Cà phê... bài bạc
Quán cà phê là nơi để gặp gỡ, trò chuyện với bạn bè, người thân, thư giãn hay bàn chuyện làm ăn. Thế nhưng, không ít người đến quán cà phê để đánh bạc, sát phạt lẫn nhau, nhất là trong dịp tết.
Tang vật công an thu được trong đợt truy quét đánh bạc ở các quán cà phê. ảnh: P.NAM |
“Đánh bài cho vui”
Tình trạng đánh bạc tại quán cà phê lâu nay vẫn xảy ra nhưng gần đây lại có chiều hướng gia tăng. Từ ngày 13 đến 22.12, Đội Xây dựng phong trào bảo vệ Tổ quốc Công an TP.Tam Kỳ đã phát hiện hàng loạt quán cà phê trên địa bàn xã Tam Thăng diễn ra hiện tượng đánh bạc như M.L. (thôn Phú Bình, xã Tam Phú), T.V. (thôn Ngọc Bích, xã Tam Ngọc), A.T. (thôn Kim Thành), V.A. (thôn Vĩnh Bình)... Trước đó, ngày 7.12, Công an phường Tân Thạnh cũng đã bắt quả tang 4 đối tượng đánh bài phỏm thắng thua bằng tiền tại quán cà phê Thảo Nguyên (Khối phố Mỹ Hòa, phường Tân Thạnh).
Qua tìm hiểu của chúng tôi, nhiều người cho rằng đánh bạc ở quán cà phê là “chơi cho vui” nên cả khách lẫn chủ quán xem đây là chuyện nhỏ và thản nhiên đánh bạc, hoặc dung túng cho hành vi đánh bạc ngay tại quán của mình. Chúng tôi đã từng chứng kiến một nhóm thanh niên đánh phỏm tại quán cà phê gần một trường phổ thông. Mỗi ván, người chơi thua sẽ chung 40 - 80 ngàn đồng, tùy theo ván ù hoặc “chốt hạ”. Một người chơi cho biết, nếu chơi vài giờ đồng hồ, người thua có thể “cháy túi” 1 - 2 triệu đồng. Hôm nào lập sòng cả ngày thì có người thua 3 - 5 triệu đồng hoặc nhiều hơn. Ở một quán cà phê khác, chúng tôi từng nghe chủ quán nhắc nhở với khách đánh bạc: “Các em chơi bài bạc thì vào phía trong cho kín đáo”. Nhiều quán cà phê luôn có sẵn bài để bán cho khách chơi. Một thanh niên tiết lộ: “Đánh bài tại quán cà phê tiện lắm, có sẵn các loại nước uống phục vụ. Nếu đến giờ cơm mà có nhu cầu thì chủ quán sẽ bảo nhân viên đi mua giúp...”.
Hậu quả lớn
Nói là “chơi bài cho vui” nhưng thực tế chơi đỏ đen nhiều lần sẽ gây nghiện và hệ lụy không phải là ít. Nhiều người ghé quán cà phê với ý định ban đầu là chơi ít ván bài giải trí. Tuy nhiên, sau khi thua vài trăm ngàn thì ráng ngồi lại để “gỡ” và rồi bỏ luôn công việc ngày hôm đó. Trường hợp Võ Duy Th. (SN 1995), sinh viên một trường nghề trên địa bàn TP. Tam Kỳ, còn tệ hại hơn. Sau vài lần “chơi cho vui”, Th. đâm nghiện cờ bạc, xao nhãng việc học hành. Theo thời gian, số nợ do thua bạc của Th. tỉ lệ thuận với số môn học mà sinh viên này nợ nhà trường. Để gỡ gạc lại số tiền đã thua bạc, ngày 28.3, Th. cùng Võ Thị Th. (SN 1997), Phạm Minh H. (SN 1996) cùng trú ở huyện Phú Ninh, đã bày trò gian lận trong lúc đánh bài và bị người cùng chơi bạc là Nguyễn Công T. (1999, Thăng Bình) phát giác. Sau khi đánh đập, hăm dọa không cho Th. đi học, nhóm của T. đã bắt cóc Th. và buộc Th. gọi điện về nhà yêu cầu gia đình mang 20 triệu đến trước cổng trường Cao đẳng Kinh tế kỹ thuật (TP. Tam Kỳ) để chuộc con. Rất may, khuya ngày 29.3, Công an TP. Tam Kỳ đã kịp mai phục, giải cứu nạn nhân và bắt giữ, xử lý các đối tượng có hành vi bắt cóc người để đòi tiền chuộc.
Theo Điều 321 Bộ luật Hình sự, người nào đánh bạc trái phép dưới bất kỳ hình thức nào được, thua bằng tiền hay hiện vật trị giá từ 5 triệu đồng trở lên hoặc dưới 5 triệu đồng mà đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Còn những hành vi đánh bạc trái phép chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo Điều 26 Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12.11.2013 của Chính phủ. Như vậy, đánh bạc trái phép ăn thua bằng tiền, dù số tiền lớn hay nhỏ cũng vi phạm pháp luật. Cả những người che giấu việc đánh bạc trái phép hoặc dùng nhà, chỗ ở của mình để chứa bạc... cũng đều bị xử lý hành chính. Hơn nữa, cờ bạc thường mang đến hậu quả khôn lường nên bên cạnh trách nhiệm của ngành công an, các cơ quan, gia đình cần nhắc nhở, vận động mọi người không tham gia đánh bạc dưới mọi hình thức. Đặc biệt, các quán cà phê phải kiên quyết không dung túng, chứa chấp cờ bạc để quán mình thực sự là nơi gặp gỡ, thư giãn, giải trí lành mạnh.
PHƯƠNG NAM