Lại nói về "văn hóa giao thông"

C.B.L 05/12/2018 01:34

Báo chí ngày nào cũng đưa tin về tai nạn giao thông, về kẹt xe, về ùn tắc trên các trục lộ. Câu chuyện này là nỗi bức xúc hàng đầu của người dân ở các đô thị trên cả nước và cả ở các vùng nông thôn. Tôi nhận được các loại tin nhắn, email mỗi ngày của bạn bè, bạn đọc và cả những bình luận trên các trang facebook: “Ngoài hạ tầng đường sá còn thiếu, “lô cốt” dày đặc..., nguyên nhân chính dẫn đến kẹt xe ngày càng trầm trọng là ý thức chấp hành luật, cách ứng xử... của người tham gia giao thông”; “Điều đáng nói, hầu như ai cũng biết điều này, nhưng lại có rất ít người nhìn nhận để thay đổi!”.

Va quệt xe là chuyện thường ngày ở các đô thị đông đúc. Thay vì một lời xin lỗi nhẹ nhàng, kềm chế và bỏ qua cho nhau, thì có những người hành xử thô bạo, thậm chí còn ẩu đả, đập phá phương tiện, gây thương tích, án mạng trên đường... Quan sát kỹ các video clip bạn bè đưa trên mạng xã hội lại thấy rằng những va quệt đó còn có nguyên nhân sâu xa liên quan đến lối sống hiện nay: Người ta thiếu sự nhường nhịn lẫn nhau khi đi đường. Ai cũng muốn vượt lên phía trước, thậm chí băng lên lề, đẩy xe vượt qua con lươn phân cách… Còn khá nhiều chuyện bi hài hơn nữa đã và đang xảy ra trên các tuyến giao thông, từng ngày từng giờ và ở khắp mọi nơi. Ví dụ, đang đi trên đường bị một thau nước rửa chén bát từ lề đường tạt vào mặt. Nhiều nam thanh nữ tú ăn diện đẹp, dùng xe xịn mà vẫn ngang nhiên chạy ngược chiều hoặc bất ngờ quay xe ngay chỗ có bảng cấm. Đang đi xe máy trên đường vẫn bị “dính” ngay một miếng “khạc” từ cửa xe ô tô sang trọng vừa qua mặt... Tất cả hiện tượng (đang dần thành phổ biến) đó đều là những hành vi phản lại nếp sống có văn hóa trong giao thông ở các đô thị và cả các vùng phụ cận hiện nay và sẽ nói mãi vẫn không hết nếu không biến sự phản ứng với chúng thành một hành vi mang tính cộng đồng với sự hỗ trợ của luật pháp. Bởi khi đọc lại những quy định của Luật Giao thông đường bộ, chúng ta dễ thấy tất cả những hành vi vi phạm nêu trên đều đã được nghiêm cấm. Nhưng tại sao chúng vẫn tồn tại và trở thành một thứ bệnh nan y như vậy? Câu trả lời là đừng chờ đợi ở ý thức chấp hành luật một cách đơn thuần mà cần có việc thực thi pháp luật một cách phân minh, nghiêm khắc. Tuy nhiên, trong khi xã hội đang kỳ vọng vào sự nghiêm minh của lực lượng kiểm soát giao thông, thì không phải tất cả đều thật sự mẫn cán, tận tụy, một số người thậm chí còn quay lưng với công việc...

Xưa, người đề xướng phái Pháp gia là Hàn Phi Tử từng nói, khi cái tính thiện trong con người không còn là bản chất thì cần có pháp luật để điều chỉnh. Ý thức có văn hóa khi tham gia giao thông ngày nay không thể là “tính thiện” hay “tính tự giác” nữa trong những đô thị lớn và trong những con người chỉ có lẽ sống thực dụng theo kiểu “tự cứu mình trước khi trời cứu” thì luật pháp nghiêm minh là biện pháp hữu hiệu nhất vậy. Cho nên, để không còn những cảnh bi hài trong việc đi lại nơi công cộng, theo tôi, chỉ mong chờ vào sự mạnh tay của những người thi hành công vụ!

C.B.L

C.B.L