Công điện phòng chống mưa lũ trên địa bàn tỉnh
(QNO) - Tối 9.12, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh (PCTT&TKCN) đã có công điện số 6 về ứng phó mưa lũ. Công điện gửi cơ quan Thường trực Tìm kiếm cứu nạn trên sông và đất liền; Cơ quan thường trực tìm kiếm cứu nạn trên biển và hải đảo; Ban Chỉ PCTT&TKCN các huyện, thị xã, thành phố; Đài Phát thanh - truyền hình Quảng Nam; Đơn vị quản lý các hồ chứa thủy lợi, thủy điện.
Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng nam đã có công điện số 6 về ứng phó mưa lũ. Ảnh: THANH THẮNG |
Để chủ động ứng phó với mưa lớn gây ngập lụt và ngập úng cục bộ tại các địa phương, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đề nghị các địa phương, cơ quan đơn vị chỉ đạo tập trung thực hiện các nội dung sau:
Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các huyện, thị xã, thành phố theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biến của mưa lớn trên các phương tiện thông tin đại chúng, trang thông tin điện tử http://pctt.quangnam.vn, trang facebook Quảng Nam - thông tin phòng chống thiên tai của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh; chỉ đạo đài truyền thanh- truyền hình các địa phương tổ chức công tác truyền thông, thông tin kịp thời đến nhân dân biết để chủ động các biện pháp phòng tránh.
Tổ chức kiểm tra, rà soát các khu dân cư ở vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, các tuyến đường có đi qua ngầm, tràn để có các biện pháp cảnh báo (cắm biển báo, khoanh dây xác định khu vực nguy hiểm, bố trí lực lượng canh gác, chốt chặn) để nhân dân biết, chủ động phòng tránh, hạn chế đi lại; chủ động các phương án thực hiện sơ tán, di dời nhân dân đến nơi an toàn đối với những khu vực ngập sâu, khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở, lũ quét.
Lực lượng cứu hộ sẵn sàng di sân khi cần. Ảnh: THANH THẮNG |
Chỉ đạo các đơn vị quản lý hồ chứa tổ chức trực ban, thực hiện kiểm tra, quan trắc đập để kịp thời phát hiện, xử lý các sự cố có thể xảy ra. Kiểm tra công tác dự trữ thực phẩm, các mặt hàng thiết yếu ở địa phương, nhất là địa phương dễ bị cô lập, chia cắt do mưa lũ. Tổ chức hướng dẫn gia cố và thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn, giảm thiệt hại đối với lồng bè, khu vực nuôi trồng thủy sản. Bố trí lực lượng kiểm soát chặt chẽ các bến đò ngang đò dọc, các tuyến đường bị ngập để hướng dẫn người, phương tiện qua lại.
Tùy vào tình hình thực tế diễn biến của mưa lớn và ngập lụt các tuyến đường giao thông, Sở GD&DT tỉnh, Phòng GD&DT các địa phương và các trường đại học, cao đẳng chủ động quyết định cho học sinh, sinh viên nghỉ học để đảm bảo an toàn.
Các đơn vị hồ chứa thủy lợi, thủy điện thực hiện tổ chức trực ban; kiểm tra, quan trắc đập, kịp thời phát hiện và xử lý sự cố; theo dõi chặt chẽ diễn biến lượng mưa, mực nước các hồ chứa nước, thường xuyên báo cáo với cơ quan quản lý cấp trên.
Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Nam tăng cường thời lượng, thường xuyên đưa tin về tình hình mưa lũ để nhân dân, các cơ quan thông tin đại chúng biết, chủ động ứng phó.
Lực lượng cứu nạn, cứu hộ duy trì lực lượng và phương tiện, sẵn sàng ứng phó khi có yêu cầu.
Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các cấp tổ chức trực ban nghiêm túc và thường xuyên báo cáo về Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh.
THANH THẮNG