Dùng mạng xã hội tích cực

TRẦN QUỐC VƯƠNG 07/12/2018 06:54

Ngày nay, tác động của mạng xã hội đến cuộc sống hiện đại rất lớn, trong đó làm cách nào hạn chế mặt trái của mạng xã hội được nhiều bạn trẻ quan tâm.

Đông đảo ĐVTN tham gia dọn rác tại bãi biển. Ảnh: QUANG LƯU
Đông đảo ĐVTN tham gia dọn rác tại bãi biển. Ảnh: QUANG LƯU

Khi tốt, xấu còn lẫn lộn

Có một thực tế đáng buồn là hiện nay trên mạng xã hội, cái xấu dường như đang có xu hướng hấp dẫn người xem và lấn át những điều tốt đẹp. Những chuyện gây tò mò hoặc liên quan đến bạo lực… được quan tâm và chia sẻ rộng rãi, tràn lan. Hậu quả của việc chia sẻ những thông tin, hình ảnh mà không có sự chắt lọc, kiểm chứng này không thể lường trước được. Tuổi trẻ là giai đoạn dễ bị tác động nhất bởi các yếu tố bên ngoài, trong khi đó các bạn trẻ, thanh niên, thậm chí học sinh THCS lại thường xuyên tiếp xúc với mạng xã hội. Nếu những hình ảnh không tốt, những câu chuyện về bạo lực, hình ảnh phản cảm cứ tràn lan lâu ngày như thế sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến nhận thức, suy nghĩ của các em. Em Võ Thị Tú Trinh, học sinh lớp 11/1, Trường THPT Hồ Nghinh (Duy Xuyên), chia sẻ: “Em thường xuyên sử dụng mạng xã hội. Ngoài tính năng kết nối bạn bè còn dùng để tìm hiểu thông tin. Thời gian gần đây, em thấy những câu chuyện đau lòng về bạo lực trong trường học được chia sẻ nên cảm thấy vô cùng hoang mang”.

Thầy Lý Vũ Bảo Hùng - Bí thư Đoàn trường THPT Hồ Nghinh (Duy Xuyên) bộc bạch: “Quản lý việc sử dụng mạng xã hội là điều không dễ, đặc biệt ở lứa tuổi học sinh nhiều lúc suy nghĩ, nhận thức còn chưa chín chắn. Để phát huy tính tích cực của mạng xã hội và tránh tình trạng chia sẻ tràn lan thông tin, hình ảnh, tôi nghĩ các em nên thay đổi thói quen sử dụng, chắt lọc thông tin và hơn hết là nên tạo thói quen tích cực chia sẻ những điều tốt, việc hay”.

Trong cuộc sống hàng ngày vẫn đang có rất nhiều hình ảnh đẹp, câu chuyện hay lay động lòng người được chia sẻ trên mạng xã hội. Đơn cử: hai học sinh dân tộc Cơ Tu: Coor Vinh Thắng (lớp 3/2) và Bh’nướch Vân (lớp 5/3, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học Chà Vàl, Nam Giang) trên đường đến trường đã nhặt được 1,4 triệu đồng. Sau đó hai em tự giác trình báo cô giáo và mang số tiền này giao cho Đồn Công an Chà Vàl để tìm trả lại cho người đánh rơi. Hay như anh Nguyễn Vũ Quốc Bảo (SN 1995, trú tại xã Tam Phước, huyện Phú Ninh) đã dũng cảm cứu 2 người bị đuối nước tại cống đập Bến Bổi (phường Tân Thạnh, TP.Tam Kỳ); anh Lê Quang Lưu (Trung tâm Dạy nghề thanh niên Quảng Nam) với 15 lần hiến máu cứu người; hơn 500 bạn đoàn viên thanh niên tham gia dọn dẹp vệ sinh môi trường tại khu vực biển Bãi Nồm, thôn Thuận An, xã đảo Tam Hải... cũng đã nhận được sự quan tâm theo dõi chia sẻ, bình luận của đông đảo bạn trẻ.

Lan tỏa điều ý nghĩa

“Mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp” là cuộc phát động của Trung ương Đoàn đối với việc sử dụng mạng xã hội hiện nay của các bạn trẻ. Qua đó tạo kênh thông tin tuyên truyền, giáo dục đạo đức, định hướng lối sống của các bạn bằng những gương người tốt việc tốt, hình ảnh đẹp trong cuộc sống. Hiện tại, các cơ sở Đoàn trực thuộc Tỉnh đoàn đa số có trang facebook và fanpage, thu hút đông đảo lượt bạn đọc ở khắp nơi, huyện đoàn, thành đoàn và tỉnh đoàn trong cả nước kết bạn.

Anh Võ Thanh Cung - Bí thư Thành đoàn Tam Kỳ, cho biết: “Thành đoàn, Hội đồng Đội thành phố đã thành lập một fanpage, facebook riêng. Nhiều thông tin hoạt động hướng đến cộng đồng xã hội, những hình ảnh tuyên truyền về truyền thống, lịch sử được Thành đoàn, Hội đồng Đội đăng tải thường xuyên… Ngoài ra, chúng tôi còn kêu gọi các bạn đoàn viên thanh niên tìm hiểu, viết, sưu tầm câu chuyện hay, tấm gương về người tốt việc tốt để làm phong phú thêm cho trang. Hy vọng rằng điều tích cực ấy sẽ được các bạn đoàn viên thanh niên quan tâm nhiều và chia sẻ rộng rãi hơn nữa để điều tốt được nhiều người biết đến”. Tại một số trường THPT hiện nay, để khuyến khích học sinh sử dụng mạng xã hội một cách hiệu quả, hạn chế tối đa những thông tin tiêu cực, đoàn trường đã thành lập các nhóm gắn với từng hoạt động ý nghĩa. Các hoạt động trao nhà cho học sinh nghèo, thăm trung tâm bảo trợ xã hội được lưu giữ trên trang riêng để học sinh toàn trường có thể xem. “Đây vừa là hình thức giáo dục đạo đức, lối sống, tình yêu thương cho học sinh, vừa là cách để lan tỏa những điều tốt đẹp trong cuộc sống” - Bí thư Đoàn trường THPT Hồ Nghinh, thầy Lý Vũ Bảo Hùng chia sẻ.

Dẫu biết rằng những cái xấu, không hay là điều đáng lên án trong xã hội để mọi người tránh xa. Thế nhưng, thay vì để cái xấu lan truyền rộng rãi, mỗi bạn đoàn viên thanh niên nên sử dụng mạng xã hội theo hướng tích cực. Vậy nên, mọi người cần góp nhặt, chia sẻ những hình ảnh tốt đẹp xung quanh cuộc sống, để cuộc vận động “Mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp” ngày càng lan tỏa. Đó cũng là mục tiêu mà Trung ương Đoàn đang hướng tới.

TRẦN QUỐC VƯƠNG

TRẦN QUỐC VƯƠNG