Thanh - Quảng hợp tác cùng phát triển
Đưa hoạt động hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa hai tỉnh ngày càng thiết thực và sâu rộng trên nhiều lĩnh vực nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh mỗi bên - đó là quyết tâm chung của lãnh đạo Quảng Nam và Thanh Hóa, hai địa phương sắp chạm mốc dấu ấn 60 năm kết nghĩa.
Tuần qua, đoàn đại biểu lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa có chuyến thăm, làm việc tại Quảng Nam và tặng phiên bản trống đồng Đông Sơn. Ảnh: N.Đ |
Hỗ trợ cùng phát triển
Đầu tháng 3.2018, đoàn công tác tỉnh Thanh Hóa do bà Lê Thị Thìn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh dẫn đầu có chuyến khảo sát, học tập kinh nghiệm quản lý, phát triển du lịch cộng đồng, du lịch di sản tại Quảng Nam. Trong dịp này, bà Lê Thị Thìn cùng Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - Lê Văn Thanh đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giữa hai tỉnh về phát triển du lịch. Đây là một trong nhiều hoạt động nhằm cụ thể hóa các nội dung hợp tác mà lãnh đạo hai tỉnh Quảng Nam - Thanh Hóa đã thống nhất nhằm hỗ trợ, giúp đỡ nhau trong phát triển kinh tế - xã hội trên những lĩnh vực mà hai bên có tiềm năng, thế mạnh. Qua đó, góp phần vun đắp mối quan hệ kết nghĩa Quảng Nam - Thanh Hóa ngày càng sâu nặng.
Ở cấp huyện, các địa phương kết nghĩa của hai tỉnh thường xuyên có các hoạt động thăm hỏi, trao đổi, học tập kinh nghiệm; chia sẻ, hỗ trợ trong công tác khắc phục hậu quả thiên tai, xây dựng nhà tình nghĩa, tặng quà, sổ tiết kiệm gia đình chính sách, người có công; phối hợp tìm kiếm, quy tập mộ liệt sĩ; đặt tên các công trình văn hóa ở địa phương mình mang tên đất, tên người của địa phương kết nghĩa và hỗ trợ nhau xây dựng một số hạng mục công trình dân sinh thiết yếu... Trong số các địa phương kết nghĩa của hai tỉnh, nổi bật có thể kể đến TP.Hội An và TP.Thanh Hóa. Hai bên đã phối hợp tổ chức nhiều sự kiện văn hóa đặc sắc, các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch; và bước đầu tạo sự liên kết giữa doanh nghiệp của hai thành phố trong việc hỗ trợ, giúp đỡ, hợp tác và cùng nhau phát triển. Tại TP.Thanh Hóa, địa phương này đã đặt tên công viên văn hóa trung tâm là Công viên Hội An, đặt tên cây cầu nối Công viên Hội An với Công viên nước Đông Hương là cầu Hội An; lấy tên chí sĩ yêu nước Nguyễn Duy Hiệu (một lãnh tụ phong trào Cần Vương tại Quảng Nam, quê xã Cẩm Hà, Hội An) đặt tên cho tuyến đường nối đại lộ Lê Lợi với đường Lê Lai; ở thành phố này còn có một công viên mang tên Thanh Quảng. Trong khi đó, TP.Hội An hỗ trợ để TP.Thanh Hóa xây dựng Công viên Hội An, gồm các hạng mục: nhà làm kiểu Chùa Cầu Hội An và hai trụ điêu khắc gốm nghệ thuật với tổng kinh phí 4,4 tỷ đồng; hỗ trợ kinh phí xây dựng thư viện TP.Thanh Hóa.
Tương tự, từ năm 2010 trở lại đây, hoạt động thăm hỏi, trao đổi kinh nghiệm, cử đại biểu tham dự các ngày lễ, ngày kỷ niệm giữa các huyện Quế Sơn, Nông Sơn, Hiệp Đức với huyện kết nghĩa Thọ Xuân ngày càng được tăng cường. Trong đó, các huyện Quế Sơn, Nông Sơn, Hiệp Đức đã hỗ trợ xây dựng 7 nhà tình nghĩa tặng gia đình người có công của huyện Thọ Xuân với tổng trị giá 350 triệu đồng; trao tặng Quỹ khuyến học huyện Thọ Xuân 200 triệu đồng... Huyện Thọ Xuân cũng đã hỗ trợ xây dựng nhà tình nghĩa và tặng quà 9 trường hợp người có công của Quế Sơn, Nông Sơn, Hiệp Đức với tổng số tiền gần 500 triệu đồng...
Đẩy mạnh hợp tác kinh tế
Tại cuộc làm việc giữa lãnh đạo hai tỉnh mới đây ở TP.Tam Kỳ, bên cạnh những kết quả tích cực trong hợp tác trên các lĩnh vực, lãnh đạo hai tỉnh nhìn nhận vẫn còn nhiều mặt chưa đạt được kết quả. Nguyên nhân không chỉ là hai địa phương cách xa nhau về địa lý, mà còn ở việc các sở ngành cấp tỉnh chưa thực sự chủ động trong tham mưu các kế hoạch hợp tác có tính thiết thực và sâu rộng trên nhiều lĩnh vực có tiềm năng, thế mạnh. Điều đó dẫn đến hai địa phương chưa có nhiều hoạt động hợp tác về kinh tế, chỉ mới tập trung cho các hoạt động hỗ trợ nhau trong khắc phục thiệt hại do thiên tai, bão lũ, xây dựng nhà tình nghĩa, tặng tiết kiệm cho các gia đình chính sách, người có công; phối hợp tìm kiếm, quy tập mộ liệt sĩ...
Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa - Trịnh Văn Chiến chia sẻ rằng, ông rất ấn tượng về những thành tựu phát triển to lớn của Quảng Nam sau hơn 20 năm tái lập tỉnh. Trong đó, có hai vấn đề mà ông thấy tâm đắc, rất cần được chia sẻ, đó là phát triển công nghiệp, thu hút đầu tư được Quảng Nam thực hiện bài bản, tập trung xây dựng các khu công nghiệp lớn, kêu gọi được các nhà đầu tư chiến lược vào địa bàn. Thứ hai là đầu tư phát triển du lịch, thu hút du khách quốc tế đến với Quảng Nam. Ông mong hai tỉnh cùng hỗ trợ nhau trên các lĩnh vực thu hút đầu tư, liên kết phát triển du lịch, nông nghiệp công nghệ cao... Đồng thời đề xuất hai bên cùng phối hợp nghiên cứu, xúc tiến các điều kiện để có thể mở đường bay thẳng Thanh Hóa - Quảng Nam, phần nào tháo gỡ sự xa xôi về khoảng cách địa lý giữa hai địa phương.
Thống nhất luân phiên tổ chức các cuộc gặp hàng năm để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong lãnh đạo, điều hành thực hiện các nhiệm vụ chính trị, hợp tác phát triển kinh tế - xã hội, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam - Nguyễn Ngọc Quang, nói: “Năm 2019, tại Thanh Hóa, lãnh đạo hai tỉnh sẽ bàn sâu hơn các nội dung liên quan đến hợp tác, đặc biệt là Quảng Nam - Thanh Hóa sẽ cùng nhau động viên các doanh nghiệp lớn, có năng lực, kinh nghiệm đầu tư trên những lĩnh vực mà hai địa phương có thế mạnh đến tìm hiểu, xúc tiến đầu tư. Công ty Thaco - Trường Hải đang tiếp tục đầu tư vào Quảng Nam ở một số lĩnh vực công nghiệp cơ khí, nông nghiệp công nghệ cao, Thanh Hóa cũng nên nghiên cứu thu hút đơn vị này”. Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Ngọc Quang cũng cho rằng, sang năm 2019, hai địa phương cố gắng tổ chức một số hoạt động kết nối các doanh nghiệp du lịch, công ty lữ hành để mở rộng thị trường du lịch. “Khi thu hút được các doanh nghiệp lớn, có năng lực tài chính, chúng ta phải giải quyết tốt bài toán về đất đai, quy hoạch... Trong những cái khó chung, chúng ta cùng bàn bạc để giải quyết, triển khai trên thực tế, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hai tỉnh đầu tư vào địa bàn của nhau” - ông Quang chia sẻ.
HÀN GIANG