Vóc dáng Chu Lai trong hành trình phát triển

NGUYÊN ĐOAN (thực hiện) 15/12/2018 00:08

“Nếu không có công nghiệp, không có Khu kinh tế mở Chu Lai thì Quảng Nam sẽ khó phát triển như hôm nay”. Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang đã chia sẻ đánh giá như vậy với Báo Quảng Nam khi nhìn lại 15 năm xây dựng và phát triển Khu kinh tế mở Chu Lai.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang trả lời phỏng vấn Báo Quảng Nam. Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang trả lời phỏng vấn Báo Quảng Nam. Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Ngọc Quang nhớ lại: Ngay từ ngày đầu tái lập tỉnh, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam đã có những quan điểm, tư tưởng rất mới trong việc lựa chọn định hướng phát triển, khẳng định quyết tâm xây dựng nền kinh tế theo hướng công nghiệp, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế lạc hậu sang công nghiệp, du lịch và dịch vụ. Để cụ thể hóa định hướng này, lúc bấy giờ, tôi cùng một số anh em được phân công tham gia tổ xây dựng cơ chế kinh tế nhằm thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào địa bàn gắn với chủ trương chung của tỉnh đối với lĩnh vực này. Với tinh thần đó, Quảng Nam đã xây dựng đề án báo cáo với Trung ương, được Bộ Chính trị đồng ý và Thủ tướng Chính phủ có Quyết định 108 về việc ra đời Khu kinh tế mở (Khu KTM) Chu Lai - khu kinh tế đầu tiên của cả nước. Có thể nói cái chữ “mở” là đặc trưng nhất của Khu KTM Chu Lai. Nói vậy để thấy, tư duy về cơ chế vượt trội so với mặt bằng chung của cả nước được thể hiện rất rõ trong tư tưởng chỉ đạo của Bộ Chính trị, sau đó là quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Cái cô đọng nhất của Khu KTM Chu Lai về cơ chế kinh tế chính là những nguồn thu từ khu kinh tế được để lại đầu tư phát triển, lấy chính nó để phát triển nó chứ không trông dựa vào các nguồn lực từ ngân sách của Trung ương. Rất tiếc, cơ chế này được triển khai khoảng hơn một năm thì Luật Ngân sách không cho phép. Điều này làm cho động lực của Khu KTM Chu Lai bị “hãm phanh”. Vì vậy, yêu cầu phải chuyển hướng sang hình thức khác để thu hút hiệu quả các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Nhìn lại 15 năm, qua từng giai đoạn, Quảng Nam đã tạo cho Chu Lai hình thành vóc dáng một Khu KTM khá hấp dẫn đối với các nhà đầu tư. Việc chủ động trong tư duy của tỉnh được hiện thực hóa bằng những kế sách như thế nào, thưa đồng chí?

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang: Trong giai đoạn đầu, với cơ chế kinh tế “mở” như vậy các nhà đầu tư trong và ngoài nước đăng ký đầu tư vào Khu KTM Chu Lai rất nhiều. Nhưng chúng ta xác định rằng việc đăng ký với thực tế đầu tư phải vượt qua được nguyên tắc rất quan trọng lúc bây giờ là phải có mặt bằng sạch để thu hút nhà đầu tư. Và có lẽ, lúc bấy giờ việc xác định có mặt bằng sạch, được quy hoạch bài bản đối với các khu công nghiệp trong khu kinh tế này sẽ là nguồn lực thu hút tốt nhất, chứ không phải là những cơ chế về thuế, đất... Chính vì vậy, Quảng Nam đã dành nguồn ngân sách ít ỏi lúc bấy giờ để tập trung cho giải phóng mặt bằng, tái định cư ổn định cuộc sống cho người dân bị ảnh hưởng dự án của khu kinh tế. Cùng với đó, lãnh đạo tỉnh đã dày công trong việc xúc tiến kêu gọi đầu tư, không chỉ đối với nhà đầu tư trong nước mà kể cả đối tác nước ngoài. Có thể nói, thời kỳ đầu hoạt động này nhộn nhịp, nhưng cuối cùng việc xác định nhà đầu tư chiến lược mới chính là yếu tố rất quan trọng cho sự thành bại của Khu KTM Chu Lai. Đến thời điểm hiện nay, nói về thành công của Khu KTM Chu Lai thì có thể nhận định rằng việc lựa chọn nhà đầu tư chiến lược và song hành cùng họ; cái “cùng” này rất quan trọng, cùng đem lại niềm tin cho nhà đầu tư và những gì khó khăn của nhà đầu tư cũng là khó khăn mà mình phải giải quyết. Tôi nghĩ những cái đó thể hiện sự trọng thị của địa phương đối với các nhà đầu tư. Và khi nhà đầu tư cảm nhận được điều đó một cách tin cậy thì mọi việc sẽ thành công.

Thưa đồng chí, Khu KTM Chu Lai có tác động như thế nào đối với kinh tế Quảng Nam?

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang: Theo tôi, sự tác động của Khu KTM Chu Lai đối với Quảng Nam đã quá rõ rồi. Trước hết, nó tạo ra một cơ cấu kinh tế thật sự tích cực; trong đó, tỷ trọng công nghiệp chiếm rất lớn trong cơ cấu kinh tế Quảng Nam. Chu Lai chính là một trong những nơi làm cho tỷ trọng kinh tế của tỉnh đạt tốt nhất, đem lại nguồn thu tích cực cho ngân sách nhà nước. Đây cũng là một trong những nguồn thu rất quan trọng để đưa Quảng Nam trở thành một trong những địa phương có nguồn thu ngân sách điều tiết về Trung ương. Tôi nghĩ nếu không có công nghiệp, không có Khu KTM Chu Lai thì Quảng Nam sẽ khó có thể phát triển thành tầm vóc như bây giờ.

Cùng với đó, Khu KTM Chu Lai đã tạo ra một nền kinh tế công nghiệp hiện đại và có đội ngũ lao động lành nghề - đây là một nguồn lực hết sức quan trọng giúp Quảng Nam chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa trong giai đoạn hiện nay. Chu Lai cũng là một mô hình để Quảng Nam đúc kết nhiều kinh nghiệm hay trong công tác lãnh đạo, điều hành thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh quốc phòng.

Từ góc nhìn của Khu KTM Chu Lai, đồng chí có thể cho biết những bài học kinh nghiệm được rút ra trong việc thay đổi tư duy và hành động trong bối cảnh hội nhập quốc tế?

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang: Những bài học kinh nghiệm về Khu KTM Chu Lai thực chất nằm ngay trong quá trình xây dựng và phát triển như tôi đã chia sẻ ở trên. Việc chọn nhà đầu tư chiến lược rất quan trọng quyết định sự thành công hay thất bại. Ở đây, điều tôi muốn nói đến chính là sự phát triển mạnh mẽ của nhà đầu tư chiến lược khu liên hợp cơ khí lắp ráp ô tô Chu Lai - Trường Hải. Tiếp đến là phải tạo được mặt bằng sạch có ý nghĩa rất quan trọng trong thu hút đầu tư. Thứ ba chính là sự đồng thuận của chính quyền địa phương trong việc tạo môi trường đầu tư thật sự thông thoáng, hấp dẫn; trong đó chú trọng đẩy mạnh cải cách, giải quyết thủ tục hành chính. Lúc bấy giờ, nếu không có sự quyết tâm thì đây là rào cản hết sức lớn để các nhà đầu tư có thể tiếp cận được đất đai và các nguồn lực khác.

Nhìn lại quãng đường vừa qua, có nhiều bài học thành công, có những bài học không thành công nhưng tóm lại những điểm mấu chốt nhất phải cố gắng tập trung sức để làm cho bằng được. Với tôi, một bài học sâu sắc nhất cần luôn được chia sẻ đó chính là sự đoàn kết, nhất trí cao của lãnh đạo tỉnh, sự đồng thuận của chính quyền các địa phương, nhân dân cùng quyết tâm thông qua Khu KTM Chu Lai để xây dựng phương thức kinh tế mới, góp phần đưa Quảng Nam phát triển, không cam chịu đói nghèo, lạc hậu. Đồng thời phải nắm bắt nhanh nhạy từ những yêu cầu của thực tiễn thông qua mô hình Khu KTM Chu Lai để phát triển hơn nữa kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh, nhất là trong bối cảnh cả nước hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới.

NGUYÊN ĐOAN (thực hiện)

NGUYÊN ĐOAN (thực hiện)