Cần quyết liệt kiểm soát, chống thất thu trong hoạt động khai thác khoáng sản
Tin liên quan
|
(QNO) - Đó là một trong nhiều nội dung kiến nghị UBND tỉnh được ông Nguyễn Đức - Trưởng ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh nêu ra khi báo cáo thẩm tra về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2018.
Sáng nay 4.12, các đại biểu HĐND tỉnh nghe đại diện UBND tỉnh và các ban HĐND tỉnh báo cáo các nội dung theo chương trình kỳ họp. Ảnh: N.Đ |
Năm 2018 tiếp tục triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả; nhất là trong quản lý, điều hành, sử dụng ngân sách, UBND tỉnh đã chủ động triển khai quyết liệt các biện pháp chống thất thu, thu hồi nợ đọng thuế. Nhờ đó, đã tiết kiệm cho ngân sách nhà nước hơn 510 tỷ đồng và thu hồi hơn 5,25 triệu mét vuông đất.
Đánh giá về những kết quả đạt được trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2018 của UBND tỉnh, ông Nguyễn Đức - Trưởng ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh cũng nhìn nhận, tình trạng lãng phí, chưa tiết kiệm vẫn còn tồn tại trên một số lĩnh vực với mức độ khác nhau. Theo đó, ông Nguyễn Đức đề nghị UBND tỉnh tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt các giải pháp kiểm soát, chống thất thu trong hoạt động khai thác khoáng sản; tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, quản lý tài nguyên khoáng sản.
Đồng thời, tập trung chỉ đạo các ngành phối hợp khi lựa chọn nhà đầu tư, vận động các doanh nghiệp thành lập pháp nhân trên địa bàn tỉnh; chỉ đạo các địa phương tạo quỹ đất sạch, đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất đúng quy định của pháp luật hiện hành. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với các dự án đầu tư, công tác đấu thầu dự án; kiên quyết xử lý nghiêm, làm rõ trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân vi phạm gây thất thoát ngân sách nhà nước; tăng cường kỷ cương, kỷ luật ngân sách.
Ông Nguyễn Đức cho rằng, công tác quản lý tài nguyên khoáng sản vẫn còn bất cập, tình trạng khai thác cát lòng sông, mua bán, vận chuyển gỗ trái phép, gây lãng phí nguồn tài nguyên thiên nhiên vẫn còn diễn ra. Nguy cơ gây thất thoát ngân sách từ khai thác tài nguyên khoáng sản là không nhỏ. Trong khi đó, nguồn thu từ hoạt động kinh doanh bất động sản, các dự án nhà ở thương mại chưa khai thác triệt để, nhất là đối với các nhà đầu tư ngoài tỉnh không thành lập doanh nghiệp hoặc chi nhánh kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Trong quản lý đầu tư, theo ông Đức vẫn còn xảy ra tình trạng lập dự toán sai định mức, tiêu chuẩn, thanh quyết toán vượt khối lượng so với thực tế thi công, kéo dài quyết toán các dự án. Có trường hợp chủ đầu tư tự ý điều chỉnh dự toán, thiết kế làm tăng tổng mức đầu tư nhưng chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt; tình trạng chia lẻ gói thầu để chỉ định thầu vẫn còn xảy ra.
Bên cạnh đó, một số dự án đã giao vốn nhưng chậm triển khai thực hiện, số chuyển nguồn hàng năm tương đối lớn, chưa phát huy hiệu quả sử dụng vốn ngân sách; số dư tạm ứng quá hạn không có khả năng thu hồi còn cao, nhưng chưa xử lý dứt điểm. Tình trạng chồng lấn quy hoạch nên một số công trình đầu tư xong phải phá bỏ, một số công trình buộc phải dừng kỹ thuật, không phát huy hiệu quả, gây lãng phí nguồn vốn đầu tư. Trong quản lý chi thường xuyên, mặc dù UBND tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp tiết kiệm, nhưng vẫn còn xảy ra các vi phạm trong chấp hành kỷ luật, kỷ cương tài chính, tiêu chuẩn, chế độ, định mức...
N.Đ