Hơn 40% nhà máy nhiệt điện toàn cầu đang thua lỗ

NAM VIỆT 04/12/2018 09:42

(QNO) - Các nhà máy nhiệt điện chạy bằng than trên toàn cầu đang đối mặt khó khăn, 42% trong tổng số nhà máy này đang hoạt động thua lỗ.

Nhiều nhà máy trên thế giới đóng cửa do chi phí đầu vào cao hay do chính phủ cắt trợ cấp. Ảnh: Gettty
Nhiều nhà máy trên thế giới đóng cửa do chi phí đầu vào cao hay do chính phủ cắt trợ cấp. Ảnh: Gettty

Tổ chức tư vấn Carbon Tracker có trụ sở tại London (Anh) phân tích, chi phí đầu vào cao đã đẩy gần một nửa các nhà máy điện than của thế giới đang hoạt động thua lỗ. Nguyên nhân là do các quy định về định giá khí thải các-bon và ô nhiễm không khí nghiêm ngặt hơn. Trong khi đó, từ năm 2019 trở đi, chi phí năng lượng tái tạo sẽ giảm.

Vào cuối tháng 9 vừa qua, nhà máy nhiệt điện than Eggborough ở hạt North Yorkshire (Anh) buộc phải đóng cửa vì không còn tính khả thi kinh tế khi do Chính phủ nước này cắt trợ cấp. Đây là một trong hàng loạt các nhà máy tương tự trên thế giới ngừng hoạt động do thua lỗ, trong khi các chuyên gia về khí hậu lên tiếng cảnh báo thực trạng gây ô nhiễm môi trường từ các nhà máy nhiệt điện than.

Carbon Tracker đã phân tích lợi nhuận của 6.685 nhà máy nhiệt điện than trên thế giới, chiếm 95% tổng công suất từ các nhà máy nhiệt điện hiện nay. Kết quả cho thấy khi giá nhiên liệu hóa thạch tăng cao thì 42% các nhà máy nhiệt hiện nay tham hoạt động không có lãi. Thậm chí, số thua lỗ này dự kiến sẽ tăng vọt trong những năm tới.

Theo các báo cáo của Carbon Tracker, Trung Quốc - nước sản xuất nhiệt điện than lớn nhất đồng thời là nhà xả khí thải gây hiệu ứng nhà kính lớn nhất thế giới hiện nay, có thể tiết kiệm được gần 400 tỷ USD nếu dừng các nhà máy đang thua lỗ.

Tương tự, Mỹ - quốc gia có lượng khí thải nhiều sau Trung Quốc không rút khỏi thỏa thuận về biến đổi khí hậu Paris được Liên hiệp quốc thông qua vào cuối năm 2015 và vẫn thực thi các cam kết đóng cửa nhà máy nhiệt điện theo thỏa thuận khí hậu Paris, nước này tiết kiệm được 78 tỷ USD.

Theo Reuters, ở các nền kinh tế đang phụ thuộc chính vào nhiệt điện, giải pháp là phải chọn lựa giữa đóng cửa các nhà máy, hoặc trợ giá nguyên liệu than đầu vào, hoặc tăng giá điện để bù lỗ chi phí hoạt động. 

Thống kê của Tập đoàn Dầu khí BP cho thấy, than đóng góp 38% tổng sản lượng điện toàn cầu trong năm 2017. Bất chấp các lo ngại về tình trạng ô nhiễm môi trường do các nhà máy nhiệt điện than gây ra, nhiều nước ở châu Á và châu Phi vẫn đang dựa vào than để nâng cao sản lượng điện nhờ chi phí còn rẻ.

Báo cáo của Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu Liên hiệp quốc mới đây khuyến cáo, thế giới chỉ còn12 năm nữa để kìm giữ quá trình biến đổi khí hậu. Nhưng để đạt được mục tiêu đó, chúng ta phải thay đổi về mọi mặt ngay từ bây giờ. Trong đó bắt buộc 85% điện năng toàn thế giới phải đến từ nhiên liệu tái tạo (mặt trời, gió...) tính đến năm 2050, than đá giảm xuống cận mức 0…

Đại diện gần 195 quốc gia đang nhóm họp tại TP.Katowice, Ba Lan - một trong những khu vực khai thác than bị ô nhiễm nhiều nhất tại châu Âu, để tìm tiếng nói chung trong việc ngăn chặn sự nóng lên của nhiệt độ trái đất.

Sáng kiến Carbon Tracker là một nhóm các chuyên gia kinh tế hoạt động phi lợi nhuận nhằm khuyến khích thị trường năng lượng bền vững toàn cầu thích ứng với biến đổi khí hậu.

NAM VIỆT

NAM VIỆT