Nhận phụng dưỡng hàng xóm như mẹ ruột

HỒ QUÂN 03/12/2018 09:24

(QNO) - Cảm thương trước nghịch cảnh của một bà cụ trong làng, ông Hà Xuân Yên (56 tuổi, thôn Trúc Hà, xã Đại Hưng, Đại Lộc) đã nhận phụng dưỡng và tôn kính như người mẹ ruột của mình.

Bà Sang rất cảm động trước việc làm của
Ông Yên nhận phụng dưỡng bà Sang đến cuối đời. Ảnh: H.Q

1. Chúng tôi tìm đến nhà ông Yên tại một vùng thấp trũng bên dòng sông Vu Gia. Căn nhà ọp ẹp 25m2 là nơi gia đình ông sinh sống nhiều năm nay. Ngồi trò chuyện bên chiếc giường nhỏ mà cụ bà Trần Thị Sang (91 tuổi) đang nằm, ông Yên xúc động kể lại hoàn cảnh và hành trình đưa bà về phụng dưỡng.

Chồng bà Sang mất sớm, nhà lại khó khăn, một mình bà phải vất vả nuôi 2 người con khôn lớn. Người con gái lớn lấy chồng xa, kinh tế bấp bênh nên rất ít khi về thăm bà. Mọi niềm hy vọng bà đặt vào người con trai út vì anh luôn hiếu thuận và có công việc ổn định tại TP.Đà Nẵng. Thế nhưng, vào năm 2011 anh đột ngột mất trong một vụ tai nạn giao thông.

Từ đó, bà Sang bắt đầu suy sụp, sức khỏe giảm sút nghiêm trọng nên phải sống nương vào người em trai đơn thân. Nhưng rồi, cơn bão lũ năm 2014, vì cố gắng chằng chống nhà cửa, người em trai của bà sơ ý ngã xuống nước tử vong. Sau đó, nước lũ dâng cao, nhà không có chỗ khô ráo trú ẩn, đôi chân bà bị ngâm hàng giờ dưới nước cóng lạnh dẫn tới bại liệt hoàn toàn.

“Lũ vừa rút, nghe tin bà cụ bị nạn, vợ chồng tôi liền sang thăm hỏi, động viên. Lúc đó, bà bại liệt chỉ nằm một chỗ. Mái ngói trên đầu bị mục nát sau cơn lũ như muốn đổ sập bất cứ lúc nào. Bà một phần thì ốm yếu, phần xót thương đứa em nên nguy cấp lắm. Ban đầu, chúng tôi thay phiên nhau sang nhà chăm sóc. Đến năm 2015, thấy sức khỏe bà ổn hơn, chúng tôi đã xin phép đưa về nhà để tiện việc phụng dưỡng” - ông Yên kể.

2. Làm nghề phụ hồ tiền ba cọc ba đồng, canh tác thêm 4 sào ruộng thì nay được mai mất, ông Yên phải cố gắng làm thêm nhiều việc để có nguồn kinh phí. Bà Sang tuổi cao, hai chân bại liệt, tay run không thể ăn uống bình thường nên hai vợ chồng ông phải thay phiên nhau phụ giúp. Từng bữa ăn, giấc ngủ, hay thang thuốc bổ, ông đều chăm lo đầy đủ và rất chu toàn. Trong khi, bà Sang chỉ có mỗi tiền trợ cấp người cao tuổi, chẳng thấm tháp vào đâu so với chi phí ông Yên phải lo toan.

Ông Yên nói: “Thấy cụ khỏe là chúng tôi vui rồi. Tôi mất mẹ từ khi còn rất nhỏ, hình ảnh một người mẹ vất vả nuôi con luôn ở mãi trong tôi. Bắt gặp hình ảnh ấy trong ánh mắt cụ Sang, nên tôi xem cụ như người mẹ thứ hai vậy”.

Đồng hành với ông trong việc phụng dưỡng bà Sang là người vợ - bà Hồ Thị Liên (50 tuổi). Không những không tỏ ra phàn nàn, khó chịu về ông chồng đang làm chuyện “bao đồng” mà bà Liên còn rất ủng hộ và cùng chồng kiếm tiền, chăm lo cho bà cụ. “Tôi thấy việc làm này hết sức ý nghĩa nên cũng muốn phụ giúp chồng chút sức. Cả mấy đứa con nhà tôi cũng rất ủng hộ, thường sang thăm và chăm sóc cụ” - bà Liên nói.

Nhờ sự hiếu thuận của vợ chồng ông Yên, sức khỏe bà Sang tiến triển rất nhanh chóng. Từ nằm một chỗ, giờ bà đã ngồi dậy và nói chuyện vui vẻ. Với bà, một gia đình yên ấm như vậy là niềm ao ước đã ấp ủ mấy chục năm nay. Bà thỏ thẻ nói với gương mặt rạng rỡ: “Ở đây, tôi vui và khỏe lắm! Mọi người chăm lo, yêu thương nhau chẳng khác chi người một nhà. Những ngày tuổi già ở đây, tôi đã có con, có dâu, có cháu đủ đầy..., còn gì hạnh phúc hơn!”.

                                                                                                 HỒ QUÂN

HỒ QUÂN