Lo lắng chỉ tiêu giảm nghèo
Chỉ tiêu giảm nghèo năm 2019 được giao tại Nghị quyết số 14 ngày 3.12.2018 của Tỉnh ủy là 5.000 hộ. Chỉ tiêu này được đại biểu HĐND cũng như các địa phương rất quan tâm tại Kỳ họp thứ 9 HĐND tỉnh.
Một số đại biểu HĐND tỉnh và các địa phương cho rằng chỉ tiêu giảm nghèo năm 2019 giao cao nên sẽ khó đạt. Ảnh: D.L |
Mục tiêu giảm 5.065 hộ nghèo
Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Huỳnh Tấn Triều cho biết, tổng số hộ nghèo của tỉnh đến nay còn 31.715 hộ (tỷ lệ 7,63%). Qua phân tích nguyên nhân và thực trạng từ kết quả rà soát hộ nghèo, có 8.423 hộ thuộc diện chính sách bảo trợ xã hội không thể tác động giảm nghèo. Trong số còn lại, trên cơ sở nghị quyết của Tỉnh ủy đặt ra là giảm 5.000 hộ, Sở LĐ-TB&XH tỉnh đề xuất chỉ tiêu giảm 5.065 hộ nghèo trong năm 2019 và xây dựng kế hoạch giao chỉ tiêu cụ thể cho từng địa phương. Tuy nhiên, ông Triều cho rằng, thực hiện đạt chỉ tiêu này là hết sức khó khăn. Theo phân tích của ông Triều, quy mô hộ nghèo hiện nay đã nhỏ hơn so với năm 2018, số hộ nghèo khu vực đồng bằng đã giảm cận đáy, nên số hộ giảm năm 2019 sẽ không được nhiều. Hộ nghèo còn lại chủ yếu ở huyện miền núi cao, nhưng khu vực này điều kiện hết sức khó khăn nên không dễ để giảm nghèo.
Làm lúa nước ở vùng cao. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC |
Cụ thể, khu vực 9 huyện đồng bằng hiện còn 10.790 hộ nghèo, trong đó có đến 6.327 hộ nghèo thuộc chính sách bảo trợ xã hội là không có khả năng thoát nghèo. Đối chiếu với kết quả giảm nghèo năm 2018, Sở LĐ-TB&XH đề xuất khu vực đồng bằng cần giảm 1.404 hộ nghèo trong năm 2019. Khu vực 3 huyện miền núi thấp, hiện còn 3.999 hộ nghèo, trong đó có 1.668 hộ nghèo thuộc chính sách bảo trợ xã hội, nên số tác động thoát nghèo có thể thực hiện là 2.331 hộ. Khu vực này được đề xuất mức giảm nghèo năm 2019 là 630 hộ. Khó khăn nhất nằm ở khu vực 6 huyện miền núi cao của tỉnh, hiện còn đến 16.898 hộ nghèo (chỉ có 518 hộ nghèo thuộc chính sách bảo trợ xã hội). Vì thế nhóm này số hộ nghèo cần phải giảm trong năm 2019 là 3.031 hộ, một con số quá cao mà các huyện miền núi đều hết sức lo lắng sẽ không đạt được chỉ tiêu.
Nhiều băn khoăn
Căn cứ Nghị quyết số 14 của Tỉnh ủy về phương hướng nhiệm vụ năm 2019 và kết quả giảm nghèo năm 2018 của các địa phương, Sở LĐ-TB&XH đề xuất kế hoạch giao chỉ tiêu giảm nghèo năm 2019 cho các địa phương như sau: Khu vực đồng bằng gồm 9 huyện, giao chỉ tiêu giảm 1.404 hộ nghèo, trong đó Hội An không giao chỉ tiêu vì thành phố hiện nay chỉ còn 50 hộ nghèo diện chính sách xã hội (tỷ lệ 0,23%); Tam Kỳ 24 hộ, Đại Lộc 350 hộ, Điện Bàn 100 hộ, Duy Xuyên 200 hộ, Thăng Bình 250 hộ, Quế Sơn 250 hộ, Núi Thành 200 hộ, Phú Ninh 30 hộ. Khu vực 3 huyện miền núi thấp đề xuất giảm 630 hộ nghèo, trong đó Hiệp Đức 261 hộ, Tiên Phước 202 hộ, Nông Sơn 167 hộ. Khu vực 6 huyện miền núi cao đề xuất giảm 3.031 hộ nghèo, gồm Tây Giang 344 hộ, Phước Sơn 453 hộ, Nam Trà My 501 hộ, Bắc Trà My 767 hộ, Đông Giang 485 hộ, Nam Giang 481 hộ. |
Đại biểu Nguyễn Thị Thùy Dung (Bắc Trà My) cho rằng, căn cứ vào thực trạng hộ nghèo còn lại của năm 2018 có khả năng thoát nghèo năm 2019, huyện cũng đã đề ra mục tiêu giảm nghèo cụ thể. Bà Dung cho biết: “Huyện cố gắng lắm cũng chỉ giảm được 500 hộ nghèo chứ không thể hơn được. Tỉnh ủy, HĐND tỉnh đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ phát triển miền núi trong thời gian tới, nhưng để chính sách đi vào cuộc sống cần khoảng thời gian dài. Như vậy, sẽ chưa thể tác động giảm nghèo giảm nghèo ngay trong năm tới. Chỉ tiêu 767 hộ thoát nghèo năm 2019, Bắc Trà My không thể đạt được. Đến cuối năm sau, tôi dám chắc huyện sẽ không đạt chỉ tiêu dù có cố gắng hết sức, bản thân tôi chắc sẽ phải nhận kiểm điểm”.
Đại biểu Chơ Rum Nhiên (huyện Nam Giang) cũng cho rằng, huyện không thể đạt được chỉ tiêu giảm nghèo năm 2019. Chỉ tiêu giao cho Nam Giang giảm 481 hộ nghèo sẽ là áp lực rất lớn đối với huyện. Ông Nhiên đề nghị, khi giao chỉ tiêu giảm nghèo phải căn cứ trên tình hình thực tế tại địa phương, nhất là các huyện miền núi điều kiện kinh tế - xã hội đều hết sức khó khăn, người dân có ý thức chưa cao, trình độ thấp, không biết cách làm ăn để thoát nghèo. Dù huyện rất cố gắng nhưng năm 2018 số hộ nghèo phát sinh nhiều, khiến tỷ lệ hộ nghèo giảm thấp. Năm 2019 giao chỉ tiêu cao thì Nam Giang khó đạt được.
Còn đại biểu Đỗ Tài (huyện Đông Giang) cho rằng khi Tỉnh ủy đã đề ra nghị quyết thì các địa phương phải thực hiện, quan trọng là giải pháp thực hiện thế nào để đạt được chỉ tiêu. Nỗi lo của các huyện miền núi đều như nhau, do người dân phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số, khó tác động giảm nghèo theo nhiều hướng. Lâu nay tỉnh đã có chính sách vận động bà con đi học nghề, đi làm để có thu nhập thì mới thoát nghèo được, nhưng với đồng bào, điều này cũng khó khi họ không chịu đi xa nhà. Việc kêu gọi doanh nghiệp đầu tư lên miền núi cũng rất khó khi chính sách ưu đãi còn hạn chế, đi lại khó khăn trong vận chuyển hàng hóa nên doanh nghiệp cũng không mặn mà. Và định hướng mà miền núi hướng đến là nên hỗ trợ người dân phát triển sinh kế dưới tán rừng, nhận chăm sóc bảo vệ rừng, từ đó có thu nhập ổn định mới thoát nghèo được.
Phải quyết liệt giảm nghèo Phát biểu tại ngày làm việc thứ 3 của Kỳ họp thứ 9 HĐND tỉnh, hôm qua 6.12, liên quan đến chỉ tiêu giảm nghèo, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu cho rằng, dù còn nhiều khó khăn nhưng toàn tỉnh phải đặt quyết tâm giảm nghèo với giải pháp thực hiện phù hợp. Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu cũng đặt ra 2 phương án. Phương án đầu tiên, điều chỉnh tăng số hộ nghèo cần giảm ở khu vực đồng bằng, giảm bớt cho các huyện miền núi. Phương án thứ hai, nếu các huyện đồng bằng không thể giảm được nữa thì xét hạ chỉ tiêu xuống mức 4.500 hộ nghèo phải giảm trong năm 2019. Phương án thứ 2 cũng là ý kiến của nhiều đại biểu. Tuy nhiên, Chủ tịch UBND tỉnh phân tích, miền núi tuy còn khó khăn, nhưng trong năm 2019 sẽ có 3.000 lao động khu vực này cải thiện được thu nhập từ nghị quyết của HĐND tỉnh đối với Đề án quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh. Theo đề án, bình quân một lao động sẽ có thu nhập 4,4 triệu đồng/tháng, đây là một giải pháp hữu hiệu đối với miền núi trong giảm nghèo. Về vấn đề này, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang đồng ý với phương án thứ nhất mà Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu đưa ra là cần tăng số hộ phải giảm nghèo ở khu vực đồng bằng. Đối với các huyện miền núi, Sở LĐ-TB&XH phối hợp với các huyện nghiên cứu chỉ tiêu giảm nghèo phù hợp nhất, quyết tâm phải giảm nhiều hơn năm 2018, hoặc dù có khó khăn thế nào cũng phải bằng năm 2018. Căn cứ điều kiện thực tế của từng địa phương, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu Sở LĐ-TB&XH xây dựng kế hoạch giao chỉ tiêu phù hợp. Đồng thời nhấn mạnh, dù thay đổi thế nào cũng phải đạt được chỉ tiêu mà Tỉnh ủy đã đề ra trong Nghị quyết số 14 về phương hướng, nhiệm vụ năm 2019. “Đề nghị các địa phương phải cùng vào cuộc giảm nghèo với người dân, giúp đỡ người dân còn sức lao động có việc làm, có thu nhập. Tỉnh đã có nhiều nghị quyết và kỳ họp lần này, HĐND tỉnh tiếp tục có nhiều nghị quyết tác động mạnh đến giảm nghèo ở miền núi, nên các huyện miền núi phải quyết tâm và thực hiện có hiệu quả mục tiêu mà các nghị quyết đề ra” - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang nói.(D.LỆ) |
DIỄM LỆ