Thảm họa sóng thần tại Indonesia

QUỐC HƯNG 23/12/2018 13:26

(QNO) - Indonesia đang tích cực tìm kiếm người sống sót, cứu hộ nạn nhân sau trận sóng thần xảy ra trong đêm 22.12 khiến nhiều người thiệt mạng và mất tích.

Hình ảnh núi lửa Krakatoa phun trào  được nhiếp ảnh gia Oystein Lund Anderson chụp lại.
Hình ảnh núi lửa Krakatoa phun trào được nhiếp ảnh gia Oystein Lund Anderson chụp lại.

Trận sóng thần tấn công vào bờ biển ở khu vực eo biển Sunda của Indonesia. Cơ quan Quản lý thảm họa quốc gia nước này cho biết, tính đến trưa 23.12 đã có 168 người thiệt mạng, hơn 700 người bị thương và 30 người vẫn còn mất tích. Ngoài ra, hàng trăm ngôi nhà bị hư hỏng nặng hay đổ nát hoàn toàn. 

Nguyên nhân dẫn đến sóng thần được cho có thể là do có tình trạng đất lở ở đáy biển sau khi núi lửa Krakatoa phun trào. Khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong thảm họa lần này là vùng Pandeglang thuộc tỉnh Banten (Java). 

Người dân trở về ngôi nhà của mình nay đã đổ nát sau trận sóng thần đếm 23.12. Ảnh: Getty Images
Người dân trở về ngôi nhà của mình đã đổ nát sau trận sóng thần đêm 22.12. Ảnh: Getty Images

Kathy Mueller - phát ngôn viên của Liên đoàn Chữ thập đỏ và trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế ở Indonesia nói với CNN rằng, khu vực Pandeglang rất đông khách du lịch địa phương vì đây là dịp nghỉ lễ. Các nhà cứu trợ mang theo các nhu yếu phẩm, thuốc men cần thiết để hỗ trợ người dân vùng bị nạn.

Núi lửa Anak Krakatau ở eo biển Sunda nối liền Ấn Độ Dương và biển Java đã phun trào khoảng 24 phút trước khi sóng thần xảy ra - cơ quan địa vật lý cho biết.

Nhiều người dân địa phương cho biết họ không hề nhận biết về dấu hiệu của một trận sóng thần sắp diễn ra. Còn giới chức Indonesia xin lỗi vì đã thông báo “không có sóng thần” vì thảm họa này không do động đất gây ra như thông thường.

Nhiều người được  khuyến cáo không nên trở về lại nhà sau ngày 25.12. Ảnh: Reuters
Nhiều người được khuyến cáo không nên trở về lại nhà sau ngày 25.12. Ảnh: Reuters

Các chuyên gia dự đoán có thể sẽ còn các đợt sóng thần mới trong vài ngày tới do núi lửa Anak Krakatau vẫn còn hoạt động. Do đó, người dân địa phương và du khách không nên đến gần các khu vực vừa diễn ra thảm họa trên.

Indonesia rất dễ bị tổn thương do sóng thần vì nằm trên vành đai lửa Thái Bình Dương - nơi thường xảy ra động đất và các trận núi lửa phun trào.

Lực lượng quân đội được điều động đến thảm họa để cứu hộ và giúp đỡ nạn nhân. Ảnh: Reuters
Lực lượng quân đội được điều động đến cứu hộ và giúp đỡ nạn nhân. Ảnh: Reuters

Vào tháng 9 mới đây, hơn 2.000 người đã chết khi một trận động đất mạnh xảy ra ở ngoài khơi đảo Sulawesi miền Trung Indonesia, gây ra một cơn sóng thần nhấn chìm thành phố ven biển Palu.

Còn nhớ vào ngày 26.12.2004, một loạt các đợt sóng lớn được kích hoạt bởi trận động đất mạnh ở Ấn Độ Dương giết chết khoảng 228.000 người tại 14 quốc gia, chủ yếu ở Indonesia. Tuy nhiên, sóng thần gây ra bởi hoạt động núi lửa như thế này ít xảy ra hơn.

QUỐC HƯNG

QUỐC HƯNG