Bí quyết phòng viêm mũi cho người hay di chuyển
(QNO) - Thời tiết giao mùa, ô nhiễm môi trường khiến các bệnh lý hô hấp tái phát mạnh. Tình trạng hắt hơi sổ mũi, nhức đầu, khó thở… càng trở nên bất tiện hơn đối với những người bận rộn, thường xuyên phải di chuyển.
Các bệnh lý viêm đường hô hấp thường tái phát khi thay đổi thời tiết, thay đổi môi trường… |
Nỗi khổ dị ứng thời tiết
Là trưởng phòng kinh doanh một công ty xuất nhập khẩu thiết bị máy văn phòng, chị Nguyễn Thu H. (35 tuổi, ở Hà Nội) có công việc khá bận rộn và thường xuyên phải đi công tác xa. Một trong những nỗi ám ảnh của chị mỗi lần phải đi công tác là bệnh viêm mũi dị ứng mà chị đã mắc nhiều năm nay.
“Việc phải di chuyển tàu xe liên tục, tiếp xúc với bụi khói, thích nghi liên tục với các điều kiện thời tiết khác nhau khiến tôi thường xuyên bị sổ mũi, đau đầu, chóng mặt, nhiều khi bệnh nặng lên thành viêm họng, viêm phế quản. Nhưng do tính chất công việc nên vẫn phải đi.” - chị H. chia sẻ.
Anh Lương Ngọc T. (40 tuổi, kiến trúc sư, ở TP.HCM) cho biết, do công việc hiện tại phải đảm nhiệm ở cả hai thị trường là Hà Nội và TP.HCM nên tháng nào anh cũng có vài chuyến bay ra vào liên tục.
Mọi chuyện sẽ không có gì đáng bàn đối với độ tuổi còn trẻ khỏe như anh, ngoại trừ việc anh mắc phải bệnh hen.
“Bệnh hen là một bệnh lý hô hấp có liên quan đến cơ địa dị ứng. Bởi vậy tôi đã rất khổ sở mỗi lẫn ra Bắc vào mùa lạnh. Nhiệt độ thấp khiến tôi đau đầu, khó thở… và ảnh hưởng khá nhiều đến chất lượng công việc cũng như cuộc sống” - anh T. nói.
Đó là chưa kể, anh T. cảm thấy tình trạng bệnh trở nên trầm trọng hơn mỗi lần di chuyển bằng máy bay. Anh thường xuyên cảm thấy bị đau nhức mũi và thái dương do áp suất thay đổi trên máy bay.
Phòng bệnh cách nào?
Việt Nam nằm trong khu vực có khí hậu nhiệt đới gió mùa, nóng ẩm quanh năm, là môi trường khiến vi khuẩn, tác nhân gây bệnh dễ sinh sôi nảy nở.
Ngoài ra, quá trình đô thị hóa quá nhanh, di dân ồ ạt cũng kéo theo hệ lụy là môi trường sống bị ô nhiễm, khiến các bệnh lý (trong đó có bệnh lý về hô hấp) bùng phát mạnh.
Để phòng bệnh, các bác sĩ khuyến cáo, trước hết phải tăng sức đề kháng cơ thể như: không được thức quá khuya, ăn uống nghỉ ngơi đầy đủ không bỏ bữa, làm việc không quá sức kéo dài, giảm stress, bổ sung vitamin C hợp lý.
Bên cạnh đó, nên tránh tác nhân gây dị ứng như khói bụi, mùi xăng dầu bằng cách đeo khẩu trang khi ra đường và đến nơi đông người, không nên bơi ở các hồ bơi không đảm bảo vệ sinh, không để cơ thể nhiễm lạnh (ngủ máy lạnh nhiều, thường xuyên, nhiễm nước mưa, giữ ấm cơ thể)…
Theo chuyên gia tai mũi họng, đối với những bệnh liên quan đến đường hô hấp như viêm mũi, viêm xoang thì ngoài việc sử dụng các loại thuốc bằng đường uống hay bằng tiêm truyền tĩnh mạch thì người bệnh còn có thể xông mũi. Xông mũi thường được sử dụng như một biện pháp hỗ trợ để đạt kết quả tốt nhất.
Từ xa xưa, trong dân gian đã lưu truyền nhiều bài thuốc xông mũi họng sử dụng thảo dược “cây nhà lá vườn” như củ sả, cây kinh giới, hoa cứt lợn… Ngày nay, việc xông mũi họng trở nên đơn giản hơn vì đã có những chiếc máy xông hiện đại, nhỏ gọn và những loại thuốc điều trị phù hợp.
Lý giải về hiện tượng người viêm hô hấp thường bị khó chịu khi đi máy bay, các bác sĩ chuyên khoa đều cho rằng áp suất không khí trên cao sẽ khiến cho niêm mạc mũi bị kích ứng, tăng tiết dịch nhầy, tắc nghẽn đường thở và đó là lý do làm cho chứng viêm mũi xoang trở nặng khi bệnh nhân ngồi trên máy bay.
Ngoài các mẹo nhỏ như nhai kẹo cao su, dùng bông nhét lỗ tai,… nhiều người bệnh cũng được chỉ định sử dụng các nhóm thuốc kháng histamin dạng xịt hoặc dạng xông làm co mạch mũi, hoặc xông mũi bằng nước muối biển sâu sẽ giúp niêm mạc mũi hạn chế tiết dịch nhầy và giảm triệu chứng khó chịu khi áp suất thay đổi.
Theo vietnamnet.vn