Thích ứng với già hóa dân số

CHÂU NỮ 26/12/2018 02:24

Quảng Nam đang ở thời kỳ dân số vàng và cũng đang tiệm cận giai đoạn dân số già. Thực hiện tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 về dân số - phát triển, các cơ quan liên quan của tỉnh đã và đang nỗ lực chăm sóc sức khỏe người cao tuổi (NCT) để thích ứng với tình trạng già hóa dân số…

Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi góp phần nâng cao chất lượng dân số. Ảnh: C.N
Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi góp phần nâng cao chất lượng dân số. Ảnh: C.N

Từ năm 2007, Quảng Nam đã bước vào thời kỳ dân số vàng, chất lượng dân số được cải thiện về nhiều mặt; tuy nhiên hiện nay giai đoạn dân số già đã và đang tiệm cận. Việc chăm sóc sức khỏe cho NCT là giải pháp quan trọng để thích ứng với giai đoạn già hóa dân số. Theo các kết quả điều tra về dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ), tuổi thọ trung bình của người dân Quảng Nam tăng từ 71,1 tuổi (năm 2009) lên 72,5 tuổi (năm 2014) và 72,7 tuổi (năm 2016). Tuy nhiên, bác sĩ Phan Đình Nhân - Phó Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh nhận định, tuổi thọ trung bình của người dân tăng lên nhưng số năm sống khỏe lại chưa tương ứng với tuổi thọ. Đây chính điều khiến chất lượng dân số giảm sút.

Nội dung chăm sóc sức khỏe NCT tại cộng đồng

Tuyên truyền phổ biến kiến thức về rèn luyện thân thể, tăng cường sức khỏe và phòng bệnh, đặc biệt là các bệnh thường gặp ở người già để NCT tự phòng bệnh. Hướng dẫn NCT các kỹ năng phòng bệnh, chữa bệnh và tự chăm sóc sức khỏe. Tổ chức khám sức khỏe để lập hồ sơ theo dõi sức khỏe cho NCT. Khuyến khích tổ chức mạng lưới bác sĩ gia đình và dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại nhà cho NCT. Khám sức khỏe định kỳ NCT được thực hiện ít nhất một lần một năm. Khám bệnh, chữa bệnh cho NCT tại trạm y tế xã, phường, thị trấn và tại nơi cư trú của NCT. Phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng đối với NCT bị tàn tật để phòng ngừa và phục hồi các di chứng do chấn thương, tai nạn hoặc do các bệnh tai biến mạch máu não, bệnh mãn tính, bệnh nghề nghiệp và các bệnh khác.
(Nguồn: Thông tư 35/2011/TT-BYT của Bộ Y tế hướng dẫn thực hiện chăm sức khỏe NCT).

Quảng Nam có hơn 179 nghìn người từ 60 tuổi trở lên, chiếm hơn 12,1% dân số của cả tỉnh. Thông tin từ Hội NCT tỉnh, năm 2018 toàn tỉnh có hơn 604 nghìn lượt NCT được khám, tư vấn sức khỏe trong năm và có hơn 45 nghìn NCT được khám sức khỏe định kỳ; hơn 5 nghìn người được lập hồ sơ theo dõi bệnh mãn tính tại trạm y tế xã, phường; hơn 500 NCT cô đơn bị bệnh nặng được khám chữa bệnh tại nhà; hơn 9 nghìn NCT được hỗ trợ phục hồi sức khỏe… Qua số liệu nêu trên, có thể thấy công tác chăm sóc sức khỏe NCT được chú trọng và từng bước nâng cao. Tuy nhiên, trên bình diện chung, hoạt động chăm sóc sức khỏe NCT vẫn còn những bất cập, hạn chế. Việc tiếp cận các dịch vụ y tế có chất lượng trong chăm sóc sức khỏe NCT còn yếu; nhân viên y tế tuyến cơ sở chưa được đào tạo về chăm sóc sức khỏe NCT. Theo quy định của Bộ Y tế, NCT phải được khám sức khỏe định kỳ mỗi năm một lần. Song, đối với hầu hết bệnh nhân lớn tuổi, già yếu, đi lại khó khăn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa nên không thể đến bệnh viện khám chữa bệnh theo định kỳ. NCT chỉ đi bệnh viện khi đau nặng. Trong khi đó, nhân lực chuyên ngành lão khoa ở Quảng Nam hiện nay vẫn còn thiếu. Hiện tại cả tỉnh mới chỉ có Bệnh viện Y học cổ truyền thành lập Khoa Lão khoa. Bệnh viện Đa khoa Trung ương, các bệnh viện tuyến tỉnh, 15 bệnh viện đa khoa tuyến huyện; 5 bệnh viện đa khoa tư nhân, 2 trung tâm chuyên khoa mắt và da liễu… chưa có chuyên khoa riêng biệt.

Có thể nói, thách thức của quá trình già hóa dân số đã ảnh hưởng đến chính sách phát triển chung. Chăm sóc sức khỏe NCT để nâng cao chất lượng, phù hợp với tốc độ già hóa dân số đang tăng nhanh trong những năm gần đây là hết sức cần thiết. Thực hiện kế hoạch chăm sóc sức khỏe NCT Quảng Nam giai đoạn 2018 - 2015 của UBND tỉnh, ngành y tế đang tiếp tục khuyến khích các bệnh viện có đủ điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế và nhân lực thành lập khoa lão khoa để đảm bảo chăm sóc tốt sức khỏe cho NCT.

Một số bệnh viện cũng đã có chế độ ưu tiên cho NCT như ưu tiên khám sớm, một số khoa, phòng có giường bệnh phù hợp với NCT. Tới đây, sẽ tiếp tục thực hiện tốt hơn chế độ ưu tiên cho NCT trong vấn đề khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế... Bác sĩ Phan Đình Nhân cho biết, hiện toàn tỉnh có hơn 10 câu lạc bộ NCT mắc bệnh mãn tính hoạt động nền nếp. Tới đây, ngành y tế sẽ phối hợp Hội Đông y, Hội NCT hướng dẫn và khuyến khích phát triển, duy trì phong trào tập dưỡng sinh rèn luyện sức khỏe trong hội NCT ở các địa phương. “Ngành y tế cũng khuyến khích các bệnh viện cử cán bộ (bác sĩ và điều dưỡng) học tập bồi dưỡng chuyên môn về lão khoa để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho NCT tại bệnh viện” - bác sĩ Nhân nói thêm.

CHÂU NỮ

CHÂU NỮ