Con sông mà biết nói năng...
Đã gần 10 năm, tôi vẫn còn nhớ cảm giác ngỡ ngàng khi lần đầu nhìn thấy chiếc cống Cổ Linh. Công trình này thuộc xã Bình Sa (Thăng Bình), được gọi là nút thắt cổ chai của dòng Trường Giang chạy song song với biển từ Cửa Đại đến An Hòa. Dòng sông này đã ghi dấu trong quá khứ là tuyến đường thủy quan trọng, nối dài từ Đà Nẵng đến Núi Thành, qua nhiều làng mạc, tấp nập cảnh trên bến dưới thuyền gắn với những địa danh văn hóa. Vậy mà chiếc cống Cổ Linh rộng chỉ vài bước chân đã tồn tại ở đây vài thập kỷ qua, ngăn cách dòng nước được cảm nhận là “không đầu không cuối” của Trường Giang. Sông đang dần chết đi theo cái cách đã bị bóp bụng, rút ruột, xả thải... vô tội vạ với bao nhiêu phương kế phục vụ lợi ích của con người. Tôi về Cổ Linh cách đây gần 10 năm giữa niềm kỳ vọng của người dân rằng Trường Giang sẽ sống lại bởi thời điểm đó có một dự án khơi dòng đang triển khai ở đây. Nhưng rồi người ta đã tước đi cơ hội đó sau khi đã kiếm được số tiền kha khá từ dự án; bỏ mặc, sang sông như một vị khách vô tình...
Tài nguyên sông suối đang được khai thác một cách tối đa. Ở nhiều địa phương, có những dòng sông “sắp qua đời” do bị khai thác quá mức hoặc phải gồng gánh hệ lụy từ hoạt động của con người. Tại Quảng Nam, thủy điện đang trở thành “đặc sản” nên những dòng sông là nguồn tài nguyên “chảy ra tiền” theo phương thức bậc thang. Trên hệ thống Vu Gia - Thu Bồn, lòng sông đã bị chặt khúc để lấy nước vào các hồ chứa, nổi nênh dòng chảy theo từng miệng cống xả tràn. Thậm chí người ta còn đem nước từ Vu Gia xả qua Thu Bồn, cắt mạch nguồn của dòng chảy nên mới gây ra hiện tượng khô hạn, nhiễm mặn ở hạ du. Hệ lụy rất dễ nhìn thấy như thế đã không được tính toán trước; trong khi những báo cáo rất dễ nghe là điều tiết lũ, chống hạn cho hạ du đã hoàn toàn vắng bóng trong thực tế. Rồi nạn bòn rút khoáng sản từ lòng sông vẫn âm ỉ diễn ra. Khai thác cát trái phép là cách nhanh nhất để biến những con sông chảy bình yên thành các phân đoạn lở loét, nham nhở, nhưng dù rất nỗ lực vẫn chưa thể ngăn chặn triệt để...
Giờ đây, để giải quyết cơn khát nước sạch, đẩy mặn ở vùng hạ du Đà Nẵng và phía bắc Quảng Nam, một dự định chỉnh trị, ngăn dòng sắp được triển khai trên sông Quảng Huế. Dòng sông này cũng từng bị can thiệp để phục vụ lợi ích trước mắt của con người. Hàng chục năm qua, nhiều dự án tiền tỷ đổ vào đây để chỉnh trị, nhưng Quảng Huế đang trở nên “bất trị”, cuốn không biết bao nhiêu tiền của trôi theo nhịp bồi lở của đời sông. Người ta đang nói đến giải pháp ứng phó với sự bất trắc của tự nhiên theo phương án phi công trình, nhưng những công trình chắp vá, thiếu sự tính toán kỹ lưỡng vẫn tiếp tục triển khai. Tình trạng thi công công trình này là để khắc phục hậu quả cho công trình kia diễn ra lâu nay cho thấy những phép tính của con người bối rối như thế nào trước mẹ thiên nhiên. Và đắp đập, ngăn sông - những việc “đại sự” như thế nếu chỉ xuất phát từ phép tính đơn giản, hoặc vụ lợi chớp nhoáng thì sẽ lại chuốc lấy thêm những “bài học” từ thiên nhiên.
C.B.L