Chăm lo người có công cách mạng
Công tác chính sách hậu phương quân đội thời gian qua được Ban Chỉ huy quân sự (CHQS) huyện Thăng Bình thường xuyên quan tâm. Từ đây nhiều phong trào đền ơn đáp nghĩa hoạt động sôi nổi, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, đặc biệt là công tác thực hiện chế độ chính sách.
Ban CHQS huyện hướng dẫn gia đình có công cách mạng làm thủ tục nhận hỗ trợ của Nhà nước. Ảnh: V.T |
Chúng tôi có dịp gặp ông Lê Ngọc Thiên (thôn Hiệp Hưng, xã Bình Hải) tại Ban CHQS huyện Thăng Bình vào đầu tháng 12.2018. Ông Thiên là một trong số hàng trăm thân nhân người có công cách mạng được chi trả chế độ chính sách theo Quyết định 49 của Thủ tướng Chính phủ đợt này. Quyết định 49 được chi trả cho các đối tượng tham gia dân công hỏa tuyến thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Chiến sĩ Lê Ngọc Anh – cha ông Thiên là một trong số những thanh niên đầu tiên tham gia dân công hỏa tuyến vào thời kỳ kháng chiến chống Pháp và là cán bộ nuôi giấu cách mạng hoạt động năng nổ trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Tuy nhiên, sau những dấu tích của các đòn tra tấn nơi tù đày, chiến sĩ Lê Ngọc Anh đã mất sau ngày đất nước giải phóng. Dẫu không hưởng được đầy đủ các chế độ chính sách sau ngày giải phóng nhưng ông Thiên vẫn luôn tự hào với truyền thống cách mạng của gia đình và quê hương. Và sau khi trường hợp của cha mình được xét duyệt đủ điều kiện nhận hỗ trợ theo Quyết định 49, ông Thiên vô cùng xúc động.
Trường hợp của gia đình ông Thiên là một trong gần 250 đối tượng có công cách mạng được nhận hỗ trợ đợt này. Ngoài Quyết định số 49 về chế độ chính sách đối với dân công hỏa tuyến thì các Quyết định 62, 290 của Chính phủ về đối tượng trực tiếp tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, giúp bạn Lào hoặc du kích địa phương cũng đã được chi trả đầy đủ. Ông Đinh Ngọc Bốn (thôn Hà Bình, xã Bình Minh), người từng có thời gian tham gia các đội du kích trẻ tại địa phương thời kỳ 1974 – 1975 cũng tỏ ra rất phấn khởi trước sự quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước đối với ông, mặc dù số tiền nhận không lớn nhưng đã thể hiện sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước đối với sự đóng góp của những người như ông.
“Nói chung hồi đó còn thanh niên, cũng xung phong đóng góp sức trẻ cho xã nhà. Sau giải phóng, bản thân cũng xung phong vào lực lượng tuần tra ven biển, bây giờ lớn tuổi rồi, nhận được ít tiền cộng với hỗ trợ bảo hiểm y tế suốt đời thì quá chi là mừng rồi” - ông Bốn phấn khởi nói.
Theo Thiếu tá Phạm Văn Phước – Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Thăng Bình, trong năm 2018, đơn vị đã xét duyệt, thẩm định, đề nghị giải quyết chế độ chính sách tồn đọng, tiến hành chi trả chế độ chính sách theo Quyết định 290, 142, 62, 49 của Thủ tướng Chính phủ kịp thời cho hơn 1.600 đối tượng với số tiền gần 3,4 tỷ đồng. Hàng năm, việc tổng hợp, soát xét để thực hiện các chế độ chính sách đối với người có công cách mạng và thân nhân luôn được thực hiện chặt chẽ. Các chính sách đã ban hành được thực hiện với phương châm: công khai, dân chủ, công bằng, đúng chế độ, chính sách, đúng đối tượng, không để sai sót và tiêu cực xảy ra.
“Ngoài việc chi trả chế độ, trong năm qua, Ban CHQS huyện còn nhận phụng dưỡng 10 mẹ Việt Nam anh hùng; vận động kinh phí xây dựng 4 nhà tình nghĩa với số tiền 280 triệu đồng; tham mưu UBND huyện trao bằng Tổ quốc ghi công cho 2 gia đình liệt sĩ; tổ chức lễ truy điệu và cải táng 8 hài cốt vào nghĩa trang và triển khai lập bản đồ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ...” - Thiếu tá Phạm Văn Phước nói.
VĂN TOÀN