Ngôi nhà chung giữa biển

CÔNG HOAN 25/12/2018 02:42

Ngoài thực hiện nhiệm vụ quốc phòng kết hợp kinh tế, cán bộ, chiến sĩ Hải đoàn 129, Quân cảng Sài Gòn, Quân chủng Hải quân đang ngày đêm bám trụ ở các âu tàu, làng chài thuộc quần đảo Trường Sa (huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa) làm chỗ dựa vững chắc để ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển, giữ vững chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Chỉ huy Trung tâm Hậu cần - kỹ thuật đảo Sinh Tồn cấp cờ Tổ quốc cho tàu cá. Ảnh: CÔNG HOAN
Chỉ huy Trung tâm Hậu cần - kỹ thuật đảo Sinh Tồn cấp cờ Tổ quốc cho tàu cá. Ảnh: CÔNG HOAN

Niềm tin nơi khơi xa

Là một trong hàng trăm ngư dân được cán bộ, nhân viên Trung tâm Hậu cần - kỹ thuật đảo Sinh Tồn hướng dẫn cách neo đậu tàu thuyền và tạo mọi điều kiện tốt nhất khi vào trú, tránh bão an toàn, ngư dân Nguyễn Văn Tuy - thuyền trưởng tàu cá PY-90181TS, tỉnh Phú Yên kể: Ngày 21.11 vừa qua, khi đang đánh bắt hải sản tại ngư trường truyền thống của Việt Nam thì nhận được thông báo từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cơn bão số 9 sẽ đổ bộ vào Biển Đông. Ngay sau đó, tàu của anh và hơn 30 tàu khác  nhanh chóng cơ động vào âu tàu đảo Sinh Tồn. Khi vào đây đã được cán bộ chiến sĩ trung tâm tạo mọi điều kiện giúp đỡ neo đậu an toàn, được cấp nước ngọt và thăm khám bệnh chu đáo. “Chúng tôi rất yên tâm khi vào đây tránh gió bão. Cảm ơn bộ đội Hải quân ở âu tàu Sinh Tồn, các anh đã cho chúng tôi niềm tin để yên tâm vươn khơi bám biển” - ngư dân Nguyễn Văn Tuy thổ lộ.

Để thuận lợi cho việc sửa chữa tàu thuyền, cung ứng dịch vụ cho bà con ngư dân khi đang đánh bắt trên biển, Hải đoàn 129 đã lập đường dây nóng tại Trung tâm Dịch vụ hậu cần kỹ thuật Sinh Tồn, số điện thoại 0399.067.852.

Chia sẻ thêm về công tác ứng phó với cơn bão số 9 vừa qua, Thiếu tá Trần Văn Bỉnh - Phó Chỉ huy trưởng Trung tâm Hậu cần - kỹ thuật đảo Sinh Tồn nói, với tốc độ di chuyển rất nhanh và thường xuyên đổi hướng, cơn bão số 9 diễn biến khó lường, tuy nhiên đơn vị đã làm tốt công tác chuẩn bị, hiệp đồng chặt chẽ giữa các lực lượng trên đảo để cùng với bà con ngư dân ứng phó mọi tình huống khi bão đổ bộ. “Khi nhận được sự chỉ đạo của sở chỉ huy các cấp, cán bộ, nhân viên trung tâm âu tàu đảo Sinh Tồn đã nhanh chóng bố trí vị trí neo đậu, hỗ trợ dây buộc tàu, bảo đảm an toàn cho 33 tàu cá các loại với 542 ngư dân vào tránh trú bão. Từ ngày 21 đến 23.11, bà con ngư dân được trung tâm bảo đảm nơi ăn ở, thăm khám bệnh và cấp thuốc. Trước khi các tàu rời đảo tiếp tục đánh bắt hải sản đều được cấp nước ngọt miễn phí đầy đủ” - Thiếu tá Trần Văn Bỉnh nói.

Trước đó, đúng 11 giờ, ngày 18.11, tàu cá QNg-90708TS do ông Ngô Văn Sáu, trú huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi làm thuyền trưởng, đang đánh bắt hải sản ở huyện đảo Trường Sa đã liên lạc với Trung tâm Hậu cần - kỹ thuật đảo Sinh Tồn nhờ hỗ trợ sửa chữa sự cố máy phát điện. Lúc này thời tiết trên biển đang bị ảnh hưởng hoàn lưu cơn bão số 8, sóng gió cấp 6, cấp 7, trên tàu cá QNg-90708TS có 15 ngư dân, hành nghề thợ lặn. Ngay sau khi nhận được tin báo nhờ hỗ trợ của ngư dân, trung tâm đã hướng dẫn tàu cá vào âu tàu đảo Sinh Tồn để tìm hiểu nguyên nhân và hướng khắc phục. Chỉ trong chiều cùng ngày, tàu cá QNg-90708TS đã được khắc phục, sửa chữa thành công sự cố bơm làm mát máy phát điện và rời đảo để tiếp tục mưu sinh. Trong thời gian tàu cá QNg-90708TS ở đảo sửa chữa, khắc phục sự cố, cán bộ chiến sĩ trung tâm đã tranh thủ tuyên truyền Chỉ thị 45 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của Ủy ban châu Âu về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định; cấp miễn phí 1.000 lít nước ngọt, cờ Tổ quốc và tủ thuốc y tế.

Ngôi nhà chung giữa biển

Tại huyện đảo Trường Sa có 3 Trung tâm Hậu cần - kỹ thuật nghề cá và 2 làng chài, gồm: Trung tâm Hậu cần - kỹ thuật đảo Song Tử Tây; Trung tâm Hậu cần - kỹ thuật đảo Sinh Tồn; làng chài Tốc Tan; làng chài Núi Le do Hải đoàn 128 và Hải đoàn 129 thuộc Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn quản lý, vận hành; Trung tâm Hậu cần dịch vụ nghề cá đảo Đá Tây do Bộ NN&PTNT quản lý. Dự kiến thời gian tới, tại đảo Trường Sa Lớn sẽ có thêm Trung tâm Hậu cần kỹ thuật nghề cá đi vào hoạt động và bàn giao cho Hải đoàn 129 quản lý, càng tạo chỗ dựa vững chắc cho hàng nghìn tàu cá của ngư dân khi đánh bắt hải sản xa bờ.

Cung cấp nước ngọt miễn phí cho tàu cá trước khi rời trung tâm.
Cung cấp nước ngọt miễn phí cho tàu cá trước khi rời trung tâm.

Trên hành trình đánh bắt hải sản, khi đến với âu tàu và làng chài ở các đảo là bà con ngư dân đã về với những ngôi nhà chung giữa biển, được khám chữa bệnh miễn phí, sửa chữa những hỏng hóc thông thường, được cấp nước ngọt... Riêng với Trung tâm Hậu cần - kỹ thuật đảo Sinh Tồn và 2 làng chài Tốc Tan, Núi Le do Hải đoàn 129 quản lý, trong 2 năm đi vào hoạt động đã là chỗ neo đậu, tránh trú bão an toàn có hơn 500 tàu cá với gần 4.000 lượt ngư dân; cấp cho các tàu cá hơn 200 nghìn lít nước ngọt; sửa chữa miễn phí cho hơn 30 tàu cá của các tỉnh Bình Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi và Quảng Nam; cung ứng hơn 150 nghìn lít dầu với giá bằng ở đất liền... Cán bộ chiến sĩ ở trung tâm và các làng chài còn tham gia cùng với tàu của Hải đoàn 129 thực hiện nhiệm vụ trên biển đã cứu nạn và lai dắt 20 tàu cá gặp nạn vào các đảo thuộc quần đảo Trường Sa để sửa chữa…

Vượt qua hàng trăm hải lý, bà con ngư dân khi làm ăn xa bờ ở vùng biển Trường Sa và thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc đều cảm thấy ấm lòng và luôn nhận được sự hỗ trợ, sát cánh của cán bộ, chiến sĩ Hải đoàn 129 đang ngày đêm bám trụ ở những âu tàu, làng chài, trên những con tàu thực hiện nhiệm vụ giữa biển khơi. Những chiến sĩ ấy vẫn thầm lặng hỗ trợ để bà con ngư dân yên tâm rẽ sóng vươn khơi khai thác hải sản, góp phần bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc. “Từ khi các trung tâm âu tàu và làng chài đi vào hoạt động, bà con ngư dân rất yên tâm vươn khơi bám biển. Đặc biệt, các âu tàu và làng chài do Hải đoàn 129 quản lý đã làm rất tốt công tác tuyên truyền để ngư dân thực hiện đúng quy định đánh bắt hải sản để khắc phục cảnh báo của Ủy ban châu Âu về chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định. Đây thực sự là những ngôi nhà chung giữa biển của ngư dân” - ông Hồ Lữ Hiếu, Phó Chủ tịch UBND xã đảo Sinh Tồn nói.

CÔNG HOAN

CÔNG HOAN