Nghề... rừng
Tôi vừa đón một người quen từ Đăk Lăk về thăm quê. Nơi anh sống là huyện biên giới giáp với Campuchia, mùa này nắng nóng như đổ lửa. Anh nói mình làm “nghề rừng” nhưng đang thất nghiệp nên chuyến này về quê lâu dài.
Nghề rừng, anh diễn tả theo công việc cụ thể của mình là sắm một con trâu, ban ngày ngủ vùi, đợi đêm xuống đánh trâu vào rừng kiếm một hai khúc gỗ kéo ra, đã có đầu nậu chờ sẵn, mua bán trong chớp nhoáng kiếm vài ba trăm nghìn đồng rồi đánh trâu về, lại ngủ vùi và đợi đêm xuống... Trước đây ở cái xóm kinh tế mới của anh, rất nhiều người làm nghề rừng kiểu như vậy. Lúc rừng còn nhiều và nhu cầu lấy gỗ thương phẩm, làm cọc tiêu... tăng cao thì thu nhập khấm khá. Nay chủ trương đóng cửa rừng được thực hiện nghiêm ngặt hơn, và thực chất thì rừng không còn nhiều nên công việc của anh gặp khó khăn.
Nhiều lần vào thăm huyện biên giới này, tôi được gặp mặt những đồng hương làm nghề rừng. Cách đây hơn 10 năm, nơi đây rừng là rừng. Con đường từ Buôn Ma Thuột về huyện gần 70km, rẽ lối trong những cánh rừng bạt ngàn; ngang qua một khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia. Ký ức của tôi vẫn còn đó những đêm thổn thức, lắng nghe thanh âm cồng chiêng trong lễ bỏ mả của người Ê Đê vọng ra ám ảnh từ rừng. Trong câu chuyện với đồng hương lúc ấy, nhiều người làm nghề rừng nói về công việc của mình nhẹ nhàng như thể họ đang làm nghề biển ở quê trước đây. Và cùng với người Quảng, vùng biên giới Tây Nguyên nơi tôi từng đến, thời gian qua đã chứng kiến những cuộc di dân tự do ào ạt của những cộng đồng dân cư từ các tỉnh miền núi phía Bắc. Công cuộc di dân theo kiểu “nhảy dù” này đã biến nhiều khu rừng thành nương rẫy, làng mạc. Và kế mưu sinh trước mắt của họ, vẫn được ưu tiên lựa chọn là... nghề rừng.
Theo Ban Chỉ đạo Tây Nguyên (đã giải thể), tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp ở Tây Nguyên hiện có 3.326.647ha, trong đó diện tích có rừng là 2.558.646ha. Toàn bộ diện tích này đã được giao cho các tổ chức, cá nhân quản lý sử dụng. Thế nhưng, dù được giao quản lý sử dụng, nhưng toàn Tây Nguyên bị mất tổng cộng đến 487.096ha rừng trong vòng 15 năm qua. Tại Quảng Nam, chưa có thống kê về tổng diện tích rừng bị xóa sổ trong một mốc thời gian nào, nhưng tình trạng khai thác gỗ trái phép vẫn diễn ra âm ỉ. Dù nghề nuôi trâu kéo gỗ một thời ở các huyện miền núi nay không còn nhưng kiểu “đục khoét” rừng thì vẫn diễn ra. Mới đây Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy điện Sông Tranh 3 còn cất giấu nhiều mét khối gỗ không rõ nguồn gốc ở nhà máy và cho biết số gỗ đó là do mình vớt được. Chuyện này sẽ được tiếp tục điều tra và có kết luận cuối cùng nhưng dù gì dư luận vẫn không thể tin vào sự hồn nhiên của những người đang giữ gỗ trái phép bởi pháp luật về rừng giờ đây đã quá phổ biến, và khi gỗ không rõ nguồn gốc được xem là hàng cấm. Kể cả, nếu anh vớt gỗ và thành thạo với nghề này thì phải được cấp phép, chứ không đơn giản như nhiều kiểu vớt vát khác.
Thủy điện cũng được ví là một kiểu “di dân có kế hoạch” về những vùng đầu nguồn, sẽ gây nguy cơ mất rừng, nay nếu thêm kiểu “nghề rừng” phiên bản mới thì thật là đáng lo!
C.B.L