Quán cơm tình người ở Sài Gòn
Hào, một sinh viên quê ở huyện Thăng Bình tâm tình, quán bên kia 45.000 đồng/suất cơm ăn không ngon, không no, nhưng bên này thì chỉ 2.000 đồng/suất, vì vậy nhiều người từ Quảng vô đây mưu sinh và đối với các bạn sinh viên nghèo thì quán cơm này như là ngôi nhà của mình vậy.
Quán cơm xã hội Nụ Cười - nơi chia sẻ với người nghèo. Ảnh: internet |
Buổi trưa, quán cơm xã hội Nụ Cười 1 nằm tại địa chỉ số 6, đường Cống Quỳnh, quận 1, TP.Hồ Chí Minh đông kín khách. Căn phòng có chiều ngang chưa tới 4 mét nhưng phải kê 3 dãy bàn, 2 dãy quay mặt vào tường và một dãy nằm chính diện. Mỗi buổi trưa quán bán khoảng 450 - 500 đĩa cơm từ thiện. Lướt qua vài khuôn mặt trong quán cũng ước lượng được có khoảng 20% là sinh viên, còn lại là những người lao động lớn tuổi. Vừa qua, quán cơm xã hội Nụ Cười do một nhóm thiện nguyện ở Hà Nội tổ chức mở bán và sau đó đã có lời ra tiếng vào về việc sinh viên vào quán ăn cơm từ thiện đông quá sẽ làm mất phần của người lao động nghèo. Nhưng ở quán cơm Nụ Cười tại Sài Gòn thì tấm bảng màu xanh đã in dòng chữ “phục vụ sinh viên nghèo và người nghèo”.
1. Trong quán chỉ có tiếng khua bát đũa lách cách và tiếng bước chân đi lại nhẹ nhàng. Chị Hoàng Tâm và một vài bạn tình nguyện viên ngồi ở cửa liên tục quán xuyến việc bê cơm cho khách, còn phòng dưới bếp là 3 tình nguyện viên lo rửa bát đĩa và dồn chút cơm thừa. Anh Luca, một tình nguyện viên đến từ Italia cầm chậu rau liên tục đi xoay tròn trong quán để chăm sóc từng mâm cơm với thái độ hết mực tận tình. Nhìn khuôn mặt mọi người dường như toát lên một vẻ bình an và thánh thiện khi bước vào nơi mà họ coi như là ngôi nhà của mình.
Ông Nam Đồng - chủ nhiệm quán cơm cho biết, mỗi suất cơm bù lỗ 12.000 đồng, riêng quán ở Cống Quỳnh thì tiền thuê mặt bằng mỗi tháng 20 triệu đồng. Kinh phí hoạt động được huy động từ các nhà hảo tâm. |
Hào, một sinh viên (quê ở huyện Thăng Bình, Quảng Nam) đang học tại Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng cho biết, quán này mở mấy năm đầu tiên thì người Quảng vô rất đông, có Quảng Nam, Quảng Ngãi, bởi vì chủ quán là người quê ở miền Trung. Sinh viên ở quê nghèo vô Sài Gòn vừa học vừa đi làm thêm nhưng cũng không đủ trang trải và thường phải đến quán cơm từ thiện. Nhưng theo Hào thì không phải chỉ là chuyện từ thiện, mà quán này còn nấu ăn rất ngon, vệ sinh sạch sẽ, ăn xong mỗi người có một quả chuối, uống nước thì sử dụng ly nhựa 1 lần, thỉnh thoảng các bạn ăn xong thì tranh thủ chút thời gian làm tình nguyện viên cho quán luôn.
Tại TP.Hồ Chí Minh hiện nay đã có 6 quán cơm xã hội Nụ Cười giá 2.000/suất, do ông Nam Đồng - nguyên Tổng biên tập Báo Pháp luật TP.Hồ Chí Minh sáng lập và đã hoạt động được 6 năm. Vào quán cơm này dễ dàng nhận ra nhiều người dân lao động nói giọng Quảng Nam, Quảng Ngãi. Những người này đều có nét chung là da đen, mang dép mòn vẹt, quần áo lấm láp mồ hôi dầu và bụi bặm đường phố. Nhiều người dân lao động có gốc gác ở Quảng Nam, Quảng Ngãi chia sẻ, vào Sài Gòn bán vé số, thu mua đồ điện tử cũ, buổi sáng thì ăn mì tôm, buổi trưa xếp hàng vào quán cơm 2.000. Nơi này cưu mang rất nhiều người nghèo và họ không bao giờ phân biệt người ăn nhiều hay ăn ít.
2. Quán mở bán được 6 năm và cũng có những người dân lao động tần tảo trên hè phố đã đều đặn 6 năm tới ăn cơm từ thiện. Những người này có thể ngồi kể thêm bao câu chuyện kỳ lạ khác trong quán cơm nhỏ. Đó là thỉnh thoảng lại có vài bạn sinh viên nước ngoài liên hệ đến làm tình nguyện viên; có vị khách dừng xe siêu sang cách quán một đoạn, hoặc đi taxi tới quán và xếp hàng để nhận suất ăn. Khi ngồi ăn thì họ quan sát mọi thứ xung quanh, hỏi thăm những người cùng bàn về hoàn cảnh cuộc sống. Đến khi rời quán, những người này đã ủng hộ quán số tiền tương đương vài trăm đĩa cơm từ thiện.
Bà Mai Thị Hạnh, phu nhân của nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang là một trong những khách hàng thường lặng lẽ đến xếp hàng và gửi tiền từ thiện cho quán. Ông Đoàn Ngọc Hải - Phó Chủ tịch UBND quận 1 TP.Hồ Chí Minh, người nổi tiếng với “chiến dịch” giải phóng vỉa hè cũng thường xuyên đến quán ăn cơm và làm từ thiện. Vừa qua, vợ chồng nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã đến thăm, ăn cơm từ thiện, gửi số tiền ủng hộ 50 triệu đồng. Các bạn sinh viên Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng đã chia sẻ tâm tình với nguyên Chủ tịch nước về quán cơm 2.000 đã giúp sinh viên lúc khó khăn; còn những người lao động nghèo cho biết, “vô Sài Gòn thuê nhà trọ để buôn bán kiếm sống, cái chi hắn cũng đắt đỏ, nếu có được nhiều quán cơm 2.000 như ri mới có dư chút ít gửi về ngoài quê”.
Trên tường quán cơm 2.000 có treo những tấm bảng nhỏ ghi dòng chữ “hãy lượm cơm đổ dưới bàn/thì bạn sẽ quý tấm lòng người trao”. Về vấn đề an toàn thực phẩm, những người vào quán yên tâm khi trên tường treo tấm bảng ghi rõ: “Không bỏ bột nở trong gạo, thịt Vissan mắc hơn 20.000 đồng/kg, rau an toàn, trà đá pha bằng nước sôi và sử dụng đá tinh khiết”. Một bảng quy tắc hoạt động của quán và đề cập rõ việc công khai, minh bạch tiền thu chi của các nhà hảo tâm, thái độ ứng xử với khách, các nhà hảo tâm làm từ thiện nếu có yêu cầu quảng cáo tên tuổi thì giới thiệu đến các tổ chức từ thiện khác có khả năng làm việc này hơn.
LÊ VĂN CHƯƠNG