Cẩn thận khi nuôi thú cưng

KIỀU LY 24/12/2018 07:03

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 90/2017/NĐ-CP về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y, thế nhưng nhiều người vẫn vi phạm thông qua hình thức nuôi thú cưng như chó, mèo mà không tiêm phòng, đeo rọ mõm...

Chó là loài vật được nhiều người chọn nuôi nhưng cũng tiềm ẩn bệnh nguy hiểm nếu không được tiêm vắc xin, theo dõi. Ảnh: K.L
Chó là loài vật được nhiều người chọn nuôi nhưng cũng tiềm ẩn bệnh nguy hiểm nếu không được tiêm vắc xin, theo dõi. Ảnh: K.L

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, tính đến tháng 10.2018, toàn tỉnh có đến 3.156 trường hợp phải tiêm phòng vắc xin phòng dại, tăng 246 trường hợp so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, có đến hơn 98% trường hợp tiêm phòng do bị chó, mèo cắn. Đây là hai vật nuôi phổ biến trong các gia đình và rất gần gũi với con người. Chính sự gần gũi ấy mà khả năng tấn công và truyền nhiễm một số bệnh cho chủ nuôi thường diễn ra vô cùng nhanh chóng và dễ dàng. Chị Vũ Thị Tố Uyên (phường Tân Thạnh, TP.Tam Kỳ) chia sẻ, trong lúc đi ngoài đường thì vô tình bị một con chó nuôi trong nhà người dân, lao vào cắn. Tình huống khá bất ngờ, khiến chị Uyên bị trầy xước và phải đi tiêm vắc xin phòng dại. Không những tấn công gây ra nguy hiểm đến tính mạng, các thú nuôi chứa vô số vi khuẩn, ký sinh trùng rất dễ gây bệnh cho chủ nhân. Chị Tr.T.T.D. (28 tuổi, ở Tam Tiến, Núi Thành) đã từng có thời gian điều trị bệnh nhiễm giun chó mèo tại nhiều bệnh viện trong và ngoài tỉnh. Theo lời chị D., nhiều năm trước, chị bắt đầu bị ngứa thường xuyên ở vùng chân. Ban đầu đi khám da liễu, chị D. được bác sĩ chẩn đoán và điều trị bệnh viêm da cơ địa. Nhưng hết đợt thuốc điều trị bệnh cũng không giảm, đi khám khắp nơi nhưng không tìm được nguyên nhân rõ ràng. Mới đây, mới tìm được căn nguyên là do nhiễm giun đũa chó mèo. Sau một đợt điều trị, hiện tình trạng của chị D. mới được cải thiện.

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 90/2017/NĐ-CP về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y, trong đó áp dụng các chế tài xử lý vi phạm quy định về nuôi chó như không tiêm phòng vắc xin phòng bệnh dại cho động vật bắt buộc phải tiêm phòng; không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng. Tuy nhiên, theo số liệu thống lê của Chi cục Chăn nuôi và thú y Quảng Nam, toàn tỉnh hiện có 130.000 con chó, nhưng thực tế con số này còn nhiều hơn nữa. Trong khi đó tỷ lệ chó được tiêm vắc xin phòng dại chỉ đạt 29.233 con, tức chỉ có khoảng 22,48% trong số thống kê được tiêm phòng bệnh dại. Lý giải về điều này, đại diện chi cục cho rằng, năm nào chi cục cũng triển khai kế hoạch tiêm phòng bệnh dại trên chó mèo, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến cho bà con những văn bản, chính sách của Nhà nước liên quan đến phòng chống bệnh dại trên động vật, cũng như mức độ nguy hiểm của bệnh dại trên người. Nhưng người dân vẫn chưa chấp hành tốt, đặc biệt ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Vì nhận thức người dân còn hạn chế, thường nuôi thú cưng với nhiều mục đích khác nhau, khó có số liệu thống kê cụ thể về tổng đàn nên việc tiêm phòng bắt buộc bệnh dại cho chó, mèo gặp rất nhiều khó khăn.

Để bảo vệ sức khỏe cộng đồng và chính bản thân, mỗi người dân cần nâng cao ý thức và thực hiện tốt các khuyến cáo của ngành thú y để bảo vệ sức khỏe cho vật nuôi cũng như phòng tránh những mối nguy hại do vật nuôi gây ra. Cụ thể: chó, mèo phải được tắm 1 - 2 lần/tuần bằng loại dầu tắm riêng để loại bỏ trứng giun bám vào lông, tẩy giun sán định kỳ 3 - 6 tháng/lần. Đặc biệt phải tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin từ khi chúng được 2 tháng tuổi...

KIỀU LY

KIỀU LY