Nỗ lực phòng chống tiền giả

PHƯƠNG NAM 14/12/2018 07:08

Những năm qua, Công an tỉnh thường xuyên phối hợp với các ngành ngân hàng, kho bạc làm tốt công tác đảm bảo an ninh tiền tệ, trong đó có phòng, chống các hoạt động phạm tội về tiền giả; đồng thời tăng cường kiểm soát vấn đề này dịp cao điểm trước, trong và sau tết.

Tuyên truyền cho người dân phân biệt tiền giả,tiền thật. Ảnh: P.N
Tuyên truyền cho người dân phân biệt tiền giả,tiền thật. Ảnh: P.N

Với phương châm “phòng là chính”, Công an tỉnh thường xuyên phối hợp với các ngành ngân hàng, kho bạc tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng cách nhận biết tiền thật/tiền giả và các thủ đoạn của bọn tội phạm thường sử dụng để tiêu thụ tiền giả. Riêng trong năm 2018, Công an tỉnh đã phối hợp với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam tuyên truyền, vận động người dân ở 10 xã thuộc huyện Tây Giang đề cao cảnh giác và tích cực đấu tranh với loại tội phạm này.

Một cán bộ an ninh cho biết, thủ đoạn mà tội phạm tiền giả thường sử dụng là dùng tiền giả có mệnh giá cao để mua hàng hóa có giá trị thấp nhằm lấy tiền trả lại là tiền thật; kẹp tiền giả có mệnh giá cao vào các cọc tiền thật để thanh toán... Để tránh bị phát hiện, các đối tượng thường thực hiện hành vi phạm tội vào lúc trời tối hoặc nhá nhem tối, nơi thiếu ánh sáng; trao đổi, giao dịch một cách nhanh chóng, chớp nhoáng. Vì vậy, khi người bán hàng phát hiện ra thì đối tượng đã “cao chạy xa bay”. Địa bàn lưu hành tiền giả thường ở các vùng sâu, vùng xa, những nơi có trình độ dân trí thấp, người dân chưa nhận biết được đặc điểm bảo an của đồng tiền.

Thời gian gần đây, thông qua mạng xã hội như Facebook, Zalo, Viber, các đối tượng còn công khai rao bán tiền giả với phương thức người mua chuyển tiền thật vào tài khoản mà các đối tượng tội phạm đã định sẵn, sau đó các đối tượng sẽ chuyển tiền giả trực tiếp cho người mua hoặc thông qua bưu điện hay xe khách liên tỉnh. Không ít trường hợp đối tượng buôn bán tiền giả lừa đảo chiếm đoạt tiền thật của người tìm mua tiền giả. Bên cạnh công tác tuyên truyền, khi có thông tin liên quan đến tội phạm tiền giả, các đơn vị nghiệp vụ của Công an tỉnh đã nhanh chóng triển khai các biện pháp truy xét, truy tìm, điều tra, xử lý nghiêm.

Từ năm 2003 đến nay, Công an tỉnh đã phát hiện, khởi tố 30 vụ, bắt 57 đối tượng liên quan tội phạm tiền giả. Điển hình là năm 2016, Công an tỉnh bóc gỡ một đường dây tiêu thụ tiền giả liên tỉnh. Theo hồ sơ, ngày 14.5.2016, Đào Văn Cần (SN 1989, trú tại xóm Trám, xã Đào Xá, Phú Bình, Thái Nguyên) cùng anh ruột là Đào Văn Ninh (SN 1981) đến chợ Vinh Huy (Bình Trị, Thăng Bình) mua rất nhiều hàng như xà phòng, nước mắm, dầu, thuốc lá… bằng tiền giả. Cứ mỗi lần mua, 2 thanh niên này đưa tờ 200 nghìn đồng tiền giả để tiểu thương thối lại. Trong vụ án này, công an bắt giữ 7 đối tượng, trong đó đối tượng chính cung cấp tiền giả cho đường dây này là Chu Thị Oanh (SN 1969, trú xã Vĩnh Quang, TP.Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng). Oanh khai, số tiền giả có được từ việc sang Trung Quốc mua lại của một phụ nữ tên A Ming, sau đó đem về Việt Nam theo đường tiểu ngạch.

Nhờ làm tốt công tác phòng ngừa và đấu tranh, số lượng tiền giả thu giữ được trong những năm qua đã giảm dần (2016: 74 tờ, 2017: 27 tờ, 2018: 22 tờ). Trong thời gian đến, nhất là trước, trong và sau tết, lực lượng Công an tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường công tác nghiệp vụ cơ bản, thường xuyên bám sát địa bàn để kịp thời phát hiện, đấu tranh với các hoạt động phạm tội về tiền giả. Để đảm bảo sự phát triển kinh tế, an ninh tiền tệ và an sinh xã hội, ngoài trách nhiệm của cơ quan chức năng thì từng cấp ủy, chính quyền địa phương phải tuyên truyền, phổ biến cho nhân dân cách nhận biết tiền giả cũng như nâng cao ý thức cảnh giác và tích cực đấu tranh với hoạt động phạm tội về tiền giả.

PHƯƠNG NAM

PHƯƠNG NAM