Tam Kỳ, Phú Ninh: Di dời, cứu nạn hàng trăm hộ dân khỏi vùng ngập lũ (clip)
Tin liên quan
|
(QNO) - Sáng nay 10.12, Bộ đội Biên phòng tỉnh (BĐBP) cùng với các lực lượng tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã tổ chức di tản những hộ dân bị ngập sâu trong lũ xã Tam Đàn, huyện Phú Ninh.
Theo Thượng úy Nguyễn Văn Tính – Trợ lý Cứu nạn cứu hộ (BĐBP tỉnh) cho biết, hơn 30 cán bộ chiến sĩ BĐBP tỉnh đã phối hợp với các lực lượng cứu nạn cứu hộ tỉnh dùng ca nô để di chuyển những hộ dân bị mắc kẹt do nước lớn chia cắt.
Hơn 300 hộ dân ở xã Tam Đàn chìm sâu trong biển nước. Có nơi nước dâng cao tầm 3-4 mét khiến cho hàng loạt ngôi nhà chìm sâu trong lũ. |
Theo Cụ Cao Mân (82 tuổi, thôn Đàn Trung, xã Tam Đàn), mưa lớn kéo dài từ tối ngày 8.12 đến nay, nước đổ về rất nhanh khiến cho cả gia đình cụ không kịp trở tay, bị chìm sâu trong nước. “Đây là đợt lũ lớn nhất kể từ năm 1964 đến nay. Chỉ trong chốc lát đã bao trùm khắp nơi, không ai kịp trở tay” – cụ Mân cho biết.
Anh Nguyễn Văn Thành (thôn Đàn Trung, xã Tam Đàn) cũng cho hay, từ sang sớm nay, khi nước đổ về nhanh, anh Thành cùng em trai dùng thuyền phao để đưa hơn 20 người già và trẻ em trong xóm ra khỏi vùng ngập lụt. Tuy nhiên, đến trưa thì chiếc thuyền phao bị thủng, không tiếp tục cứu người được nữa. “Hiện tại còn trên 10 người già và trẻ em vẫn còn đang bị mắc kẹt ở nhà của họ. Do nước có nơi ngập hơn 2,,2m nên phải có xuồng, thuyền hoặc ca nô chuyên dụng mới có thể tiếp cận được” – anh Thành nói.
Cũng trong sáng nay, các lực lượng cứu nạn của Công an tỉnh, Cảnh sát cơ động… cũng đang tích cực đưa những người dân đang bị cô lập trong vùng lũ ra nơi an toàn trú ẩn. Sau đây là một số hình ảnh PV Báo Quảng Nam ghi nhận tại vùng lũ xã Tam Đàn:
Lực lượng Cứu nạn Cứu hộ BĐBP tỉnh đưa ca nô chuyên dụng đến vùng lũ để đưa người dân ra khỏi nơi nguy hiểm. |
Cụ Cao Mân, thôn Đàn Trung cho biết, đây là đợt lũ lịch sử trong hơn 40 năm vừa qua khiến cho hang tram ngôi nhà chìm trong biển nước. |
Lực lượng cứu hộ đưa người già và trẻ em đến nơi trú ẩn an toàn. |
Ảnh 5: Trong sáng 10.12, đã có trên 20 người già và trẻ em được lực lượng cứu hộ đưa ra khỏi những ngôi nhà đã chìm sâu trong nước lũ. |
* Sáng 10.12, nhiều khu vực dân cư trên địa bàn phường An Mỹ (TP.Tam Kỳ) ngập sâu gần 2m, buộc lực lượng công an, phường đội, dân quân địa phương phải khẩn trương di dời dân.
Lực lượng chức năng đưa người dân ra khỏi vùng nguy hiểm. Ảnh: VINH ANH |
Ngập nặng nhất là khu vực khối phố 1, gần nút giao thông Nguyễn Thái Học - Phan Châu Trinh. Lực lượng chức năng đã phải cắm biển báo, rào chắn không cho người dân qua lại khu vực này. Nước dâng cao cũng khiến nhiều nhà dân ngập 1,5 - 2m. Người dân phải vất vả đưa đồ đạc, tài sản lên nơi cao ráo.
Bà Đào Thị Chiu (khối phố 1) cho biết, dù là khu vực hay bị ngập úng, ứ đọng nước khi mưa lớn nhưng chưa bao giờ thấy nước dâng cao như đợt này. Cũng may là gia đình kịp thời di tản nhiều vật dụng có giá trị lên gác 2, nếu không thiệt hại sẽ rất lớn.
Ưu tiên di tản người già, trẻ em. Ảnh: VINH ANH |
Lo sợ nước dâng gây nguy hiểm đến tính mạng người dân, nhất là những gia đình có trẻ con, người già yếu, lực lượng chức năng của phường An Mỹ đã tích cực vận động và hỗ trợ người dân di dời.
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Quảng Nam, hàng chục người dân ở khu vực khối phố 1 đã được lực lượng chức năng di dời bằng xuồng đến nơi an toàn.
Huy động phương tiện đưa người ra khỏi vùng nguy hiểm. Ảnh: VINH ANH |
Nhiều nơi nước ngập sâu. Ảnh: VINH ANH |
Nước ngập ngang nửa nhà. Ảnh: VINH ANH |
Mực nước hơn 1m tại căn bếp một hộ dân khối phố 1. Ảnh: VINH ANH |
Di chuyển đồ đạc lên gác. Ảnh: VINH ANH |
Cắm biển cảnh báo nguy hiểm trên đoạn đường Nguyễn Thái Học. Ảnh: VINH ANH |
Mời bạn đọc xem clip:
* Đến 11 giờ trưa nay 10.12, tại xã Tam An (Phú Ninh), nước lũ cô lập hoàn toàn 4 thôn trên địa bàn xã gồm, thôn An Thiện, An Thọ, Phước An, Thuận An, một nửa diện tích của thôn An Hòa bị ngập nặng, gây thiệt hại nặng nề cho gần 1.000 hộ dân. Ông Lê Hòa (47 tuổi) thôn An Thiện xã Tam An cho biết lũ lụt mọi năm nước chỉ mấp mé tới hiên nhà, năm ngay nhà ông đã ngập tới lưng bụng, mực nước cao hơn đỉnh lũ năm 1999. Nhiều gia súc gia cầm của bà con xóm làng đã bị chết, đồ đạc, vật dụng gia đình, lương thực bị ướt, hư hại, gây thiệt hại về kinh tế nặng nề.
Ông Huỳnh Tuấn Nhật - Chủ tịch UBND xã Tam An cho biết: xã đã huy động lực lượng hơn 50 người gồm dân quân tự vệ, công an viên, cán bộ công chức xã đến các địa bàn ngập lụt để di dời 40 người dân là những người già yếu, trẻ em, giúp vận chuyển đồ đạc, gia súc cho hàng trăm hộ dân đến nơi an toàn. Khó khăn lớn nhất của địa phương hiện nay là phương tiện cứu hộ thiếu nghiêm trọng, xã chỉ có 2 chiếc ghe, thường xuyên bị sự cố. UBND xã huy động một số ghe thuyền người dân phục vụ cứu hộ, nhưng các phương tiện hoạt động không ổn định. Hiện UBND xã đang tiến hành công tác cứu trợ người dân vùng lũ, chuẩn bị nước uống, mì ăn liền cung cấp tận nơi cho bà con, vận động các hộ dân ngập nặng khẩn trương di dời bảo vệ tài sản tính mạng.
Tại xã Tam Đàn, tuyến quốc lộ 1 và đường ĐT615 đoạn khu vực ngã tư Kỳ Lý ngập sâu hơn 1m với chiều khoảng 2km chia cắt giao thông, các cầu Tây Yên, La Á, Cây Sơn bị nước tràn qua. Hơn 600 hộ dân của các thôn Vạn Long, Đàn Hạ, Đàn Trung, Thạnh Hòa 1 bị ngập nước trầm trọng. Nhiều tài sản của người dân bị thiệt hại, hàng chục người phải đi cấp cứu điều trị tại các bệnh viện.
Bà Nguyễn Thị Lệ Lài - Chủ tịch UBND xã Tam Đàn cho hay: Hàng trăm hộ dân của xã yêu cầu được cứu trợ, lũ lớn chia cắt nhiều tuyến giao thông, các ghe thuyền của địa phương hoạt động hết công suất nên đã hỏng hóc, gây khó khăn cho công tác cứu trợ. Hiện tại xã đã di dời khoảng 50 người dân đến khu vực nhà văn hóa xã. UBND xã tiếp tục kêu gọi sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng hỗ trợ địa phương khắc phục hậu quả thiên tai.
Ông Nguyễn Đạo - Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Ninh cho biết: UBND huyện đã được phân công cán bộ đến hai địa phương Tam An và Tam Đàn để trực tiếp chỉ đạo công tác chống lũ. UBND huy động 100% cán bộ, chiến sĩ Ban CHQS huyện, Công an huyện, lực lượng xung kích của huyện, chuẩn bị các phương tiện cứu nạn, cứu hộ, các nhu yếu phẩm cần thiết, thuốc men, lương thục đến các địa phương giúp di dời người, tài sản, chăm sóc sức khỏe cho người dân. UBND huyện yêu cầu Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh chi viện thêm ca nô, xuồng máy giúp các địa phương trong huyện kịp di dời dân đến nơi an toàn.
NGUYỄN DƯƠNG - VINH ANH - HẢI CHÂU