Liên kết giữ rừng
Nhằm đảm bảo an toàn cho các cánh rừng khu vực giáp ranh, chính quyền hai huyện Nam Giang và Tây Giang đã tổ chức kết nghĩa giữa các cộng đồng cùng góp sức bảo vệ rừng nguyên sinh quý hiếm.
Nhiều cánh rừng khu vực giáp ranh giữa huyện Nam Giang - Tây Giang luôn được đồng bào Cơ Tu và lực lượng chức năng bảo vệ nghiêm ngặt. TRONG ẢNH: Lực lượng kiểm lâm tuần tra rừng lim địa phận Zuôih - Lăng. Ảnh: ĐĂNG NGUYÊN |
Từ bao đời nay, nhiều cánh rừng nguyên sinh thuộc địa phận giáp ranh hai huyện Nam Giang và Tây Giang luôn được người dân địa phương bảo vệ nghiêm ngặt, xem đây như một di sản chung của cộng đồng. Những đợt kết nghĩa giữa các thôn, xã giáp ranh luôn diễn ra thời gian qua, đã tạo nên mối tình đoàn kết, cùng góp tiếng nói chung bảo vệ làng bản, bảo vệ khu vực biên giới bình yên, no ấm.
Giữ "di sản" cộng đồng
Già làng Bh'ling Hạnh, ở thôn Công Dồn (xã Zuôih, huyện Nam Giang) cho biết, xuất phát từ tình cảm giữa đồng bào Cơ Tu ở hai địa phương, nhiều năm qua, chính quyền và nhân dân khu vực giáp ranh của xã Zuôih và Lăng (Tây Giang) vẫn giữ thói quen bảo vệ chung rừng nguyên sinh nơi đầu nguồn. Không ai xâm lấn đất đai, phá hoại nguồn nước, họ chung sống như người một làng, cùng sẻ chia, đùm bọc lẫn nhau trong cuộc sống. "Nhiều hộ dân ở hai địa phương, bây giờ trở thành sui gia của nhau. Vì thế, ngoài tinh thần đoàn kết vững chắc, chúng tôi còn cùng nhau ra sức bảo vệ rừng đầu nguồn, không để rừng già khu vực giáp ranh bị xâm hại" - già Hạnh cho biết thêm.
Những năm qua, tại khu vực giáp ranh giữa xã Zuôih và Lăng - nơi có hàng nghìn héc ta rừng lim quý hiếm còn sót lại, cùng với công tác tăng cường quản lý, bảo vệ từ lực lượng chức năng, sự vào cuộc của cộng đồng miền núi cũng đã góp phần không nhỏ trong việc gìn giữ gần như nguyên vẹn cánh rừng này. Bên cạnh chấp hành nghiêm quy ước của làng, đồng bào Cơ Tu ở vùng giáp ranh còn giúp lực lượng chức năng làm tốt vai trò giám sát, kịp thời báo cáo khi nhận thấy cánh rừng đầu nguồn có nguy cơ bị đe dọa từ phía bên ngoài. Một vài vụ xâm hại rừng được phát hiện và kịp thời ngăn chặn trong thời gian qua cũng nhờ tin báo từ đồng bào địa phương sau chuyến tuần tra của cộng đồng. Nói như bà Phạm Thị Như - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Giang, thì "cộng đồng miền núi chính là tai mắt của lực lượng chức năng trong việc giám sát, quản lý và bảo vệ rừng nguyên sinh trên địa bàn, thông qua vai trò của cộng đồng làng bản, các già làng và người có uy tín".
Phát huy tinh thần đoàn kết
Đồng bào Cơ Tu luôn có truyền thống giữ rừng trong cộng đồng, thông qua các hương ước, quy ước tộc họ, làng bản. Ở nhiều vùng giáp ranh, người dân còn tổ chức các cuộc kết nghĩa giữa cộng đồng làng, thậm chí giữa các xã với nhau, cùng chung tay gìn giữ, bảo vệ cánh rừng già. Phát huy tinh thần đoàn kết cộng đồng, những năm qua, chính quyền các địa phương miền núi đã tổ chức nhiều cuộc kết nghĩa với nhau, tạo nên quy chế phối hợp trong công tác quản lý, bảo vệ rừng một cách có hiệu quả. Mới đây nhất, từ điều kiện thực tế giữa hai địa phương, chính quyền Nam Giang và Tây Giang tổ chức ký kết nghĩa giữa xã Zuôih và Lăng, nhằm khắc phục những hạn chế, thiếu sót trong việc phối hợp giữ rừng giữa các cộng đồng vùng giáp ranh thời gian qua. Đồng thời đi đến sự thống nhất về xây dựng quy chế phối hợp trong công tác quản lý bảo vệ rừng, quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản và an ninh trật tự khu vực giáp ranh.
Ông Bh'ling Phát - Trưởng thôn Pơr’ning (xã Lăng) cho hay, qua xác định, khu vực rừng giáp ranh giữa xã Lăng và Zuôih có chiều dài gần 50km, địa hình hiểm trở. Đây là vùng có thảm động - thực vật đa dạng và phong phú, với nhiều loại gỗ quý hiếm như lim, pơmu, giổi... và các loại động vật hoang dã khác. Vì thế, ông Phát nói, việc ký kết giữa hai địa phương có ý nghĩa quan trọng trong giao lưu, phát triển kinh tế cũng như bảo vệ rừng giáp ranh giữa cộng đồng hai bên. Theo đó, ngoài gắn chặt tình đoàn kết, không để xảy ra tình trạng tranh giành, xâm lấn đất đai, lâm phận của nhau, việc kết nghĩa còn giúp đồng bào làm tốt việc quản lý, kiểm soát và trao đổi thông tin, từ đó kịp thời phát hiện dấu hiệu vi phạm và tố giác với cơ quan chức năng. "Đây cũng là cơ hội để nhân dân các địa phương cùng nhau bảo vệ đất, bảo vệ rừng, bảo vệ tài nguyên khoáng sản một cách có hiệu quả" - ông Phát chia sẻ.
Theo ông Bh'ling Mia - Chủ tịch UBND huyện Tây Giang, nhiệm vụ giữ rừng không chỉ riêng của lực lượng kiểm lâm, mà là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị, trong đó có cộng đồng miền núi. Vì thế, việc khai thác, bảo vệ và phát triển rừng cần phải có lộ trình, quy hoạch nằm trong chiến lược lâu dài, bền vững. "Ngoài việc giữ rừng, các địa phương cũng cần tăng cường công tác bảo vệ động vật hoang dã, giữ môi trường sinh thái tự nhiên” - ông Mia nhấn mạnh.
ĐĂNG NGUYÊN