều nhớ đến Trần Quý Cáp - một người con của đất Quảng Nam nhưng lại gắn tên tuổi của mình với xứ trầm hương này.
Gò Chết Chém
Cái tên gợi nhắc sự ghê rợn của các cuộc hành quyết những người tù yêu nước. Các nhà nghiên cứu lịch sử nói rằng, sau khi xử tử Trần Quý Cáp bên bờ Sông Cạn này thì người dân mới đặt cho gò đất cạnh con sông là “Gò Chết Chém”, còn trước đó, nó cũng chỉ là một gò đất bình thường, không mang một tên gì cụ thể.
Sử sách viết về thành Diên Khánh có đề cập, thực dân Pháp và chính quyền Nam triều đã chọn gò đất cạnh Sông Cạn, rộng khoảng 2 hecta làm nhà tù để giam giữ những người yêu nước. Nhà tù này nằm ngay bên ngoài thành cổ Diên Khánh, luôn được canh gác cẩn thận. Nhiều tù nhân thụ án bị giam giữ tại đây nhưng chỉ có Trần Quý Cáp là bị xử tử cạnh nhà tù này. Ngay cả như Trịnh Phong, một trong những thủ lĩnh của phong trào Cần vương tại Khánh Hòa bị thực dân Pháp bắt nhưng chúng xử trảm ông tại Ninh Hòa, cách thành Diên Khánh hơn 20km về phía bắc rồi mang đầu ông về “bêu” tại cây Dầu Đôi - cách Gò Chết Chém khoảng 200m về phía đông để thị uy dân chúng chứ chúng không giam ông tại nhà ngục ở Gò Chết Chém này.
Thành Diên Khánh là trung tâm hành chính của tỉnh Khánh Hòa thời Pháp thuộc nên việc bêu đầu Trịnh Phong cùng việc xử chém Trần Quý Cáp ngay bên ngoài thành cổ - nơi tập trung dân cư đông đúc là một cách “đe nẹt” người dân của thực dân Pháp. Nhưng chính quyền thực dân đã lầm, những cuộc bố ráp dân chúng hưởng ứng phong trào Cần vương và Duy tân cùng việc thị uy bằng hành động man rợ đối với những nhà chí sĩ như đổ thêm dầu vào ngọn lửa phản kháng của người dân Khánh Hòa. Lịch sử đã chứng minh rằng, dù bị dìm trong bể máu nhưng ngọn lửa yêu nước được các thủ lĩnh như Trịnh Phong, Trần Quý Cáp… nhen nhóm, chưa bao giờ nguội lặng trong lòng người dân vùng đất cực Nam Trung Bộ này.
Những gì còn lại
Nói theo ngôn ngữ hiện đại thì cuộc đấu tranh của Trần Quý Cáp và các đồng chí của ông cùng thời là “cuộc đấu tranh ôn hòa”, họ không âm mưu lật đổ chính quyền Nam triều bằng bạo lực. Tuy nhiên, lòng đố kỵ của những kẻ cơ hội đã không cho Trần Quý Cáp có thể thi triển những khát vọng canh tân đất nước của mình. Ông đã bị chính những kẻ đồng hương của mình tìm cách buộc phải rời đất Quảng Nam để vô Khánh Hòa. Rồi cũng chính những kẻ đố kỵ muốn tâng công với thực dân Pháp đã vu vạ và bắt Trần Quý Cáp phải chết dưới lưỡi gươm oan nghiệt. Chỉ vì biểu lộ niềm hoan hỉ của mình trước phong trào chống sưu thuế tại các tỉnh Trung kỳ (1908) bằng một bức thư gửi về cho bằng hữu ở quê nhà, chỉ mấy tháng sau, người thanh niên đầy nhiệt huyết ấy đã phải ra pháp trường. “Mạc tu hữu”, nghĩa là bản án không có bằng chứng mà chế độ thời bấy giờ đã dành cho Trần Quý Cáp. “Yêu trảm”, tức chém ngang lưng cũng là hình thức man rợ nhất mà chính quyền thực dân đã xử ông.
Hơn 100 năm đã trôi qua nhưng cái chết lẫm liệt của chí sĩ họ Trần đã gây một ấn tượng mạnh cho cả những thế hệ hôm nay dẫu chỉ “nghe nói” về ông. Sau ngày Trần Quý Cáp bị “yêu trảm”, hầu như những người thân tín và gia đình đều phi tang tất cả giấy tờ, tài liệu liên quan đến ông. Ông Trần Văn Mỹ, 85 tuổi là cháu gọi Trần Quý Cáp bằng ông nội, định cư ở cạnh chợ Đầm, Nha Trang kể rằng, giết ông nội ông xong, chính quyền Nam triều lục soát rất kỹ những gì liên quan đến Trần Quý Cáp. Do vậy, các tài liệu, kể cả di ảnh của ông đều bị đốt cả. Cha ông Mỹ là Trần Thuyên - con trai duy nhất của Trần Quý Cáp, lúc cha bị xử tử, mới có 7 tuổi, cũng được gia đình mang đi trốn vì sợ bị thủ tiêu. Do vậy, di ảnh về Trần Quý Cáp nay đang thờ tại gia đình cũng như các đền thờ đều là ảnh họa dựa trên khuôn mặt của người con trai Trần Thuyên.
Có thể chân dung về Trần Quý Cáp mà hậu thế đang nhìn thấy ấy không giống hoàn toàn khuôn mặt ngoài đời của ông nhưng trong lòng mỗi người dân Việt đều cất giữ một chân dung cho riêng mình về con người tài hoa và khí tiết ấy. Dòng sông đã từng chứng kiến giây phút cuối cùng của chí sĩ họ Trần, nay cũng không còn “nước trong” như trong giai thoại nữa nhưng mỗi người dân sống quanh Gò Chết Chém vẫn giữ một “mạch nước trong” cho riêng mình.
Trần Quý Cáp vẫn luôn trong veo giữa lòng họ.
Ghi chép của TRẦN ĐĂNG