Chuyện ngỗng
Hình ảnh bầy thiên nga nhởn nhơ bơi lội trên những hồ nước mênh mông luôn trông đẹp đến lạ lùng. Nhàn nhã và quý phái. Những con thiên nga trên thế giới đã trở thành bất tử cùng loài người qua vở nhạc kịch Hồ Thiên Nga (The Swan Lake) tuyệt diệu của nhạc sĩ Tchaikovsky vĩ đại.
Minh họa: HIỂN TRÍ |
Tôi đã xem vở nhạc kịch này trên Youtube hàng chục lần qua màn trình diễn của vũ đoàn Kirov, mà gần như lần nào cũng bị cuốn hút bởi những vũ công xinh xắn múa như đàn thiên nga lướt trên sóng nhạc.
Bầy thiên nga xinh đẹp và quý phái trên những hồ nước bao la đó vẫn luôn gợi tôi nhớ đến hình ảnh đàn ngỗng bình dị trên ao nước của vùng quê ngày cũ. Gọi là bình dị nhưng thực ra ở thôn quê ngày đó cũng ít nhà có đủ điều kiện để nuôi ngỗng, không hiểu vì sao. Người dân quê cho rằng phụ nữ có thai ăn trứng ngỗng sẽ sinh con dễ dàng, và đứa bé sẽ được sạch sẽ lúc chào đời. Có lẽ hình ảnh thanh khiết của những con ngỗng trắng trên hồ nước đã đem lại cho họ những ý tưởng đó. Dầu hồ nước có bẩn thì lông ngỗng vẫn trắng tuyền, không bị bẩn theo, giống hình ảnh như hoa sen nở ra từ bùn. Cho nên người dân quê còn cho rằng ngỗng, ngoài chức năng giữ nhà, còn có thể trừ tà. Khi tâm ta, như con ngỗng trắng trong hồ nước, giữ được vô nhiễm với danh lợi thì trong lòng tự nhiên sẽ có niềm vui vô tận.
Ngỗng được xem là con vật rất tỉnh táo và có thính giác bén nhạy nhất trong các loài gia cầm. Chúng dễ dàng phát hiện người lạ xâm nhập vào nhà. Khi phát hiện chúng sẽ dũng cảm dang cánh để tấn công những kẻ “xâm nhập gia cư bất hợp pháp” đó. Ở vào thời buổi mà các chú chó luôn là miếng mồi ngon của các “khuyển tặc” bất lương thì nuôi một vài con ngỗng, nếu có điều kiện, xem ra còn hữu ích hơn cả chó hoặc những dàn camera hiện đại.
Về điểm này thì những con ngỗng của đế chế La Mã đã đi vào văn học rất sớm. Người La Mã thờ nữ thần Juno, và ngỗng được xem là linh vật của nữ thần này. Vào khoảng đầu thế kỷ thứ 4 trước Công nguyên, tộc người Gauls đánh nhau với quân đội La Mã. Trong trận chiến Allia, đoàn quân Gauls đã bí mật đột nhập vào Rome với âm mưu để chiếm thành bằng một đòn tấn công bất ngờ. Những chiến binh Gauls tài giỏi đã dễ dàng vượt được đám lính canh cùng những đàn chó tinh khôn để leo lên đỉnh Capitoline. Tuy nhiên, khi đã gần đạt được mục tiêu, thì bất ngờ họ bị đàn ngỗng thiêng của nữ thần của Juno phát hiện. Chúng lập tức kêu la inh ỏi, đánh động lính gác của Rome và giúp họ kịp thời bảo vệ thành trì. Những chú ngỗng này sau đó đã được người La Mã ca tụng và nhắc đến suốt một thời gian dài về sau như là những vị cứu tinh của dân tộc.
Theo Thiền uyển tập anh và Đại Việt sử ký toàn thư thì vào năm 987, nhà Tống sai Lý Giác sang nước ta, vua cử thiền sư Pháp Thuận đón tiếp. Khi hai người đang chèo thuyền trên sông để thưởng ngoạn cảnh vật, Lý Giác thấy hai con ngỗng trên mặt nước, bèn ngâm:
Nga nga, lưỡng nga nga,
Ngưỡng diện hướng thiên nha.
(Ô kìa đôi ngỗng trời,
Ngưỡng mặt hướng xa khơi).
Sư Pháp Thuận đang cầm chèo, bèn ngâm tiếp:
Bạch mao phô lục thủy,
Hồng trạo bãi thanh ba
(Lông trắng phô nước biếc,
Nước xanh, chèo hồng bơi).
Lý Giác rất phục vì tài ứng khẩu. Thật ra đây chỉ là bài thơ của Lạc Tân Vương (640 - 684) làm năm lên 10 tuổi. Nhưng dù sao cũng có thể xem là giai thoại ngoại giao của nước ta, khi nền văn học Việt Nam còn ở giai đoạn phôi thai.
Ngỗng trong văn học Trung Quốc cũng để lại một giai thoại cực đẹp với Vương Hy Chi. Vương là nhà thư pháp lỗi lạc của Trung Quốc, được hậu thế tôn xưng là Thư thánh. Ông rất thích ngỗng, vì cho rằng nuôi ngỗng không những di dưỡng được tinh thần, mà những tư thế của ngỗng còn giúp ông thể hội thêm đạo lý của thư pháp.
Khi ông đến Thiệu Hưng để nhận chức, một hôm, cùng người em là Vương Hiến Chi thả thuyền dạo chơi, đột nhiên thấy một bầy ngỗng tuyệt đẹp đang bơi lượn đùa giỡn trên sông. Hy Chi say sưa ngắm rồi cho thuyền ghé vào bờ, tìm cách mua bầy ngỗng. Chủ nhân bầy ngỗng là một đạo sĩ già nua, người này biết rằng gặp được Hy Chi là một cơ duyên hy hữu, nên thỉnh cầu ông viết cho một bộ Hoàng Đình kinh để đổi bầy ngỗng. Hoàng Đình kinh là một bộ kinh đạo gia nói về thuật dưỡng sinh. Hy Chi vô cùng vui mừng, bảo đạo sĩ mài mực, rồi ngồi viết ngay. Nhìn những nét chữ như rồng bay phượng múa trên giấy, lão đạo sĩ nhảy nhót vui mừng, còn Vương thì đem cả bầy ngỗng lên thuyền mang về. Câu chuyện này thành một giai thoại lý thú trong văn học Trung Quốc. Giai thoại này khiến ta không thể không nhớ đến cách xin chữ cực kỳ cảm động của viên cai ngục đối với của nhân vật Huấn Cao, trong truyện ngắn Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân.
Có một câu chuyện tiếu lâm về ngỗng. Một anh nọ nuôi được một bầy ngỗng rất đẹp. Anh ta say sưa với bầy ngỗng, cả ngày chăm sóc cẩn thận, ai đến chơi anh ta cũng khoe, nói chuyện ngỗng cả ngày không chán. Bà vợ tức quá, gắt:
- Hồi nào cũng ngỗng. Ngồi ăn cơm cũng ngỗng, đi tắm cũng ngỗng, lên giường cũng ngỗng, tối đi ngủ cũng ngỗng, sáng thức dậy cũng ngỗng. Vừa vừa phải phải thôi chớ. Để tôi yên đi. Suốt ngày cứ ngỗng, vợ nào chịu nổi!
Người nào chỉ nghe câu nói mà không hiểu rõ “ngữ cảnh” thì cũng là nỗi oan khó rửa sạch cho con ngỗng thanh cao!
LIÊU HÂN