Ngày Thế giới phòng chống AIDS (1.12): Hãy biết về tình trạng nhiễm của mình
(QNO) - Gần 4 thập kỷ vật lộn với cuộc chiến chống HIV/AIDS, số ca mắc bệnh AIDS trên thế giới hiện vẫn ở mức cao với 37 triệu người.
Người nhiễm HIV có quyền được khám và điều trị bệnh như mọi công dân khác. Ảnh: UNAIDS |
Kể từ khi trường hợp nhiễm vi rút HIV được phát hiện vào năm 1981 đến nay, các chuyên gia nghiên cứu vẫn tiếp tục nỗ lực tìm ra những giải pháp đột phá cũng như phát triển những công nghệ mới để có thể giúp tiêu diệt hoàn toàn vi rút HIV. Theo báo cáo của Chương trình phối hợp của Liên hiệp quốc về phòng chống HIV/AIDS (UNAIDS), chỉ có 75% trong số 37 triệu người thế giới hiện sống chung với AIDS năm 2017 biết tình trạng HIV của mình. Số còn lại, khoảng 9,4 triệu người không biết họ đang sống với HIV và cần phải đến các dịch vụ xét nghiệm và điều trị HIV. Đây chính là một trong những nguyên nhân khiến cuộc chiến xóa bỏ HIV/AIDS gặp rất nhiều khó khăn. Theo UNAIDS, giảm tải lượng vi rút (được định nghĩa là tải lượng ở dưới mức 1.000 bản sao vi rút HIV trên 1ml máu) được coi là tiêu chuẩn vàng trong đo lường hiệu quả điều trị HIV. Khi một bệnh nhân dương tính với HIV đạt được trạng thái giảm tải lượng vi rút, bệnh nhân đó không chỉ có khả năng cải thiện đáng kể tình trạng sức khỏe mà còn giảm đáng kể khả năng truyền bệnh. Giám đốc điều hành UNAIDS Michel Sidibé nói: “Xét nghiệm HIV và xét nghiệm tải lượng vi rút nên bình đẳng và dễ tiếp cận đối với tất cả những người sống chung với HIV, không có ngoại lệ”. Nhưng trên thực tế, kỳ thị và phân biệt đối xử là một trong những rào cản rất lớn khiến những người có hành vi nguy cơ cao và những người nhiễm HIV không dám tiếp cận đến các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS. Tiếp cận xét nghiệm HIV là một quyền cơ bản của con người và UNAIDS đang kêu gọi cam kết toàn cầu để loại bỏ các rào cản ngăn cản những người xét nghiệm HIV. Đó bao gồm loại bỏ sự kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV, đảm bảo tính bảo mật trong các dịch vụ xét nghiệm và điều trị HIV cũng như quyền của người nhiễm HIV là quyền lao động, quyền tự do đi lại và quyền về quyết định xét nghiệm HIV/AIDS theo luật phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người qui định. Do vậy, chủ đề Ngày Thế giới phòng chống AIDS năm nay là khuyến khích mọi người biết về tình trạng HIV của mình, nâng cao nhận thức về HIV để sàng lọc phát hiện sớm tình trạng HIV để được tiếp cận điều trị. Tại Việt Nam, từ ngày 10.11 đến ngày 10.12.2018, Ủy ban Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm tổ chức triển khai Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2018, với chủ đề: “Hãy hành động để hướng tới mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020”. Đó là 90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình, 90% người nhiễm HIV chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng vi rút và 90% người nhiễm HIV đã được điều trị bằng thuốc kháng vi rút kiểm soát được số lượng vi rút ở mức thấp để sống khỏe mạnh và làm giảm nguy cơ lây truyền HIV cho người khác. Mục tiêu này nằm trong chiến lược của UNAIDS ở cấp độ toàn cầu để hướng tới kết thúc dịch HIV/AIDS vào năm 2030. Theo thống kê của Bộ Y tế, hiện Việt Nam có khoảng 208.000 người nhiễm HIV. Mỗi năm nước ta có khoảng hơn 8.000 trường hợp nhiễm HIV mới được phát hiện và khoảng 3.000-4.000 người tử vong vì AIDS. Tuy nhiên, còn ít nhất khoảng 50.000 người nhiễm HIV sống trong cộng đồng mà chưa biết tình trạng nhiễm HIV của mình. NAM VIỆT