Im lặng không là vàng!

C.B.L 20/12/2018 01:36

Lâu nay, dân gian có câu “Im lặng là vàng”. Nó không đại diện cho lối sống của người Việt, nhưng nó cũng đặt tên cho một cách chọn thái độ ứng xử với cộng đồng, của cộng đồng. Trong vụ việc cụ thể ở một trường nội trú Phú Thọ, dư luận phẫn nộ với ông hiệu trưởng nọ; ngạc nhiên, hãi hùng trước sự im lặng (thờ ơ) của một số giáo viên cùng trường. Họ thiếu hiểu biết pháp luật hay không ý thức sự nghiêm trọng của vấn đề; những tình tiết/con người liên quan rồi sẽ rõ, khi có phán quyết của tòa. Nhưng, thử nhìn quanh, có phải chúng ta hằng ngày cũng chọn thái độ im lặng trước nhiều thứ đó sao.
Người ngoan – là cách mà tôi và những đứa trẻ bây giờ vẫn được dạy như biết vâng lời ông bà, cha mẹ, thầy cô; cãi – là đồng nghĩa với ương bướng, nghịch ngợm, khó dạy. Hạt giống của sự phản kháng đã không thể nảy mầm, lụi dần ngay từ bé thơ. Bản năng phản kháng đã chỉ còn là ẩn ức. Nó không tạo thành phản xạ có điều kiện đối với những điều mình cho rằng không đúng, rằng phải khác đi mới tốt đẹp hơn. Nó dạy người ta chọn cách an toàn cho bản thân.

Tất nhiên, vẫn có nhiều cá nhân đi lệch ra khỏi quỹ đạo này. Nhưng đó chỉ là thiểu số. Một tiến sĩ sử học nói với tôi rằng, ông chọn cách góp ý với sai trái của hệ thống cầm quyền, để tự thấy không có lỗi với rất nhiều trí thức còn dám nghĩ, dám nói, dám làm; để không hổ thẹn với con mình (rằng cha nó đã làm hết sức vào thời điểm đó). Chỉ đơn giản vậy, nhưng ông thường bị đẩy ra xa đến mức cô lập.

Chuyện của ông tiến sĩ đó không lạ. Nó cũng giống như khi bạn chọn bày tỏ chính kiến đối với những vấn đề hệ trọng của đất nước, bạn dễ dàng bị phán rằng ăn khoai lang nói chuyện thế giới, cơm chưa no lo chuyện quốc gia, chính trị là chuyện của chính khách… Hay đơn giản hơn, như khi bạn bày tỏ thái độ không đồng tình với người hàng xóm vứt rác ra đường, bạn sẽ nhận lại cái chau mày khó chịu. Tất cả điều ấy, nó khiến bạn chọn thái độ: đừng thò mũi vào chuyện của người khác. Hoặc giả, bạn phải khéo léo lựa chọn cách “im lặng là vàng”!

Nếu những giáo viên chung trường với ông hiệu trưởng nọ không im lặng, nếu một hai đứa trẻ phản kháng ngay từ đầu hẳn sự việc đã không kéo dài, lũ học trò tội nghiệp sẽ không bị ám ảnh kinh hoàng như vậy.

Ở góc độ khác, nếu những cá nhân ở các tổ chức, cơ sở đảng, doanh nghiệp không im lặng, hẳn không có củi nhỏ, củi gộc cho vào lò ngày càng nhiều như hiện thấy.

Nếu luôn có những người dâng “thất trảm sớ” ở mọi thời, thì lại ước người giữ trọng trách không chọn thái độ im lặng đối với lời trung ngôn nghịch nhĩ.

Ai đó chọn im lặng trước bất công, vì cho rằng mình không đủ sức “bắt hết rận”. Ai đó chọn im lặng trước cường hào ác bá, vì cho rằng nó chưa đụng đến mình.  Ai đó chọn im lặng trước im lặng của đám đông, vì cho rằng mình không nên vượt thoát khỏi “hàng chè tàu đã được cắt tỉa đều tăm, gọn ghẽ”.  Ngạn ngữ có câu: Biết sai mà không nói là có tội. Và liệu rằng tôi/chúng ta có đang đồng lõa với tội ác, mỗi ngày?

C.B.L

C.B.L