"Bóng cả" trên ngàn

ALĂNG NGƯỚC 27/12/2018 03:33

Bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, nhiều già làng ở vùng cao huyện Nam Giang đã phát huy vai trò với cộng đồng, nêu gương sáng trong việc tích cực tham gia các hoạt động xã hội, góp phần gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống và chung sức bảo vệ cột mốc biên cương Tổ quốc.

Già Alăng Nhứch (thứ 3, hàng sau, từ trái sang) cùng lực lượng dân quân xã và chiến sĩ Đồn Biên phòng La Êê trên đường tuần tra cột mốc. Ảnh: Đ.N
Già Alăng Nhứch (thứ 3, hàng sau, từ trái sang) cùng lực lượng dân quân xã và chiến sĩ Đồn Biên phòng La Êê trên đường tuần tra cột mốc. Ảnh: Đ.N

Tuổi cao gương sáng

Cuối năm, tranh thủ những ngày nghỉ, vợ chồng già Zơrâm Pháo (dân tộc Ve, ở thôn Dung, thị trấn Thạnh Mỹ) lại tất bật với công việc tìm kiếm nguyên vật liệu để thực hiện công đoạn ủ rượu cần truyền thống. Khi mọi việc xong xuôi, hàng chục ché rượu cần được “ra lò” tỏa mùi thơm nồng, chuẩn bị vận chuyển theo đơn đặt hàng của khách. Hơn chục năm qua, công việc này luôn gắn với già Pháo như một duyên nợ, từ sau thời điểm ông nghỉ hưu theo chế độ năm 1995. Già Pháo kể, lúc mới bắt đầu thực hiện ủ rượu cần, do khó khăn trong việc tìm kiếm nguyên vật liệu, sưu tầm công đoạn pha chế, trộn men… nên có thời điểm, vợ chồng già từng có ý định từ bỏ công việc làm rượu. Bởi sau thời gian dài “vắng bóng”, khắp vùng rất ít ai còn biết cách ủ rượu cần truyền thống. Vì thế, để làm ra một ché rượu cần thơm ngon, đảm bảo theo hương vị đặc trưng của đồng bào Ve trở nên rất khó khăn. Nhưng bằng quyết tâm của già và gia đình, ước nguyện giữ hương vị rượu cần truyền thống đã trở thành hiện thực.

Rượu cần của già Pháo thơm ngon nên dần dà nhiều người biết đến, đặt hàng mua sản phẩm rượu cần để sử dụng, hoặc làm quà biếu đã tạo nên “thương hiệu” trên thị trường. Năm nào gia đình già cũng làm sẵn vài chục ché rượu cần theo đơn của khách, nên cũng có thêm nguồn thu nhập trang trải cuộc sống. “Tết, người ta thường đặt nhiều. Mình vừa bán, vừa giới thiệu sản phẩm của đồng bào mình với khách. Đó cũng là cách mình muốn giới thiệu, quảng bá và tự hào nét văn hóa truyền thống đến với nhiều người, để cùng gìn giữ” - già Pháo nói.

Khác với già Pháo, nhiều người biết đến Hồ Văn Ba (dân tộc Cơ Tu, ở thôn Đồng Râm, thị trấn Thạnh Mỹ) như một “người hùng” trong việc vận động dân làng gìn giữ hàng trăm héc ta rừng nguyên sinh quý hiếm. Bởi ông trân quý cánh rừng k’pơ lang của làng, xem đó như báu vật cần được bảo vệ. Với vai trò người có uy tín, ông vận động dân làng xây dựng quy ước tập thể trong việc giữ rừng; đồng thời thành lập các tổ bảo vệ rừng, hàng tháng phân chia nhau thành các tổ để tuần tra, bảo vệ khu rừng nguyên sinh chung của làng. Nhờ vậy, hơn 1.200ha rừng k’pơ lang luôn được nguyên vẹn, trở thành “lá chắn” chở che những cư dân Đồng Râm trên hành trình phát triển.

“Hình mẫu” chung của làng

Bằng nhiều việc làm cụ thể, thiết thực trong công tác xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, bảo vệ đường biên cột mốc… những năm qua, các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng vùng cao Nam Giang luôn được xem như những “hình mẫu” chung của làng, giúp con cháu noi gương trong cuộc sống. Ở tuổi 65, nhưng đều đặn hàng tuần, già làng Alăng Nhứch (dân tộc Tà Riềng, ở thôn Axòo, xã Chơ Chun) vẫn cùng lực lượng biên phòng tham gia tuần tra cột mốc. Nhiều năm qua, già Nhứch luôn là “hình mẫu” của đồng bào miền núi trong việc làm tốt công tác tuần tra đường biên cột mốc, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới. Già Nhứch chia sẻ, xuất phát từ tinh thần vì cộng đồng, cũng như muốn làm gương để con cháu noi theo, đã giúp ông có thêm nhiều động lực trong công việc của mình. Vì thế, dù ngày nắng hay mưa, hễ có kế hoạch đi tuần, già Nhứt cũng đều có mặt, động viên dân làng cùng tham gia bảo vệ đường biên cột mốc tại địa phương.

Già làng Bh’ling Hạnh (ở thôn Công Dồn, xã Zuôih), bằng việc hỗ trợ tập luyện, giảng dạy cho đội “trống chiêng nhí” tại địa phương đã tạo nên dấu ấn với đồng bào, góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống. Gương sáng trong cộng đồng vùng cao ở huyện Nam Giang còn phải kể đến những đóng góp của các già làng Blúp Dứ (thôn Đắc Ôốc, xã La Dêê); Hôih Còi (thôn Pà Vả, xã Ta Bhing); Coor Dênh (thôn Vinh, xã Tà Pơơ);… với những việc làm thiết thực giúp đồng bào vùng cao bảo tồn giá trị văn hóa, vận động tham gia bảo vệ cột mốc biên giới, cùng hiến đất cho xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Bà Bríu Thị Gươnh - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Nam Giang khẳng định: “Những năm qua, nhờ vai trò và tiếng nói của các già làng, trưởng bản, nhiều chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước được triển khai tại các xã biên giới Nam Giang luôn đạt hiệu quả tích cực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh - quốc phòng khu vực biên giới. Nhiều già làng đã trở thành “hình mẫu” trong lao động sản xuất, góp tiếng nói chung vì cuộc sống cộng đồng, nhất là trong xây dựng đời sống mới, tham gia bảo vệ cột mốc và chung sức bảo tồn văn hóa truyền thống người vùng cao”.

ALĂNG NGƯỚC

ALĂNG NGƯỚC