Biến đổi khí hậu: Mối đe dọa sức khỏe của thế kỷ 21
(QNO) - Các tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) từ nắng nóng đến bão lụt, cháy rừng đang gia tăng, gây áp lực cho hệ thống y tế toàn cầu.
Lũ lụt khiến nguy cơ bùng phát bệnh dịch rất cao. Ảnh: AP |
Thông tin trên của các chuyên gia y tế, các nhà khoa học được đăng tải trên tạp chí y học nổi tiếng Lancet của Anh quốc. Nhiệt độ trái đất nóng lên và thời tiết thay đổi bất thường ảnh hưởng đến sức khỏe của hàng trăm triệu người trong 2 thập kỷ qua.
Trước thềm hội nghị Liên hiệp quốc về BĐKH lần thứ thứ 24 (COP 24) diễn ra tại Ba Lan vào tuần tới, Liên hiệp quốc cho biết trong 10 tháng đầu năm nay, nhiệt độ trung bình toàn cầu cao hơn gần 1 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Như vậy, 2018 sẽ là 4 năm liên tiếp nóng nhất trong lịch sử.
Nick Watts - Giám đốc điều hành của The Lancet Countdown - báo cáo hàng năm theo dõi mối liên hệ giữa sức khỏe cộng đồng và BĐKH, ví dụ: bão lụt không chỉ gây thương tích trực tiếp cho con người mà các bệnh viện địa phương không thể hoạt động vì thiên tai, trong khi nhiều người khác bị chấn thương tâm lý khi nhà cửa bị sụp đổ, bùng phát và lây lan dịch bệnh.
BĐKH làm gia tăng các chứng bệnh đường hô hấp, tim mạch và các dịch bệnh, đe dọa những thành quả về y tế cộng đồng mà quốc tế đạt được trong nhiều thập niên qua. Càng BĐKH, con người càng ốm đau. Mực nước biển dâng, gia tăng nhiệt độ môi trường, thay đổi lượng mưa… là các yếu tố thuận lợi cho sự phát triển của một số loài muỗi truyền bệnh (sốt rét, sốt xuất huyết).
Tương tự, cháy rừng khiến người dân khu vực sống trong ô nhiễm khói bụi. Vụ cháy rừng cách đây hơn một tuần tại California (Mỹ) khiến gần 90 người thiệt mạng. Làn khói lan từ bờ tây sang bờ đông nước Mỹ sau những vụ cháy rừng lớn, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người dân.
Nắng nóng khiến nhiều lao động làm việc ngoài trời kiệt sức. Ảnh: Daly Star |
Riêng tại Anh và xứ Wale của Vương quốc Anh, số người tử vong do nắng nóng trong suốt hai tuần hồi tháng 6 và tháng 7 vừa qua khiến hơn 700 người thiệt mạng. Còn kể từ năm 1950, các nước vùng Baltic ghi nhận số ca dịch tả tăng 24% ở các khu vực ven biển, trong khi tại khu vực sa mạc Sahara ở châu Phi, bệnh sốt rét lan rộng tăng 27%.
Thời tiết khô nóng cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng kháng kháng sinh ở những người mắc một số bệnh do vi khuẩn gây nên, một vấn đề sức khỏe y tế quan tâm hàng đầu trong thế kỷ 21 này.
Theo báo cáo của Lancet, BĐKH diễn ra nhanh chóng, thời tiết cực đoan diễn ra cũng gây ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh lương thực, nguồn nước và không khí, làm gia tăng nghèo đói, suy dinh dưỡng và mắc bệnh tật.
Báo cáo mới đây của cơ quan liên ngành về BĐKH của Mỹ nhấn mạnh, với sự gia tăng của các hiện tượng thời tiết cực đoan, tác động không chỉ đến các cơ sở hạ tầng, mà còn để lại những hậu quả y tế nghiêm trọng. Nhiều bệnh tật mới xuất hiện, tỷ lệ người mắc chứng trầm cảm, tự sát gia tăng và những đối tượng gánh chịu hậu quả nặng nề nhất của BĐKH là những người nghèo khó.
Thêm đó, thời tiết nóng hơn còn ảnh hưởng đến năng suất lao động của những người phải làm việc ngoài trời như trong các lĩnh vực xây dựng, nông nghiệp, dẫn đến thất thoát 153 tỷ giờ công lao động trong năm 2017, tăng 60% so với 17 năm trước đó.
QUỐC HƯNG