Nhà văn hóa

C.B.L 11/12/2018 02:39

Theo các báo địa phương khu vực miền Trung, đến nay nhiều nhà văn hóa ở cấp thôn, xã, khu phố đã được đầu tư xây dựng khang trang trên diện tích rộng và tại các vị trí thuận lợi. Bên cạnh đó, các nhà văn hóa này do không được duy trì sinh hoạt thường xuyên nên trở thành hoang vắng và nhếch nhác, thậm chí gây lãng phí. Cùng lúc, báo chí cũng đưa tin nhiều thư viện cấp tỉnh, thành phố tiếp nhận mỗi năm từ 5 đến 7 nghìn đầu sách mới, tuy nhiên, do thiếu nhà kho nên sách mới vào, sách cũ hoặc sách ít luân chuyển lại phải xếp cất đi, bạn đọc cần tra cứu vẫn tìm không thấy và rất bức xúc... Hàng chục nghìn cuốn sách của các thư viện phải tạm “nghỉ hưu”, không thể đến được tay bạn đọc, không phát huy được tính hữu dụng của mình.

Trước hết xin được nói đến tình trạng hình thức và lãng phí của các nhà văn hóa cơ sở. Nếu tính bình quân mỗi nhà văn hóa có diện tích 150m2 thôi, thì vốn xây dựng (tiêu chuẩn cấp 4) cho mỗi cái cũng lên đến vài ba trăm triệu đồng, chưa kể trang thiết bị bên trong và khuôn viên, tường rào bảo vệ. Một quận, huyện bình quân có trên 20 nhà văn hóa thì số tiền bỏ ra xây dựng cũng lên đến chục tỷ đồng. Dù là nguồn ngân sách hay đóng góp của dân thì đều là tiền cả, nhưng lại chỉ dành cho cán bộ thôn làm việc và tổ dân phố họp thì vô cùng lãng phí. Cứ theo “bảng hiệu”, thì nhà văn hóa phải là nơi diễn ra mọi hoạt động văn hóa của cộng đồng như là nơi sinh hoạt của các câu lạc bộ, các đội văn nghệ quần chúng, nơi đọc sách báo hàng ngày của cư dân... Chúng tôi đã từng đến nhiều nhà văn hóa cấp thôn và cả những Bưu điện văn hóa cấp xã trước đây, thì quả những nơi đó đều nặng tính phô trương, chỉ xây dựng cho có, nhưng nội dung hoạt động chỉ là con số không. Có nơi luôn cửa đóng then cài, muốn vào tìm hiểu thôi cũng đã khó. Khi cần việc cần mở cửa, đi tìm người giữ chìa khóa đã khó! Mới đây, trong hoạt động kiểm tra xây dựng nông thôn mới, tôi biết có nhiều nhà văn hóa cấp cơ sở phải đi mượn sách của các tư gia để “chưng” trong tủ cho có, sau kiểm tra lại mang đi trả!

Vấn đề chung để cho những thiết chế văn hóa cơ sở có thể hoạt động được, theo nhiều người am hiểu, trước hết vẫn là vai trò năng nổ, tâm huyết của những người phụ trách hoặc ban quản lý ở đó. Phải chọn cho được những con người như vậy, mà theo một số góp ý trong các cuộc trà dư tử hậu, đó là các vị cán bộ nghỉ hưu từng làm việc ở các cơ quan văn hóa và có quan tâm đến lĩnh vực này tại mỗi địa phương. Các nhà văn hóa hoạt động hiệu quả thường gắn liền với một tủ sách hay “thư viện bỏ túi”, phòng đọc sách báo tại chỗ. Có nơi đã thành công nhờ vận động được sự hỗ trợ của các mạnh thường quân như các doanh nghiệp, các giáo viên, bà con khá giả và các cơ quan báo chí trên địa bàn cùng sự hỗ trợ của hệ thống thư viện trường học, thư viện cấp quận...

C.B.L

C.B.L