Diện mạo thể thao xứ Quảng
Trường Năng khiếu nghiệp vụ TD-TT Quảng Nam là nơi thực hiện nhiệm vụ đào tạo, huấn luyện vận động viên (VĐV) thể thao thành tích cao để tham gia tranh tài tại các giải quốc gia và quốc tế. Bởi vậy, qua ngôi trường, sẽ nhận diện được bộ mặt thể thao của địa phương.
VĐV Bùi Thị Triều được Chủ tịch UBND tỉnh thưởng “nóng” sau khi giành Huy chương Vàng tại Đại hội TD-TT toàn quốc năm 2014. Ảnh: T.V |
Một thời “tay không bắt giặc”
Được thành lập vào ngày 1.1.1999, nhưng vì nhiều lý do, Trường Năng khiếu nghiệp vụ TD-TT Quảng Nam chưa có cơ ngơi làm việc. Thế nên, sau thời gian dài hết đi thuê nhà, trường đành phải “ở tạm" tại một cơ sở cũ không còn sử dụng của một trường học trên địa bàn phường Hòa Hương (TP.Tam Kỳ). Gia tài lớn nhất của trường lúc đó chỉ là một nhà tập chật hẹp được xây dựng năm 2000, song bên trong trống trơn, chẳng có trang thiết bị nào phục vụ công tác tập luyện của VĐV. Kéo dài cả chục năm như thế!
Nhiều người nói vui rằng, đó là thời kỳ “tay không bắt giặc”. Cũng không sai, bởi ít ai nghĩ rằng trong điều kiện quá nhiều khó khăn như vậy, nhưng bằng nỗ lực của đội ngũ cán bộ, huấn luyện viên (HLV), trường đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh của mình. Từ lò đào tạo này, đã mài giũa nên một số VĐV tài năng đi vào lịch sử thể thao nước nhà. Nhắc đến thể thao xứ Quảng thời điểm sau khi tái lập tỉnh (1997), những VĐV đầu tiên phải nói đến là Đặng Thị Thúy, Lê Thị Hồng Ngoan. Không quá khi cho rằng, thời kỳ hoàng kim của Pencak Silat Việt Nam có phần đóng góp rất lớn nhờ sự tỏa sáng của 2 cô gái Quảng Nam. Trong giai đoạn thăng hoa của mình, Đặng Thị Thúy và Hồng Ngoan đã làm rạng danh xứ Quảng khi mang lại cho Tổ quốc nhiều tấm huy chương vàng (HCV) ở các sân chơi thể thao cấp khu vực (SEA Games), châu Á và thế giới.
Không đình đám như Pencak Silat nhưng trong giai đoạn này, điền kinh cũng đã trình làng một số gương mặt xuất sắc như Vương Nguyên Long, đặc biệt là Nguyễn Thị Hòa. Cô gái người Điện Bàn từng “gánh” hơn một nửa thành tích cho thể thao Quảng Nam tại Đại hội TD-TT toàn quốc năm 2006 khi giành được 2 HCV nội dung 5.000m và 10.000m. Tuy nhiên, nhiều người nhắc và nhớ đến Nguyễn Thị Hòa khi cô thi đấu ở nội dung marathon và gặt hái không ít thành công ở tầm quốc tế. Năm 2005, Hòa tham gia thi đấu và để lại ấn tượng bằng kết quả khá tốt tại giải marathon lớn nhất hành tinh được tổ chức xuyên quốc gia như Ấn Độ, Hồng Kông. Còn tại SEA Games cũng ở nội dung đầy gian nan này, cô từng giành tấm HCB.
Khẳng định mình
Trong quá trình phát triển 20 năm qua, dù có một số điều chỉnh nhưng các môn Karatedo, Taekwondo, Võ cổ truyền và sau này có thêm Vovinam vẫn được Trường Năng khiếu nghiệp vụ TD-TT Quảng Nam tập trung đầu tư. Có thể nói, việc dành sự quan tâm cho các môn võ thuật là hợp lý và điều này đã được thể hiện khá rõ qua thành tích đạt được. Trong thời gian qua, khi Pencak Silat cùng điền kinh thoái trào thì Karatedo và Taekwondo vươn lên trở thành đầu tàu. Ở 3 kỳ Đại hội TD-TT toàn quốc liên tiếp vừa qua, chính Karatedo, Taekwondo cùng với Võ cổ truyền là những môn chủ lực mang thành tích về cho tỉnh gắn liền với những cái tên như Bùi Thị Triều, Bùi Như Mỹ, Phạm Thị Thư (Karatedo), Trần Thị Mỹ Khanh, Phạm Thị Thu Hiền (Taekwondo), Nguyễn Hồng Ninh (Võ cổ truyền). Trong số này, nổi bật hơn cả là Bùi Thị Triều và Phạm Thị Thu Hiền khi từng vô địch SEA Games và các giải khu vực. Riêng Thu Hiền còn trở thành VĐV Quảng Nam đầu tiên tham gia tranh tài tại Asiad và giành tấm huy chương đồng lịch sử vào năm 2014.
Trường Năng khiếu nghiệp vụ TD-TT Quảng Nam kiểm tra tuyển sinh bộ môn Karatedo. Ảnh: L.L |
Với quy mô đào tạo 200 VĐV của 9 môn thì con số hơn 100 huy chương gặt hái được hàng năm và cung cấp cho quốc gia nhiều VĐV xuất sắc rõ ràng là một thành tích đáng nể. Để có thành công đó, ngoài chiến lược đầu tư phát triển đúng hướng, vai trò của đội ngũ HLV rất quan trọng. Quảng Nam hiện có lực lượng HLV làm công tác đào tạo, huấn luyện thể thao thành tích cao có tay nghề cao và tâm huyết như Nguyễn Ngọc Đình (Taekwondo), Trần Như Hải, Võ Đức Quang (Karatedo), Cao Khẩn (Võ cổ truyền), Lý Phước Toàn (Vovinam). Một số VĐV xuất sắc sau khi chia tay sự nghiệp thi đấu được bổ sung làm công tác huấn luyện khá tốt như Bùi Thị Nhung, Huỳnh Thanh Chinh (Karatedo), Nguyễn Văn Thanh (Taekwondo). Đây được coi là “chìa khóa” cho thành công.
Năm 2018 khép lại cũng là lúc thầy và trò cùng nhau mở hội ăn mừng. Và sau chặng đường 20 năm xây dựng và phát triển, rất có thể Trường Năng khiếu nghiệp vụ TD-TT Quảng Nam sẽ được “thay tên đổi họ” khi ngành TD-TT thực hiện sáp nhập các đơn vị sự nghiệp kể từ đầu năm 2019 theo chủ trương của tỉnh. Dù vậy, cái tên “Trường Năng khiếu nghiệp vụ TD-TT Quảng Nam” chắc chắn sẽ còn nhớ đến mãi và đi vào lịch sử thể thao xứ Quảng sau khi hoàn thành xuất sắc sứ mệnh đào tạo ra nhiều tài năng cho tỉnh và đất nước.
TƯỜNG VY